10/09/2014 14:48 GMT+7

Nghỉ rồi vẫn không chịu trả nhà công vụ

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - “Hiện nay quản lý nhà công vụ rất khó khăn. Nhiều người nghỉ hưu rồi, không còn diện được ở nhà công vụ nữa nhưng vẫn cứ giữ nhà. Đòi lại rất khó"

Đại biểu Trần Ngọc Vinh - Ảnh: V.D.

Thảo luận về Dự án Luật nhà ở (sửa đổi) sáng 10-9, nhiều đại biểu Quốc hội bức xúc không ít cán bộ “hết chức” rồi nhưng vẫn không chịu trả lại nhà.

Công vụ thành “tư vụ”

“Hiện nay quản lý nhà công vụ rất khó khăn. Nhiều người nghỉ hưu rồi, không còn diện được ở nhà công vụ nữa nhưng vẫn cứ giữ nhà. Đòi lại rất khó, vì trong cơ quan nhiều khi đó là ông thủ trưởng cũ, người mới lên ký giấy đòi nhà cũng khó coi” - đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nói.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến cũng cho biết “nhiều lãnh đạo đã biến nhà công vụ thành nhà tư vụ, hết nhiệm kỳ về quê hoặc về hưu nhưng vẫn giữ nhà, không chịu trả lại”.

Đáng nói là nhà công vụ không chỉ dành cho những cán bộ khó khăn, chưa có điều kiện về nhà ở, mà còn bị lạm dụng.

“Nhiều cán bộ thừa tiền nhưng vẫn cứ bám lấy nhà công vụ. Rồi có những trường hợp hưởng lợi hàng chục tỷ đồng khi nhà công vụ được hóa giá với giá bèo” - đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương) cho hay.

“Luật phải rõ ràng thì mới đòi được nhà”

Nhiều ý kiến cho rằng để xảy ra như hiện nay là do cách quản lý dễ dãi, “năm cha ba mẹ”, pháp luật thiếu rõ ràng và không có chế tài mạnh.

“Phải quy định nhà công vụ trong dự án luật này. Chỉ thiết kế nhà công vụ cho lãnh đạo cấp cao của đảng, nhà nước, để đảm bảo an ninh và tạo điều kiện cho các đồng chí ấy cống hiến. Còn các đối tượng khác không cần quy định vào luật” - đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) góp ý.

Ông Hà nói thêm: “Tôi nghĩ chỉ nên khuyến khích xây nhà công vụ ở vùng sâu vùng xa cho cán bộ về đó công tác. Còn lại, tại các khu trung tâm, đô thị thì nên giao cho một doanh nghiệp xây nhà cho thuê. Tức là chúng ta chỉ xây nhà công vụ cho lãnh đạo, cán bộ về vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn, còn lại các đối tượng khác sử dụng nhà ở bình đẳng như mọi người dân trong xã hội”.

“Ông nào quản lý chìa khóa nhà công vụ? Luật cần quy định trách nhiệm rõ ràng. Phải quy định rõ sau khi không đảm đương nhiệm vụ nữa, người ở nhà công vụ phải bàn giao ngay lại cho cơ quan quản lý nhà ở công vụ” - đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) đề xuất.

Cần thống nhất đầu mối quản lý

Góp ý dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng cần thống nhất đầu mối quản lý thì mới kiểm soát được nhà công vụ.

Tôi đề nghị ở trung ương thì giao cho Bộ Xây dựng, ở dưới thì giao cho sở xây dựng. Chứ Văn phòng trung ương cũng quản, Văn phòng Chính phủ cũng quản, Văn phòng Quốc hội cũng quản, rồi bộ cũng quản, nhiều nơi quản quá rất khó, rồi khi người ta nghỉ thì lại nể nang ngại đòi lại” - ông nói.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Luật phải rõ ràng thì mới đòi được nhà. Bây giờ bảo cưỡng chế, thì một ông chủ nhiệm văn phòng Quốc hội chẳng hạn, có đứng ra mà đi cưỡng chế được không? Trừ những vị trí lãnh đạo cần bảo vệ, tôi đề nghị cần quy hoạch các khu nhà công vụ".

Chủ tịch Quốc hội nói: "Ví dụ trung ương cần 500 nhà thì có một khu để những người luân chuyển ra làm việc ở đó. Còn đối với những nơi mà việc luân chuyển cán bộ không tập trung, ví như một ông ở huyện về xã làm việc, thì làm gì có khu nhà công vụ, vậy thì nên quy định trong luật nơi tiếp nhận cán bộ có trách nhiệm bố trí nơi ăn chốn ở cho người đến”.

Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ tổng rà soát và báo cáo tình trạng quản lý, sử dụng nhà công vụ thời gian vừa qua để Quốc hội có căn cứ xem xét thông qua Luật nhà ở (sửa đổi) vào kỳ họp tháng 10 tới đây.

 

 

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên