21/05/2025 12:21 GMT+7

Nghiên cứu liên ngành: Hướng mở của tương lai

Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học liên ngành trong đội ngũ trí thức trẻ là hội thảo được Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP.HCM phối hợp Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ, Câu lạc bộ Các nhà khoa học trẻ TP.HCM tổ chức.

nghiên cứu liên ngành - Ảnh 1.

Các bạn trẻ tham gia đặt câu hỏi cùng diễn giả có mặt tại hội thảo - Ảnh: KIM SÁNG

Hội thảo khoa học về nghiên cứu liên ngành diễn ra tại Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, có 70 tham luận của trên 150 tác giả. Trong đó có sự góp mặt của một số chuyên gia quốc tế từ nhiều lĩnh vực khác nhau.

Công nghệ không thể thay thế tư duy, chỉ gợi mở và thúc đẩy khả năng kết nối ý tưởng. Người trẻ rất cần hệ sinh thái học thuật cởi mở cho phép họ thử nghiệm, thất bại và học hỏi không ngừng.

Thạc sĩ HUỲNH NGỌC THÁI ANH

Xu thế tất yếu của nghiên cứu liên ngành

PGS.TS Seng W. Loke - giám đốc Trung tâm phần mềm, hệ thống và xã hội (ĐH Deakin, Úc) - dẫn chứng máy tính lượng tử phân tán là điển hình cho thành tựu nhờ tư duy liên ngành sâu sắc. Ông nói không có ngành khoa học nào có thể đơn độc xây dựng máy tính lượng tử mà đó là kết quả phối hợp giữa vật lý lượng tử, khoa học máy tính, toán học, kỹ thuật điện tử, vật liệu và viễn thông.

TS David Nghiêm - nhà sáng lập, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Tập đoàn Công nghệ không dây toàn cầu (Mỹ) - giới thiệu với hội thảo công trình phát triển máy trợ tim không dây tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và nói để chế tạo một thiết bị tinh vi như vậy cần huy động kiến thức nhiều lĩnh vực khác nhau. Kỹ thuật y sinh đảm bảo thiết bị tương thích sinh học, điện tử và cơ khí chính xác giúp vận hành ổn định ở môi trường bên trong cơ thể.

Trong khi đó, AI phân tích dữ liệu nhịp tim theo thời gian để hỗ trợ bác sĩ phát hiện sớm các nguy cơ như đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Thực tiễn phát triển sản phẩm tại Mỹ, ông David Nghiêm kỳ vọng Việt Nam sớm nắm bắt cơ hội, đầu tư giáo dục và nghiên cứu đa ngành, đặc biệt là vi mạch bán dẫn.

GS.TS Nguyễn Kim Lợi - giám đốc Trung tâm nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM) - chia sẻ về vai trò của GeoAI (mô hình kết hợp giữa AI và dữ liệu không gian địa lý) trong nghiên cứu liên ngành. GeoAI không chỉ là công cụ phân tích mà đóng vai trò như "ngôn ngữ chung" cho phép các lĩnh vực tưởng chừng không liên quan kết nối và giao tiếp với nhau.

Dữ liệu không gian vốn có mặt khắp trong đời sống, nên khi tích hợp với AI, những dữ liệu này tạo nên các mô hình phân tích và dự báo có khả năng thích ứng linh hoạt từng lĩnh vực cụ thể.

"Chỉ cần thay đổi dữ liệu đầu vào, mô hình GeoAI có thể dùng theo dõi sự lây lan của dịch bệnh ở người hoặc hỗ trợ ngành nông nghiệp khoanh vùng nguy cơ sâu bệnh mà không cần khảo sát thực địa", ông Lợi nói.

Thêm giải pháp công nghệ

Tham luận "Ứng dụng Citespace trong nghiên cứu khoa học liên ngành" được TS Ngô Nguyễn Quỳnh Như (Trường ĐH Tôn Đức Thắng) thực hiện cùng thạc sĩ Nông Thị Luyến (Trường ĐH Lao động và Xã hội) trình bày phân tích khi tri thức ngày càng phân mảnh theo chuyên ngành, Citespace là công cụ hữu hiệu giúp phân tích mối liên hệ giữa các chủ đề nghiên cứu khác nhau trên thế giới.

Phân tích dữ liệu từ hàng loạt bài báo khoa học quốc tế, phần mềm này tạo bản đồ tri thức số với các khái niệm nổi bật, xu hướng phát triển theo thời gian..., là công cụ đắc lực cho nhà nghiên cứu định vị xu hướng, tìm kiếm cơ hội hợp tác, chọn hướng đi phù hợp trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Còn thạc sĩ Huỳnh Ngọc Thái Anh (Trường Công nghệ thông tin và truyền thông, ĐH Cần Thơ) nói AI mở ra nhiều cơ hội đột phá nhờ khả năng phân tích nhanh và xử lý thông tin phức tạp. Đồng thời giúp các nhóm nghiên cứu trẻ rút ngắn thời gian tiếp cận tri thức mới, kết nối các lĩnh vực tưởng như khác biệt.

Ông Anh nói với các trường ĐH vùng như ĐH Cần Thơ, AI tạo cơ hội rút ngắn khoảng cách với các trung tâm nghiên cứu lớn. "Điều này chỉ đạt được nếu có chiến lược đầu tư bài bản, hợp tác thực chất giữa các nhóm nghiên cứu", ông Anh bày tỏ.

Vai trò then chốt của Chính phủ

Thạc sĩ Đậu Ngọc Linh (Học viện Cán bộ TP.HCM) cho rằng nghiên cứu liên ngành không thể chỉ dựa vào nỗ lực của từng cá nhân mà cần sự dẫn dắt mạnh mẽ từ Chính phủ với các chính sách thuận lợi, đầu tư tài chính trọng điểm, tạo ra không gian kết nối đa ngành để thúc đẩy hợp tác.

Cùng với đó cần phát triển hạ tầng số và dữ liệu mở là yếu tố quan trọng giúp chia sẻ thông tin hiệu quả giữa các lĩnh vực. "Việt Nam cần một chiến lược nghiên cứu liên ngành rõ ràng cùng các cơ chế hỗ trợ dài hạn nhằm tăng cường hợp tác, chuyển giao tri thức giữa khoa học và thực tiễn cuộc sống", ông Linh nêu.

Nghiên cứu liên ngành: hướng mở của tương lai - Ảnh 2.Hành trình nghiên cứu khoa học đầy cảm hứng của tiến sĩ 9X

Tiến sĩ Phạm Thanh Tuấn Anh với hơn 60 công trình khoa học đã tạo động lực lớn cho thế hệ trẻ. Hành trình đầy cảm hứng của anh giúp lan tỏa đam mê nghiên cứu trong cộng đồng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên