19/06/2014 04:33 GMT+7

Nhà công vụ phải công khai đến từng mét vuông

V.V.THÀNH - QUỐC THANH
V.V.THÀNH - QUỐC THANH

TT - Ngày 18-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường hai dự án luật: Luật nhà ở (sửa đổi) và Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Cùng ngày, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật đầu tư công và Luật xây dựng (sửa đổi).

zdOnarHi.jpgPhóng to
Đại biểu Trần Ngọc Vinh - Ảnh: V.D.

Thảo luận về Luật nhà ở (sửa đổi), đại biểu Trần Ngọc Vinh (TP Hải Phòng) thẳng thắn cho rằng việc quản lý, sử dụng nhà công vụ còn nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng sử dụng không đúng đối tượng, sai mục đích hoặc nhiều người không đủ tiêu chuẩn vẫn được ở nhà công vụ.

Lãnh đạo cấp cao mới được ở nhà công vụ

Theo ông Vinh, trong bối cảnh trên, dự thảo luật lại đang có xu hướng phục vụ một số ít đối tượng chứ không nhằm vào đối tượng phổ thông. Theo đó, nhà công vụ thực chất là bao cấp cho một số ít đối tượng với giá rẻ, trong khi số đông cán bộ, công chức, nhất là cán bộ, công chức trẻ ở vùng sâu vùng xa, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có nhu cầu thật sự thì không được đáp ứng.

Ông Vinh cho rằng vì hiện nay ngân sách chưa thể đáp ứng được cho mọi đối tượng cần thiết ở nhà công vụ, do vậy ban soạn thảo chỉ nên quy định đối tượng được hưởng chế độ nhà công vụ là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang được điều động luân chuyển. Các đối tượng còn lại nghiên cứu theo hướng khoán đưa vào tiền lương, ngân sách không phải bỏ ra một số tiền quá lớn để xây dựng, giá trị đất dự kiến dùng xây nhà công vụ có thể chuyển thành tiền dùng vào việc khác. “Để cho chặt chẽ thì nên có quy định nhà công vụ không được dùng để thế chấp, thừa kế” - ông Vinh nói.

Đại biểu Bùi Thị An (TP Hà Nội) đề nghị công khai, minh bạch các tiêu chuẩn ai được quyền cấp nhà công vụ, ở cấp nào thì được bao nhiêu mét vuông, loại nhà gì để tránh tình trạng người thì 3-4 nhà ở, trong khi đó nhiều cán bộ lại không có. “Đừng để chỗ này là nơi sinh ra xin - cho, chạy chọt gây tiêu cực và tham nhũng, tham ô, làm cho quan hệ xã hội thiếu trong lành và cán bộ, công chức không yên tâm làm việc” - bà An nói.

Tại phiên thảo luận, đa số đại biểu khi đề cập việc mở rộng đối tượng có quyền sở hữu về nhà ở đều đồng ý cho phép người VN định cư ở nước ngoài, nếu được phép nhập cảnh vào VN, cơ bản có các quyền sở hữu về nhà ở như công dân VN ở trong nước. Đối với tổ chức nước ngoài đang hoạt động tại VN, cá nhân nước ngoài nếu được phép nhập cảnh vào VN thì có quyền sở hữu nhà ở tại các dự án không hạn chế về số lượng. Thời hạn sở hữu đối với tổ chức tối đa không quá thời hạn ghi trong giấy chứng nhận đầu tư, với cá nhân thì thời hạn sở hữu là 50 năm nhưng có thể được gia hạn nếu có nhu cầu, đồng thời có quyền cho thuê nhà ở.

Cần loại bỏ kiểu “kinh doanh cơ chế”

Là người cuối cùng thảo luận về dự án Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi) chiều 18-6, đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) ghi nhận ban soạn thảo đã rất cố gắng, xử lý nhiều nội dung bất cập, điểm nghẽn nhằm phát triển và “lành mạnh hóa” thị trường bất động sản. Đại biểu Lịch đặt vấn đề nếu nhằm mục tiêu lành mạnh hóa thị trường nói trên thì cần tìm ra những gì chưa lành mạnh để “chữa”, quy định chặt chẽ vào luật. Theo ông, tuy không thể phủ nhận vai trò lớn của các nhà kinh doanh bất động sản trong thời gian qua nhưng “theo quan sát của tôi, hiện nay có ba nhà kinh doanh bất động sản, trong đó có hai loại cần khuyến khích phát triển mạnh mẽ và loại còn lại cần loại khỏi thị trường” - đại biểu Lịch đề nghị.

Theo đại biểu Lịch, với những người kinh doanh bất động sản xin dự án và xây dựng theo quy hoạch, tạo bộ mặt đô thị, cần khuyến khích tạo điều kiện. Nhóm kế tiếp cũng cần tạo điều kiện là mua lại đất đã có rồi để xây dựng nhà cửa, nâng giá trị lên và bán, tạo thị trường phát triển lành mạnh. Nhưng loại thứ ba là chuyên chạy dự án, rồi chuyển nhượng kiếm lời, chẳng có kinh doanh gì khác ngoài kinh doanh cơ chế. “Loại này vừa làm hại thị trường, vừa làm hư bộ máy nhà nước, nên Luật kinh doanh bất động sản cần quy định để loại bỏ các nhà kinh doanh này trên thị trường” - đại biểu Lịch bức xúc.

Để xử lý bức xúc này, đại biểu Lịch đề nghị cần quy định chặt chẽ các điều khoản về chuyển nhượng dự án để tránh tình trạng chạy dự án rồi bán lấy lời, đẩy giá bất động sản lên, hay nói cách khác đó là kinh doanh cơ chế.

Đánh giá hiệu quả đầu tư công

Sáng 18-6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật đầu tư công. Đề nghị trước đó của đại biểu Quốc hội về việc cần quy định cụ thể tiêu chí và cách thức đánh giá hiệu quả đầu tư công đã được tiếp thu vào đạo luật này (tại các điều 34, 35 và 36). Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đánh giá hiệu quả đầu tư là một yêu cầu rất quan trọng, do vậy cần thiết bổ sung yêu cầu tính toán cụ thể hiệu quả đầu tư về kinh tế - xã hội của các chương trình, dự án đầu tư công.

Với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật xây dựng (sửa đổi). Quá trình thảo luận về luật này, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với các quy định về quy hoạch xây dựng trong dự thảo luật. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị không quy định nội dung này trong dự thảo luật mà có thể chuyển về Luật quy hoạch đang được soạn thảo. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội. Kết quả là đa số (61,5%) ý kiến các vị đại biểu Quốc hội (179/291) đồng ý với phương án giữ lại quy định về quy hoạch xây dựng trong Luật xây dựng (sửa đổi).

V.V.THÀNH - Q.THANH

V.V.THÀNH - QUỐC THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên