Thủy thủ tàu cá gặp nạn ở Nam Cực về tới Việt NamTàu cháy ở Nam cực, 3 người Việt mất tíchBa thủy thủ người Việt trên tàu Hàn Quốc đã chết
Phóng to |
Năm thuyền viên tại trụ sở công ty (từ phải qua): Vũ Trường Giang, Bùi Văn Thành, Trần Văn Dũng, Trần Đình Phúc, Phạm Văn Trung -Ảnh: Việt Dũng |
Xem video do Truyền hình Tuổi Trẻ thực hiện |
“Lúc ấy khoảng 1g sáng 11-1-2012, chúng tôi đang ngủ thì nghe tiếng các thủy thủ khác la lớn là cháy tàu rồi, cháy tàu rồi. Tôi chỉ kịp bật dậy nhào lên boong để nhảy xuống phao cứu sinh. Nhưng đúng lúc đang chuẩn bị xuống phao thì nghe tiếng những anh em khác kêu cứu, thế là quay lại để đỡ bế những người bị cháy xuống phao cùng” - anh Trần Văn Dũng (sinh năm 1972, quê Hà Tĩnh) vẫn chưa hết bàng hoàng, kể.
Giây phút sinh tử
Còn thuyền viên Vũ Trường Giang nhớ lại: “Trong đúng ngày bị nạn lại là lúc tàu chuyển làn đánh bắt. Thế nên mọi người đều ngủ. Nếu không phải là do chuyển làn thì mọi người sẽ cảnh giác hơn, đông người chữa cháy kịp thời sẽ không đến nỗi. Lúc tàu cháy, tôi có nhiệm vụ giữ và phát áo cứu sinh cho anh em nhưng chỉ có áo cứu lạnh thôi chứ không có áo cứu cháy. Đi biển biết bao năm mà cứ nghĩ lại 7-8 giờ ngâm mình dưới làn băng giá với chiếc phao cứu sinh, những mảnh băng sắc nhọn, nước buốt tê tái là thấy sợ, chưa nói gì đến anh em bị bỏng nằm trên lưng người khác, mỗi lần bị nước biển ngấm vào là xót đến tận xương tủy”.
Ngoài năm thuyền viên của LOD về nhà trong chuyến này thì còn 11 thuyền viên của Cienco 1 cũng bay từ Singgapore về Nội Bài trong chuyến bay cùng ngày. Nói chuyện qua điện thoại, thuyền viên Nguyễn Văn Nguyên cho biết mỗi người nhận hỗ trợ 2 triệu đồng từ công ty và được công ty đưa ra bến xe để về quê. Riêng bốn thủy thủ bị bỏng thì Nguyễn Chí Công và Nguyễn Tú Liêm đã được về từ hôm 28 tết (21-1), hiện Ngô Văn Sỹ và Trần Văn Ngoan vẫn đang được điều trị tích cực và sẽ trở về nhà khi vết thương ổn định. Số thuyền viền người Việt trên tàu là 23, hiện ba người mất tích. |
Mỗi tàu cá đều có hai phao cứu sinh nhưng trong khi hoảng loạn, một chiếc phao đã bị lật nên chỉ còn lại một chiếc, trừ ba người bị kẹt lại không thấy chạy xuống phao cũng không thấy lên boong, còn lại 17 người khác (thuyền trưởng, thuyền phó và 15 thuyền viên) đều chạy hết lên đầu tàu và nhìn ngọn lửa cháy.
Thuyền viên Trần Đình Phúc, người trực tiếp bế anh Trần Văn Ngoan (xã Kỳ Ninh, Kỳ Anh, Hà Tĩnh, bị bỏng cả hai chân hai tay), kể: “Lúc nghe tiếng hô cháy tàu thì tôi chạy lên boong. Đúng lúc ấy cũng nghe tiếng Ngoan kêu: Anh ơi cứu em với!”. Anh Phúc và Ngoan vốn là người cùng xã nên thân thiết như anh em ruột. “Lúc ấy cháy dữ lắm, quần áo của Ngoan đều cháy, hai tay bị bỏng cả, tôi nhìn thấy Ngoan giơ hai chân dính vào bùng bùng như một ngọn đuốc. Tôi chỉ kịp giằng chiếc quần của Ngoan ra rồi bế em chạy lên boong. Cũng không hiểu mình có sức mạnh ở đâu mà bế được một người nặng hơn 60kg chạy từ dưới phòng ngủ lên boong rồi đưa xuống phao cứu sinh” - anh Phúc nói.
Suốt bảy giờ chờ đợi được cứu trong thời tiết khắc nghiệt -14oC, anh Dũng nói: “Không nghĩ được cái gì, chỉ mong có tàu đến cứu. Trong phao cứu nạn thì có đầy đủ lương thực thực phẩm nhưng thời tiết lạnh giá và khắc nghiệt như thế cũng chẳng biết thế nào”. Dù họ được mặc quần áo cứu hộ nhưng quần áo ấy chỉ chống lại được cái lạnh -10oC. “Chân tay chúng tôi tê cứng, không còn cảm giác gì. Khi ở dưới phao, có chăn thì dùng để quấn chân cho Ngoan cùng các thuyền viên bị bỏng khác. Bởi nếu không quấn chặt các vết thương bị bỏng thì dù chưa chết vì bỏng thì có thể chết vì nước mặn ngấm vào vết thương” - anh Phúc kể.
Được hỗ trợ 1 triệu đồng/người
Tại phòng cung ứng thuyền viên Công ty cổ phần Phát triển nguồn nhân lực (LOD), năm thuyền viên (trong tổng số 16 thuyền viên) trở về đợt này làm thủ tục nhận tiền hỗ trợ của công ty (mỗi người được nhận 1 triệu đồng) để trở về quê. Không thể nói không vui khi thoát chết nhưng trên gương mặt các thuyền viên ai cũng ủ dột vì ít nhất ba đồng đội của họ đã vĩnh viễn nằm lại vùng biển lạnh Nam cực.
Lúc ấy có người mặc quần áo ngủ, nhưng cũng có người chỉ mặc đồ lót, nên khi trở về đất liền mỗi thuyền viên được tặng một bộ quần áo gió và một đôi giày. Và tài sản mà họ còn lại khi trở về VN cũng chỉ có chừng ấy. Tất cả mọi đồ dùng cá nhân đã bị cháy theo con tàu.
Khi ở Đại sứ quán VN tại New Zealand, các thuyền viên đã gọi điện thoại về cho gia đình nhưng không có thân nhân nào của họ đến được Hà Nội để đón. Dù rất sốt ruột gặp người thân nhưng các thuyền viên cho biết họ đã hẹn với nhau sẽ đến thăm gia đình các thuyền viên mất tích để chia sẻ nỗi đau với gia đình họ.
“Chắc tôi không đi nữa đâu, sẽ kiếm việc gì đó ở quê để lao động, dù lương thấp nhưng đỡ cực hơn. Mức độ làm việc quá cơ cực khi mỗi ca làm thường kéo dài 12 giờ thì được nghỉ 6 giờ kể cả ăn cơm, đánh răng, rửa mặt. Cả 15 tháng đằng đẵng xa nhà, lao động vất vả nhưng mức lương thật sự nhận được chỉ hơn 4 triệu đồng/tháng” - anh Dũng, lần đầu tiên theo tàu đi biển nên nhận được mức lương thấp nhất trong số tất cả các thủy thủ được trở về, tâm sự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận