23/03/2021 16:33 GMT+7

Nghị sĩ châu Âu đe dọa không ký thỏa thuận đầu tư cùng Trung Quốc

NGUYÊN HẠNH
NGUYÊN HẠNH

TTO - Căng thẳng leo thang giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến thỏa thuận đầu tư hai bên đang đàm phán.

Nghị sĩ châu Âu đe dọa không ký thỏa thuận đầu tư cùng Trung Quốc - Ảnh 1.

Căng thẳng giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến thỏa thuận đầu tư cả hai đang đàm phán cùng nhau - Ảnh: REUTERS

Hôm 22-3, EU tuyên bố áp lệnh trừng phạt lên 4 quan chức Trung Quốc và 1 tổ chức vì cáo buộc vi phạm nhân quyền tại Tân Cương.

Động thái này là một phần của phối hợp phản ứng giữa Mỹ và đồng minh trước Trung Quốc. Ngoài EU, cả Anh và Canada cũng tham gia nỗ lực này.

Trung Quốc nhanh chóng đáp trả EU, tuyên bố đưa 10 cá nhân và 4 tổ chức của khối này vào danh sách đen, trong đó có các nghị sĩ châu Âu.

Vì động thái của Bắc Kinh, một số thành viên Nghị viện châu Âu (EP) cảnh báo sẽ không phê duyệt thỏa thuận đầu tư EU - Trung Quốc.

EU và Trung Quốc ký thỏa thuận trên hồi tháng 12-2020 sau 35 vòng đàm phán kể từ năm 2013, theo Đài CNBC.

“Việc tháo dỡ trừng phạt đối với các nghị sĩ là điều kiện trước tiên để chúng tôi bắt đầu các cuộc đối thoại cùng Chính phủ Trung Quốc về thỏa thuận đầu tư này” - bà Kathleen van Brempt, nghị sĩ thuộc Liên minh Tiến bộ xã hội và dân chủ (S&D), cho biết. S&D là nhóm chính trị lớn thứ hai tại EP với 145 nghị sĩ.

Những người bị Trung Quốc áp lệnh trừng phạt cũng ủng hộ quan điểm này.

Ông Reinhard Bütikofer, nghị sĩ Đức, viết trên Twitter rằng việc phê duyệt thỏa thuận EU - Trung Quốc “sẽ không khả thi” sau khi Bắc Kinh áp lệnh để “trừng phạt” tự do ngôn luận.

Ông Bütikofer là nghị sĩ thuộc Đảng Xanh/Liên minh tự do châu Âu (Greens/EFA) và là chủ tịch phái đoàn của EP tại Trung Quốc.

S&D cho biết EP dự tính sẽ bỏ phiếu cho thỏa thuận đầu tư cùng Trung Quốc vào đầu năm 2022.

Hồi tháng 12-2020, Chủ tịch Ủy ban châu ÂU (EC) Ursula von der Leyen từng tuyên bố nếu được thông qua, thỏa thuận này sẽ cho phép các nhà đầu tư châu Âu được tiếp cận thị trường Trung Quốc với cơ hội “chưa từng có”.

Thế nhưng, ngay cả trước các lệnh trừng phạt trả đũa hôm 22-3, một số nghị sĩ châu Âu đã đặt ra 3 quan ngại lớn về thỏa thuận này, khiến viễn cảnh ký kết trở nên mù mờ.

Trong tuyên bố chính thức, Bắc Kinh cho biết Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương đã triệu tập đại sứ EU tại Trung Quốc Nicolas Chapuis vào đêm 22-3 để phản đối các lệnh trừng phạt của EU.

Theo bản tuyên bố tiếng Hoa do CNBC dịch, Trung Quốc cho rằng các lệnh trừng phạt mới nhất nhắm vào Trung Quốc dựa trên “thông tin thất thiệt và dối trá” về Tân Cương. Trung Quốc cũng cảnh báo EU đang khiến mối quan hệ giữa hai bên xấu đi.

Trong một tuyên bố chung công bố hôm 22-3, các ngoại trưởng của Mỹ, Canada và Anh cùng cáo buộc “chương trình đàn áp sâu rộng của Trung Quốc bao gồm những hạn chế nghiêm trọng đối với quyền tự do tôn giáo, sử dụng lao động cưỡng bức, giam giữ hàng loạt trong các trại giam, cưỡng bức triệt sản và phá hủy di sản của người Duy Ngô Nhĩ”.

Bắc Kinh liên tục bác bỏ các cáo buộc liên quan đến sử dụng lao động cưỡng bức. Phía Trung Quốc tuyên bố các trại tập trung này được xây dựng với mục tiêu cải tạo các phần tử cực đoan và dạy người dân kỹ năng mới.

Mỹ, Anh, Canada dồn dập trừng phạt Trung Quốc Mỹ, Anh, Canada dồn dập trừng phạt Trung Quốc

TTO - Sau Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Anh và Canada cũng công bố các lệnh trừng phạt nhắm vào các quan chức Trung Quốc, cáo buộc những người này dính líu tới việc "đàn áp" người Duy Ngô Nhĩ. Úc và New Zealand ra thông cáo chung cáo buộc Bắc Kinh.

NGUYÊN HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên