Nhóm BTS trong MV Dynamite - ca khúc đầu tiên của nhóm có toàn bộ phần lời bằng tiếng Anh
1. "Chúng tôi không muốn thay đổi bản sắc của mình hay sự chân thành của mình. Giống như là nếu chúng tôi đột nhiên hát toàn tiếng Anh, và thay đổi toàn bộ những thứ khác, thế thì đó không còn là BTS" - thành viên RM của nhóm BTS phát biểu về việc vì sao nhóm nhạc K-pop không hát tiếng Anh.
Nhưng đó là câu chuyện của một năm trước. Mới đây, lần đầu tiên, BTS tung ra một ca khúc với toàn bộ phần lời bằng tiếng Anh. Như tên gọi của nó, Dynamite thực sự là một kho thuốc nổ của âm nhạc cuối hè.
Trích BTS (방탄소년단) 'Dynamite' Official MV
Nhiệt lượng mà ca khúc này tỏa ra có lẽ chỉ vơi đi một chút khi nhóm nhạc đồng hương Blackpink phát hành Ice-cream, màn song ca đặc biệt với Selena Gomez, và điều trùng hợp,
Ice-cream cũng là sản phẩm âm nhạc đầu tiên của Blackpink mà trong đó tiếng Anh chiếm chủ đạo.
Trước đó, dù các ca khúc của những nhóm này có thể chêm không ít tiếng Anh, nhưng đây chỉ đơn giản là môtíp chung của nhạc Hàn, còn hàm lượng tiếng Anh lớn thế thì chưa từng có. Mà họ cũng đâu có cần.
Blackpink phát hành Ice-cream, màn song ca đặc biệt với Selena Gomez
Họ đã làm được điều mà ngày xưa... ABBA cũng không làm được, chính là được đại chúng yêu mà chẳng cần hát cho đại chúng hiểu.
Họ thậm chí cũng không cần giao tiếp thành thạo tiếng Anh: một pha hài hước "kinh điển" là khi RM hỏi V - một thành viên của BTS - rằng "Cậu khỏe không?" trong tiếng Anh, V phát âm sai thành "I’m God" (Tôi là một vị Chúa), thay vì "I’m good" (Tôi khỏe)!
On của BTS lọt vào top 10 của bảng xếp hạng Billboard
2. Còn quá sớm để nói rằng tiếng Anh không còn là ngôn ngữ thống trị trong âm nhạc. Khi On của BTS lọt vào top 10 của bảng xếp hạng Billboard Hot 100 năm nay, đó mới là ca khúc không-hát-tiếng-Anh thứ 20 làm được điều đó trong lịch sử hàng ngàn ca khúc top 10 của Billboard.
Và kể từ thời Despacito, đã có ca khúc nước ngoài nào lên được tới vị trí số 1 đâu? Nhưng rõ ràng là, hát tiếng Anh không phải con đường duy nhất.
BTS vẫn bán hàng triệu bản trên thế giới dù không hát tiếng Anh. Selena Gomez hay Lady Gaga hát chung với Blackpink, chưa biết được ai "mượn tiếng" ai.
On của BTS
3. Tóm lại, họ chẳng có lý do gì để mà phải hát tiếng Anh. Vậy cớ sao họ hát? Chẳng lẽ BTS không còn muốn làm chính mình nữa, cũng không cần đến bản sắc của mình nữa? Cũng hãy tạm bỏ qua lời giải thích chiều lòng người hâm mộ kiểu như "chúng tôi muốn tặng món quà cho fan quốc tế".
Để trả lời câu hỏi này, có lẽ nên nhìn vào bản sắc văn hóa thực sự của một nhóm K-pop là gì. Họ đại diện cho văn hóa Hàn Quốc đương đại, dĩ nhiên, nhưng ngay bản sắc đó cũng không phải một thứ thuần chất.
Trong bài nghiên cứu với tựa đề "Chữ K trong K-pop nghĩa là gì" đăng trên tạp chí học thuật Korea Observer, giáo sư xã hội học của Đại học California John Lie viết "hầu như không có gì là Hàn Quốc trong K-pop. K-pop, dù được định danh là một phần của thương hiệu Hàn Quốc, là một sản phẩm cạnh tranh toàn cầu không mang gánh nặng truyền thống Hàn".
BTS và Blackpink có bao nhiêu yếu tố Hàn trong họ?
Theo cách phân tích này, vốn dĩ các nhóm nhạc Hàn hát tiếng Anh hay tiếng Hàn cũng không liên quan gì mấy tới bản sắc văn hóa, ngôn ngữ chỉ là vẻ ngoài thôi.
Bản sắc của họ chính là sự lai tạp giữa gốc rễ nhạc Mỹ và tính cách Đông Á. Cho nên, nếu BTS hay Blackpink có hát tiếng Anh thì họ cũng chẳng mất đi bản sắc, vì ngay từ đầu một "bản sắc" thuần chất đã không có ở đây.
Có lẽ họ đã nhận ra điều đó, như Rosé, thành viên của Blackpink, từng nói: "Trong chúng tôi có quá nhiều văn hóa Hàn mà cũng có nhiều văn hóa phương Tây". Và biết đâu một ca khúc tiếng Anh sẽ giúp họ lên vị trí số 1 của Billboard Hot 100, một thành tích mà họ còn chưa đạt được?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận