21/03/2021 15:05 GMT+7

Nghệ sĩ gốc Á ở Mỹ: Chúng tôi là ngọc trai màu vàng

HIỀN TRANG
HIỀN TRANG

TTO - Khác với người gốc Phi đến Mỹ trên những chuyến tàu nô lệ, không ai ép người gốc Á đến đây. Và vì tự nguyện, nỗi đau của họ cũng không hiện hữu...

Nghệ sĩ gốc Á ở Mỹ: Chúng tôi là ngọc trai màu vàng - Ảnh 1.

Album Anh hùng cái thế (Heroes of Earth) của Vương Lực Hoành bán ra hơn 3 triệu bản tại châu Á

Trong bộ phim có thể nói là thuộc hàng hay nhất của năm 2021 - Minari, một gia đình người Hàn Quốc tới Mỹ với giấc mơ đổi đời, cuối cùng đời vẫn thế, chỉ giấc mơ của họ thay đổi. 

Khác với người gốc Phi đến Mỹ trên những chuyến tàu nô lệ, không ai ép người gốc Á đến đây. Và vì tự nguyện, nỗi đau của họ cũng không hiện hữu.

1. Bạn có thể kể vô vàn những nghệ sĩ gốc Phi nổi tiếng trong làng nhạc Âu Mỹ, nhưng bạn có thể kể bao nhiêu nghệ sĩ gốc Á như vậy? Không phải ta không có những nghệ sĩ Mỹ gốc Á có sức ảnh hưởng sâu rộng. 

Bruno Mars là một người gốc Philippines. H.E.R - nữ nghệ sĩ vừa giành giải Ca khúc của năm tại Grammy 2021 - cũng có dòng máu Philippines. Nhưng phần lớn những người nghe họ không quan tâm (thậm chí không biết) họ là người gốc Á. Không tóc vàng, không mắt nhỏ, những nghệ sĩ này có ngoại hình lai dễ hòa nhập trong môi trường âm nhạc nước Mỹ.

Trước đây, từng có một phần biểu diễn cover ca khúc Piano Man của Vương Lực Hoành được đăng tải trên mạng. Vương Lực Hoành là một thiên vương bán hàng chục triệu đĩa ở châu Á. Có cả một thế hệ lớn lên với những bản nhạc như Duy nhất, Điều em không biết, Nhật nguyệt trong tim. Nhưng ở Mỹ, anh có thể đóng vai người nghệ sĩ hát rong mà không mấy ai phát hiện. 

Dưới phần video ấy, có người nhận xét: "Không nhìn mặt thì tôi nghĩ anh ta là Billy Joel (tác giả của Piano Man)". Lời ngợi khen ngắn ngủi đó nói lên hết những gì về người da vàng trong mắt người phương Tây: họ có tài, nhưng họ chỉ là sự bắt chước. Họ không có vẻ ngoài "sexy" và "cool" như một nghệ sĩ rock da trắng hay một nghệ sĩ R’n’B da đen.

2. Nhìn lại lịch sử, người gốc Á phải đến tận giữa thập niên 1970 mới có một album âm nhạc được ghi âm hoàn chỉnh. Đó là A Grain of Sand: Music for the Struggle of Asians in America (Một hạt cát: Âm nhạc cho cuộc vật lộn của người châu Á ở Mỹ) của ba nghệ sĩ Chris Kando Iijima, Joanne Nobuko Miyamoto và William "Charlie" Chin. 

Album được ngợi ca "không chỉ là những bản nhạc trên một chiếc đĩa vinyl, mà còn là phần soundtrack cho sự nhận thức về chính trị và về chính mình".

Trên nền nhạc dân ca đồng quê nước Mỹ văng vẳng tiếng sáo Trung Hoa, các nghệ sĩ bộc bạch nỗi lòng vừa ngấm ngầm tự tôn, vừa ẩn giấu mặc cảm của người da vàng nơi xứ người. Khi thì họ kiêu hãnh gọi mình là "viên ngọc trai màu vàng" được nuôi dưỡng trong "bụng loài quái vật", lúc họ lại buồn bã gọi cuộc chiến nội tâm trong mình chỉ là "cuộc chiến của loài bọ chét sâu bên trong rừng rậm".

Những nỗi đau như vậy không thể so sánh với nỗi đau bị đẩy tới đường cùng của người gốc Phi, bởi vậy, nỗi đau ấy chưa bao giờ được đánh giá đúng mức, cho đến khi nổ ra vụ xả súng giết hại người gốc Á ở thành phố Atlanta vì kỳ thị chủng tộc và làn sóng biểu tình đòi chấm dứt sự căm ghét với người châu Á dâng cao.

3. Lại nói về Vương Lực Hoành, ở thời đỉnh cao của mình, anh phát hành một album mang tên Anh hùng cái thế trong đó kết hợp hip hop với côn khúc và kinh kịch, khai sinh ra một nhánh nhạc mới mà anh gọi là "chinked-out". 

Từ "chink" trong tiếng Anh vốn là một từ lóng mang hàm nghĩa miệt thị người Hoa nói riêng và người Đông Á nói chung. Từ nỗi tự ti khác biệt, Vương chuyển hóa nó thành thứ âm nhạc bừng bừng "khí thế mạnh mẽ của Trung Nguyên", "hát ra tiếng lòng" của những người gốc Á. 

Album bán được hơn 3 triệu bản. Tất nhiên chủ yếu là ở châu Á. Nhưng ở Mỹ, album ấy cũng giống như hàng triệu những người da vàng khác, đơn giản là nó không được lắng nghe.

Đó là chuyện của 15 năm trước. Còn giờ đây, nó vẫn là như vậy.

Sự nổi lên của K-pop không giúp gì nhiều. Bởi bản thân âm thanh sặc sỡ của K-pop đã khác hẳn so với âm nhạc phương Tây. Còn nghệ sĩ người Mỹ gốc Á, họ thường ví mình như "trái chuối": bên ngoài thì vàng, bên trong thì trắng, gu âm nhạc của họ vốn là gu âm nhạc phương Tây, nhưng bề ngoài của họ thì không.

Bi song ca với Vương Lực Hoành Bi song ca với Vương Lực Hoành

TTO - Những khán giả yêu thích giọng hát của nam ca sĩ Hàn Quốc, Bi sắp được thưởng thức ca khúc Sự hoà hợp hoàn mỹ chung do anh trình bày chung với “thiên vương” Đài Loan Vương Lực Hoành.

HIỀN TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên