20/03/2021 13:47 GMT+7

Nghiên cứu mới: COVID-19 đã âm thầm lây nhiễm trước khi bị lộ?

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Các nhà khoa học Mỹ cho rằng virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 có thể đã lây nhiễm sang người ở Trung Quốc sớm nhất vào khoảng cuối tháng 10-2019 đến đầu tháng 11-2019.

Nghiên cứu mới: COVID-19 đã âm thầm lây nhiễm trước khi bị lộ? - Ảnh 1.

Chợ cá Vũ Hán cuối năm 2020 - Ảnh: REUTERS

Các tài liệu khoa học mô tả những trường hợp đầu tiên nhiễm COVID-19 vào cuối tháng 12-2019 tại ổ dịch chợ hải sản Vũ Hán ở tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc).

Kết quả giải trình tự gen đầu tiên của SARS-CoV-2 cũng cho thấy virus phát sinh từ ổ dịch này.

Tuy nhiên, nhiều ca nhiễm COVID-19 lại được ghi nhận trước khi dịch bùng phát ở Vũ Hán và một số bệnh nhân không đến chợ như một bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm ngày 1-12-2019.

Virus truyền từ người sang người khi nào?

Công trình nghiên cứu mới do năm nhà khoa học Mỹ thuộc Đại học California tại San Diego và Đại học Arizona thực hiện đã góp phần hiểu thêm về COVID-19.

Nghiên cứu với đầu đề "Định thời điểm cho ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên ở tỉnh Hồ Bắc" được công bố trên tạp chí Science ngày 18-3 kết luận bệnh nhân F0 có thể đã nhiễm SARS-CoV-2 ở tỉnh Hồ Bắc sớm nhất vào cuối tháng 10-2019, tức sớm hơn một tháng trước khi Trung Quốc đưa tin về đại dịch.

Để giải đáp câu hỏi đầu tiên "SARS-CoV-2 được truyền từ người sang người khi nào?", các nhà khoa học đã tiến hành xác định niên đại phát sinh loài phân tử để ước tính thời điểm "tổ tiên" chung của SARS-CoV-2 xuất hiện tại Trung Quốc.

Họ đã phân tích 583 bộ gen virus corona được lấy mẫu từ tháng 12-2019 đến tháng 4-2020 vào thời điểm virus hoành hành dữ dội nhằm xác định tốc độ tiến hóa của SARS-CoV-2.

Kết quả nghiên cứu cho thấy "tổ tiên" chung của chủng SARS-CoV-2 gây đại dịch đã hiện diện từ ngày 17-11 đến 20-12-2020. Điều này có nghĩa những ca mắc bệnh đầu tiên liên quan đến các dòng SARS-CoV-2 hiện nay không được ghi nhận.

Nghiên cứu mới: COVID-19 đã âm thầm lây nhiễm trước khi bị lộ? - Ảnh 2.

Các kết quả mô phỏng cho thấy các ca đầu tiên xuất hiện vào cuối tháng 10-2019 - Ảnh: SCIENCE

Virus âm thầm lây nhiễm từ khi nào?

Câu hỏi thứ hai: virus corona đã âm thầm phát tán bao lâu trước khi "xuất đầu lộ diện"?

Để giải đáp câu hỏi này, các nhà khoa học đã làm mô hình dịch tễ học với các thông số đại dịch được thu thập trong 22 ngày đầu tháng 1-2020 ở Trung Quốc, tức trước khi có quyết định chính thức phong tỏa Vũ Hán (ngày 23-1-2020).

Mô phỏng đầu tiên cho thấy ca mắc COVID-19 đầu tiên lộ diện ngày 17-11-2019, tức đã bị nhiễm từ ngày 28-10 đến ngày 4-11-2019.

Mô phỏng thứ hai ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên xuất hiện ngày 1-12-2019, tức đã bị nhiễm khoảng ngày 17-11-2019.

Nhiều mô phỏng tương tự được thực hiện với giả thuyết khác: những trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên có thể đã nhiễm chủng virus lạ ít độc hơn chưa bị phát hiện hoặc chưa được giải trình tự gen; chủng này có thể đã âm thầm lây lan với mức độ không vượt quá ngưỡng dịch rồi đột biến để tạo thành chủng virus gây đại dịch COVID-19 ở Vũ Hán.

Với giả thiết như vậy, kết quả mô phỏng cho thấy ca nhiễm đầu tiên ở Hồ Bắc có thể xảy ra vào ngày 5-11-2019.

Theo phân tích, số ca nhiễm COVID-19 đầu tiên rất ít, chỉ một ca ngày 4-11-2019, 10 ca ngày 17-11-2019 và khoảng 20 ca ngày 1-12-2019. Do đó không có gì ngạc nhiên khi chẳng ai chú ý đến dịch bệnh.

Nghiên cứu mới: COVID-19 đã âm thầm lây nhiễm trước khi bị lộ? - Ảnh 3.

Một mô phỏng cho thấy xác suất xuất hiện "tổ tiên" chung của SARS-CoV-2 cao nhất từ ngày 17-11 đến 20-12-2019 - Ảnh: SCIENCE

Chỉ một số ít chủng virus dẫn đến dịch

Các tác giả nghiên cứu ở Đại học California và Đại học Arizona viết: "Kết quả của chúng tôi cho thấy bằng chứng xét nghiệm PCR về sự hiện diện của SARS-CoV-2 trong nước thải ngoài Trung Quốc trước tháng 11-2019 có lẽ không có giá trị, và nên xem xét lại nghi vấn về quá trình lây lan quốc tế của virus từ giữa tháng 11 đến đầu tháng 12-2019 vì kết quả của chúng tôi cho thấy chỉ có tối thiểu 20 người bị nhiễm vào thời điểm đó".

Trang web khoa học Futura (Pháp) nhận định các mô hình dịch tễ học nêu trên cho thấy nhiều chủng virus đã vượt hàng rào các loài để lây nhiễm sang người, song chỉ một số ít có thể tiến đến giai đoạn dịch hoặc đại dịch.

Thật vậy, chỉ 30% trong số các mô phỏng dẫn đến dịch bệnh, phần còn lại đã biến mất chỉ sau một đợt lây nhiễm.

Hãng Merck công bố loại thuốc uống trị COVID-19 Hãng Merck công bố loại thuốc uống trị COVID-19

TTO - Hãng dược Merck của Đức và đối tác Mỹ Ridgeback Biotherapeutics đã công bố kết quả khả quan về thử nghiệm loại thuốc uống Molnupiravir giúp điều trị COVID-19, khi thuốc này giúp giảm đáng kể tải lượng virus ở bệnh nhân.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên