Trải qua thời gian chật vật vì doanh nghiệp gặp khó, cạn tiền bạc, nhiều công nhân vui mừng vì được tăng ca đều trở lại, thậm chí mong muốn làm xuyên lễ 30-4, 1-5.
Tuy nhiên, việc trả lương gấp 3 ngày thường khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào thế khó, chịu lỗ để kịp tiến độ trả đơn hàng.
Công nhân muốn được tăng ca
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, không ít công nhân tâm sự thu nhập năm qua sụt giảm, công việc bấp bênh lúc có, lúc không. Chính vì vậy, dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 kéo dài 5 ngày, họ vẫn mong muốn được đi làm chứ không nghỉ, muốn tăng ca để kiếm thêm thu nhập.
Chị Nguyễn Thị Hồng Vân (quê Long An) - công nhân Công ty May mặc Dony - cho hay kỳ nghỉ lễ năm nay chị đăng ký với công ty chỉ nghỉ 2 ngày, còn lại vẫn đi làm, tăng ca như bình thường.
Con chị Vân năm nay học lớp 9, chuẩn bị thi vượt cấp. "Chỉ tính riêng tiền học cũng ngốn hết khoảng 4 triệu đồng mỗi tháng. Tháng nào cũng tính toán, chi tiêu dè sẻn nhưng vẫn thiếu. Làm thêm ngày lễ được tăng thêm 1 ngày lương, có thưởng và có thêm thu nhập, tôi thấy nghỉ 2 ngày đã quá đủ”.
Cùng làm tại Công ty May mặc Dony, anh Đặng Văn Nhàn tâm sự trước đây khi đơn hàng công ty cũ ổn định, anh được tăng ca đều mỗi ngày, tổng thu nhập hằng tháng hai vợ chồng cũng đủ trang trải chi phí sinh hoạt và nuôi con nhỏ 2 tuổi.
Tuy nhiên do đơn hàng khan hiếm nên công việc ngày càng ít. Buồn hơn, năm ngoái anh Nhàn mất việc ở công ty cũ, hai vợ chồng đều làm trong ngành dệt may nên khó chồng khó.
"Tôi cảm thấy rất vui bởi từ đầu năm tới nay qua công ty mới, đơn hàng sôi động hơn, thu nhập cũng tăng 10-15% so với công ty cũ. Dịp lễ năm nay chỉ mong được làm thêm, tăng ca để kiếm thêm đồng ra đồng vào chứ không dám nghĩ tới đi chơi hay về quê", anh Nhàn chia sẻ.
Chị Bảo Yến, một công nhân gốc Bắc làm việc tại TP.HCM, tính toán ngày lễ đi đâu cũng dễ gặp tăng giá, nên chị đăng ký không nghỉ lễ để đi làm, vừa thêm thu nhập giữa lúc kinh tế khó khăn, lúc nào thấp điểm sẽ nghỉ bù.
"Ngày lễ, tối về sắm bữa cơm tươm tất cho con cái là vui rồi, cả nhà quây quần ngày cuối tuần nào đó sau lễ cũng không sao" - chị Yến nói.
Doanh nghiệp chấp nhận tăng chi phí
Ông Phạm Quang Anh - giám đốc Công ty May mặc Dony - cho hay tháng 4 ngoài kỳ nghỉ 30-4, 1-5 kéo dài 5 ngày còn có thêm ngày giỗ Tổ Hùng Vương (18-4). Dù đã tính toán, lên kế hoạch sản xuất song do lượng đơn hàng tăng mạnh nên công ty không tránh khỏi tất bật ngoài dự tính.
Ông Anh cho hay vẫn thực hiện chính sách nghỉ lễ trọn vẹn 5 ngày, tuy nhiên nếu ai có nhu cầu đi làm vẫn có thể đăng ký tự nguyện.
“Công nhân đi làm ngày lễ có chế độ ưu đãi đặc biệt, được tăng thêm 1 ngày lương và thưởng thêm. Tổng thu nhập ngày lễ cao gần gấp 3 ngày thường, chưa kể có thêm phần thưởng vượt KPI và đánh giá tốt cuối năm”, ông Anh nói.
Tính tới thời điểm hiện tại, ông cho hay có khoảng 30% công nhân đã đăng ký làm thêm ngày lễ 30-4, 1-5. Đa số xin đi làm ngày 27, 28, 29-4, thậm chí có người mong muốn đăng ký làm xuyên lễ.
Tương tự, ông Nguyễn Đặng Hiến - phó chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM (HBA) - đánh giá kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày nhưng gần đây mới chốt ảnh hưởng nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp đang có đơn hàng gấp rút.
Tuy nhiên, ông Hiến cho hay Chính phủ đã chốt nghỉ 5 ngày, các doanh nghiệp sẽ chấp hành và thông báo cho người lao động được nghỉ đúng thời gian quy định. Với những doanh nghiệp đang có đơn hàng và phải sản xuất gấp, ông Hiến cho hay doanh nghiệp sẽ thông báo để người lao động tự nguyện đăng ký làm việc trong kỳ nghỉ.
Như với doanh nghiệp của mình, ông Hiến cho hay do có những đơn hàng cần giao đúng tiến độ nên doanh nghiệp sẽ để người lao động đăng ký làm việc trong kỳ nghỉ lễ.
"Công nhân đi làm ngày lễ được trả gấp 3 lần lương. Dù trả cao hơn nhưng doanh nghiệp chấp nhận chịu lỗ, vẫn sản xuất ngày lễ để kịp trả đơn hàng”, ông Hiến nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận