Mới đây nghệ sĩ nhân dân Bạch Tuyết góp mặt trong phim Biệt đội rất ổn, bà vào vai chính mình, tái diễn lại trích đoạn ngắn trong Đời cô Lựu của soạn giả Trần Hữu Trang, một trong những vở cải lương làm nên tên tuổi của bà.
"Cải trong cải lương là cải cách"
* Sau 5 năm kể từ phim Thạch Thảo, vì sao Bạch Tuyết chọn trở lại với điện ảnh?
- Ban đầu tôi không có ý định tham gia. Đóng phim dài tập thì sức khỏe mình không cho phép.
Tuy nhiên, các bạn nói một ý mà tôi rất xúc động là: "Con muốn đưa cải lương lên màn ảnh". Chỉ với câu đó thôi, tôi quyết định làm.
* Bà có cảm giác gì khi đóng vai chính mình, tái hiện Đời cô Lựu?
- Tôi thật sự hạnh phúc và hết sức may mắn, nhất là ở tuổi sắp 80.
Một số người nghĩ cải lương là cải lương, không dính gì với đời. Nhưng nghệ thuật không thể nào tồn tại mà không dính tới cuộc đời. Cải lương là sức sống, thói quen và văn hóa của người Việt Nam, dù trải qua bao nhiêu năm đi nữa thì người ta vẫn sẽ không quên.
Trong phim cũng làm giống như vậy nên người ta sẽ thấy cải lương không xa cách. Cải lương không có nghĩa là một cái gì đó trên đài, trên đỉnh mà mình phải ngưỡng mộ. Không! Nó là tấm lòng, là tình cảm, là một sự quen thuộc. Giống như đi mệt rồi về nhà.
* Gần đây, có nhiều phim điện ảnh khai thác về cải lương như Song Lang, Sài Gòn anh yêu em, Vu quy đại náo... Theo bà, việc đưa vào điện ảnh có giúp thay đổi suy nghĩ của người trẻ về cải lương?
- Người trẻ hiện nay cần cái gì thì đi kiếm. Nếu không như vậy thì tại sao một câu của bài hát trong vở cải lương nổi tiếng Thái hậu Dương Vân Nga năm 1979 bỗng dưng bây giờ thành trend. "Trời ơi, bão táp mưa sa".
Vì cải lương gắn với thói quen sinh hoạt của dân tộc mình. Vậy thì ai đưa nó ra, đâu phải cải lương giới thiệu đâu? Bạn có giới thiệu mà không hay thì người ta cũng không cần.
Cứ để cải lương hồn nhiên vậy đi. Cải lương thuộc về sở thích của mọi người. Tôi không thấy người ta cứ hoài cổ là sai, tôi không thấy người ta đổi mới là sai.
Cải lương sống trong đời sống của các bạn trẻ bây giờ không có sao hết. "Don't worry!" (Đừng lo!).
* Nghệ sĩ Bạch Tuyết luôn tìm cách, ủng hộ việc đưa cải lương đi cùng xu hướng thời đại, mà một trong những dấu ấn nổi bật là ca khúc Về nghe mẹ ru. Bà có bị phản ứng trái chiều khi góp phần đưa cải lương vào nhạc trẻ?
- Khi một tác phẩm đã hình thành và đến với công chúng rồi thì nó thuộc toàn quyền của công chúng.
Có những người thích cái cũ thì hãy làm cái cũ, còn nói tôi làm cái cũ như hôm qua thì tôi không làm. Tại vì mỗi người sinh ra trong đời đều có sự tự do riêng.
Khi tôi hiểu bản chất loại hình của các loại nghệ thuật mà tôi thích thì tôi không có gì phải làm khác đi hết. Bản chất của cải lương là sự chuyển biến không ngừng, tự nhiên biểu nó ở một chỗ chơi, cái đó là mình ác đó!
Năm 1960, bác Viễn Châu đưa ra loại hình tân cổ giao duyên. Ông bị chửi tan nát. Người ta nói ông phá hoại cải lương, rốt cuộc rồi giờ tất cả mọi người đều nghe theo ông. Cải trong cải lương là cải cách. Tức là vừa làm phải sửa liền.
Hào quang rực rỡ chính là lòng biết ơn
* Gắn bó với nghề hơn 60 năm, Bạch Tuyết thấy sao về đời nghệ sĩ cải lương?
- Đời nghệ sĩ của tôi rất vinh quang, rất hạnh phúc, rất sung sướng. Với nghề này, mình có tiền thì sống thảnh thơi, ăn ngon mặc đẹp, giúp cho thiên hạ bằng đồng tiền chính pháp, lương thiện của mình.
Chưa kể lên sân khấu mặt mũi đẹp vô cùng, người ta bỏ tiền ra mua vé, mua hoa tặng cho bạn, chụp với bạn cái hình. Ủa, bạn có nghề nào tốt hơn nữa, bạn nói đi?
* Vậy có lần nào bà rơi nước mắt vì nghề không?
- Không!
* Theo bà, hào quang rực rỡ đích thực là gì?
- Tôi xin lỗi khi tôi không thấy nghề này là hào quang rực rỡ. Tôi thấy tôi bình thường như bao người Việt Nam khác. Tôi từ trong đám đông đi ra và sống như thế nào để khi tôi trở về với đám đông, tự tôi không thấy thẹn chứ tôi không thấy hào quang.
Ví dụ như bạn làm thái hậu, bạn làm vua nhưng cái áo mão, cân đai của bạn trên sân khấu là của người khác và tác giả viết lời để cho bạn hát với khán giả.
Cho nên bạn không thể giành điều đó là của mình. Giá trị của tôi nằm trong tập thể, chứ nó không phải là cái hào quang của tôi, cho nên đừng hiểu lầm, bởi vì hiểu lầm là sự vô ơn, sự bội vong, không đáng để cho khán giả thương mình.
Má Bảy Phùng Há, ba Năm Châu, cô hai Kim Cúc đều dạy công trình nghệ thuật của sân khấu là sự tập thể. Cho nên người nghệ sĩ trước khi ra sân khấu phải có lòng biết ơn. Chính vì vậy, hào quang rực rỡ chính là lòng biết ơn.
* Trong tập thể đó, nỗ lực của mỗi người nằm ở đâu?
- Nỗ lực của bản thân là việc phải làm, khi bạn nhận công việc người ta giao cho bạn. Lương thiện nghĩa là bạn làm đúng công việc đó. Nó đáng gì cho bạn kể công, người ta trả tiền bạn mà? Họ đâu có kêu bạn làm không công.
"Nếu muốn trẻ lâu thì nghe lời tôi: Học đi!"
* Nghệ sĩ Bạch Tuyết miệt mài tham gia nhiều dự án âm nhạc, truyền hình, workshop... Điều bà đau đáu là gì?
- Tôi là người học triết học của Phật giáo rất kỹ. Hôm qua xong rồi, ngày mai chưa tới, hôm nay làm cái gì là quan trọng. Muốn ngày mai như thế nào thì hôm nay làm đi. Thế thôi. Cái chết thì trước mắt, đời người có ai nói ai đâu. Mình đâu phải khác gì so với nhân loại này. Cứ sống theo quy luật đó để tỉnh táo. Tôi làm vừa phải những gì mình có thể làm được. Không mơ mộng.
* Điều bà chú tâm nhất ở hiện tại là gì?
- Sáng thức dậy thấy còn sống và làm tiếp cái hôm qua.
* Nhiều nghệ sĩ ở tuổi bà đã nghỉ hưu lâu rồi. Tại sao bà chọn lao động sáng tạo nghệ thuật không ngừng?
- Tại vì không chịu ngồi yên. Trong một kiếp người, mình ít được quyết định cái gì lắm. Ra đời không quyết định, chết cũng không quyết định. Thì thôi, ở đoạn giữa này thì mình quyết định cho mình vài chuyện đi.
* Vậy bí quyết của bà là gì?
- Các nhà nghiên cứu nói rằng não của một kiếp người có khả năng chứa dữ liệu ba kiếp. Nếu không muốn mình chậm, muốn mình làm việc năng nổ thì hãy làm mới nó hoài, đừng để cho rảnh. Nó rảnh nó sẽ bị đì, bị đứng, bị đơ.
Bạn cứ cho dữ liệu, nó sẽ cho bạn kết quả. Mà tôi thấy cái đó có thật. Bạn sẽ thấy mình rất lâu già vì tế bào của bạn được đổi thường xuyên bằng một chất liệu được gọi là năng lượng sạch. Trời ơi, không học uổng. Nếu muốn trẻ lâu thì nghe lời tôi: Học đi!
* Trong thời đại mới, một ngôi sao cải lương như nghệ sĩ Vũ Linh được hàng nghìn người dân yêu mến tiễn đưa. Bà có cảm nghĩ gì?
- Thông qua một con người, chúng ta nhận ra giá trị của loại hình nghệ thuật. Khi cải lương có những vở sát sườn với dòng sống của dân thì dân đâu có bỏ bạn đâu.
Khi có sự chia sẻ, khi có sự đùm bọc thì không khi nào bạn cô đơn. Ba Năm Châu có nói rằng: "Nếu nghệ thuật không phải vì con người thì để làm gì?". Mỗi người khán giả sẽ biết nghệ sĩ để lại điều gì. Cái đó là giá trị thật của mỗi người nghệ sĩ.
Tôi không theo dõi hành trình của Vũ Linh nhưng khi thấy khán giả thương bạn ấy như vậy thì công trạng của bạn ấy đối với cải lương rất kinh khủng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận