Người dân, doanh nghiệp làm thủ tục xin thị thực cho người nước ngoài ở Cục Quản lý xuất nhập cảnh tại TP.HCM - Ảnh: Q.Đ.
Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) cho biết thời gian qua, nhất là từ ngày 15-3 đến nay, chính sách thị thực của Việt Nam theo hướng mở cửa, thủ tục hành chính được cải cách, đổi mới mạnh mẽ, nên số người nước ngoài nhập xuất cảnh sau đại dịch COVID-19 đã không ngừng tăng lên.
Bên cạnh đó, chính sách thị thực điện tử đang vận hành ổn định, đạt kết quả tốt. Việc triển khai hệ thống tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đề nghị xét duyệt nhân sự cho người nước ngoài qua giao dịch điện tử cũng được đẩy mạnh thực hiện.
"Thủ tục cấp thị thực ngày càng đơn giản, nhanh gọn, công khai minh bạch với nhiều hình thức cùng với chính sách đơn phương miễn thị thực đối với công dân 13 nước không phân biệt mục đích nhập cảnh đã tạo sự thông thoáng, cởi mở nhằm tạo điều kiện cho người nước ngoài vào Việt Nam du lịch, đầu tư, kinh doanh và lao động.
Đây có thể coi là giải pháp quan trọng tạo đột phá cho du lịch Việt Nam, góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương hội nhập quốc tế", lãnh đạo Cục Quản lý xuất nhập cảnh nhận định.
Cũng theo Cục Quản lý xuất nhập cảnh, so với thủ tục cấp thị thực truyền thống, thủ tục cấp thị thực điện tử được đơn giản hóa hơn, thời gian giải quyết nhanh chóng trong ba ngày, thuận tiện hơn cho người nước ngoài.
Thị thực điện tử có thời hạn 30 ngày, người nước ngoài thực hiện hoàn toàn qua trang thông tin cấp thị thực điện tử, không phải thông qua cơ quan, tổ chức mời bảo lãnh.
Trước đây, theo quy định, người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày.
Tuy nhiên từ sau khi Thủ tướng ban hành nghị quyết quy định công dân 13 quốc gia được miễn thị thực nhập cảnh Việt Nam với thời hạn 15 ngày, không phân biệt mục đích, không yêu cầu khi nhập cảnh trở lại phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày đã tạo điều kiện cho du khách quốc tế nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực, sau đó xuất cảnh sang nước thứ ba rồi quay lại Việt Nam tiếp tục du lịch hoặc về nước.
Bên cạnh đó, hiện nay, việc cấp thị thực, thẻ tạm trú cho nhà đầu tư nước ngoài quy định theo hướng căn cứ mức góp vốn đầu tư hoặc ngành, nghề, địa bàn ưu đãi, khuyến khích đầu tư để cấp thị thực, thẻ tạm trú có thời hạn và ký hiệu phù hợp.
Theo đó, nhà đầu tư có vốn góp giá trị 3 tỉ đồng chỉ được cấp thị thực có thời hạn không quá 1 năm, nhà đầu tư có vốn góp giá trị từ 100 tỉ đồng trở lên được cấp thẻ tạm trú đến 10 năm.
"Quy định này đã góp phần tạo thuận lợi, ưu đãi cho người nước ngoài đầu tư vào Việt Nam với số vốn góp lớn, phù hợp với chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc theo tinh thần nghị quyết của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, đồng thời khắc phục tình trạng lợi dụng góp vốn nhỏ để hợp thức hóa việc ở lại Việt Nam lâu dài", Cục Quản lý xuất nhập cảnh nhận định.
Thời gian qua có một số thông tin phản ánh cho rằng việc giải quyết cho người nước ngoài nhập cảnh thời điểm trước khi diễn ra đại dịch COVID-19 có phần thông thoáng hơn giai đoạn hiện nay.
Phản hồi lại, Cục Quản lý xuất nhập cảnh cho rằng thông tin như vậy là thiếu khách quan, chưa đầy đủ. Số lượng người nước ngoài đến Việt Nam trong thời gian qua tăng nhưng vẫn thấp hơn so với thời điểm trước dịch, do nhiều nguyên nhân khách quan từ hậu quả của đại dịch COVID-19.
Cục Quản lý xuất nhập cảnh vẫn đang thực hiện đồng bộ, triệt để chính sách cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam dưới nhiều hình thức, đảm bảo đúng quy định của pháp luật nhưng vẫn tạo được sự thông thoáng, cởi mở nhằm thu hút họ vào du lịch và đầu tư, kinh doanh.
Đồng thời cục tiếp tục tăng cường công tác xét duyệt nhân sự, kiểm tra, rà soát, đẩy mạnh công tác quản lý cư trú đối với người nước ngoài nhằm phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng việc khôi phục các chính sách về nhập cảnh của Việt Nam để hoạt động vi phạm pháp luật.
Cục Quản lý xuất nhập cảnh cho rằng so với nhiều quốc gia trên thế giới, chính sách thị thực của Việt Nam đơn giản và nhanh gọn, với hình thức đa dạng theo nhu cầu của người nước ngoài khi nhập cảnh Việt Nam.
Thời gian tới cục vẫn tiếp tục thực hiện chính sách thị thực theo quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Đồng thời cơ quan này cũng chủ trì tham mưu Bộ Công an nghiên cứu, mở rộng danh sách các nước có công dân được cấp thị thực điện tử.
Theo nghị quyết được Chính phủ ban hành, hiện có 80 nước có công dân được cấp thị thực điện tử vào Việt Nam gồm: Áo, Ba Lan, Bỉ, Bồ Đào Nha, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Cộng hòa liên bang Đức, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Ý, Phần Lan, Pháp, Trung Quốc...
Cùng với đó có 8 cửa khẩu đường hàng không, 13 cửa khẩu đường bộ, 7 cửa khẩu đường biển cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử.
Mới đây, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu Bộ Công an tăng cường các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin nhằm cải tiến quy trình, thủ tục cấp thị thực điện tử tạo thuận lợi hơn nữa cho khách du lịch quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam; nghiên cứu mở rộng danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ được cấp thị thực điện tử, báo cáo Chính phủ trong năm 2022.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận