Bên ngoài một cơ sở được Trung Quốc gọi là "trung tâm giáo dục, đào tạo nghề" ở Tân Cương - Ảnh: REUTERS
Hãng tin Reuters gọi việc các nước phương Tây cùng lúc trừng phạt Trung Quốc vào ngày 22-3 là một "hành động phối hợp đầu tiên dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden". Chính quyền Biden trước đó cam kết sẽ tập hợp đồng minh để gây sức ép lên Trung Quốc trong một loạt vấn đề, bao gồm những cáo buộc Trung Quốc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.
EU đã mở màn "ngày trừng phạt" bằng lệnh hạn chế đi lại và đóng băng tài sản với 4 quan chức Tân Cương và 1 thực thể ở Trung Quốc. Bắc Kinh lập tức đáp trả bằng lệnh trừng phạt tương tự nhắm vào 10 cá nhân và 4 thực thể châu Âu, cáo buộc họ xâm phạm lợi ích và chủ quyền Trung Quốc.
Động thái của EU đã nhanh chóng nhận thêm sự ủng hộ từ những nước khác. Mỹ, Anh, Canada đồng loạt công bố thêm các biện pháp trừng phạt nhắm vào quan chức và cựu quan chức Tân Cương. Tuyên bố chung của ngoại trưởng 3 nước này nhấn mạnh Bắc Kinh phải chấm dứt "các hoạt động đàn áp" ở Tân Cương.
Tuyên bố chung có đoạn khẳng định có những bằng chứng rất "khủng khiếp" về sự vi phạm nhân quyền của Trung Quốc, bao gồm hình ảnh vệ tinh, lời khai của nhân chứng và các tài liệu của Chính phủ Trung Quốc.
"Trong bối cảnh sự lên án của quốc tế ngày càng tăng, Trung Quốc vẫn tiếp diễn các tội ác diệt chủng và tội ác chống lại loài người ở Tân Cương", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh trong tuyên bố ngày 22-3, ngay trước thềm chuyến thăm châu Âu.
Úc và New Zealand, hai nước có quan hệ kinh tế và vị trí địa lý gần Trung Quốc hơn, đã chọn ra tuyên bố chung, thể hiện sự ủng hộ các hành động của Mỹ, EU, Anh và Canada.
Trong tuyên bố chung ngày 22-3, ngoại trưởng hai nước này "quan ngại nghiêm trọng về việc ngày càng có nhiều báo cáo đáng tin cậy về những vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đối với người dân tộc Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác ở Tân Cương".
"Đã có bằng chứng rõ ràng về việc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng bao gồm các hạn chế về tự do tôn giáo, giam giữ không xét xử quy mô lớn, cưỡng bức lao động và cưỡng bức, kiểm soát sinh sản, bao gồm cả triệt sản", ngoại trưởng Úc và New Zealand nêu cáo buộc.
Phương Tây đã nhiều lần cáo buộc Trung Quốc đối xử tệ với người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số khác theo Hồi giáo tại nước này. Họ cáo buộc Bắc Kinh dồn ép các nhóm dân tộc này vào các "trại cải tạo" được xây dựng trên khắp Tân Cương.
Đáp lại các cáo buộc, chính quyền Trung Quốc khẳng định đây chỉ là các trung tâm đào tạo nghề và giúp người thiểu số hòa nhập cộng đồng, có cuộc sống tốt hơn. Bắc Kinh cũng nhấn mạnh đây là "chuyện nội bộ" của Trung Quốc và yêu cầu phương Tây ngừng can thiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận