30/01/2021 11:46 GMT+7

NSND Bạch Tuyết: 'Tôi muốn sống và qua đời như một người hát cải lương của Việt Nam'

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TTO - Tối 28-1, phòng trà We ở TP.HCM đã không còn chỗ trống với chương trình kỷ niệm 60 năm theo nghiệp hát của NSND Bạch Tuyết - 'Gửi người tri kỷ'.

NSND Bạch Tuyết: Tôi muốn sống và qua đời như một người hát cải lương của Việt Nam - Ảnh 1.

NSND Bạch Tuyết trong chương trình Gửi người tri kỷ tối 28-1 - Ảnh: LINH ĐOAN

"Trong quãng đời 60 năm theo nghiệp ca cầm, nếu đôi ba lời ca, câu thoại, nói lối của cô Lựu, Thúy Kiều, Kiều Nguyệt Nga, Dương Vân Nga… do tôi thủ diễn có cơ may đi vào lòng người và ở lại, thi thoảng bật lên trong tâm khảm của mỗi người thì đó chính là đặc ân mà tôi được thầy Tổ và quý khán giả ban tặng.

NSND Bạch Tuyết

1. Đây là chương trình mà nghệ sĩ Bạch Tuyết bày tỏ hát tặng cho những người bạn, khán giả tri kỷ tri âm của mình trong hành trình nghệ thuật 60 năm qua. 

Theo kế hoạch, ngoài lượng vé dành cho khán giả xem tại phòng trà, ban tổ chức còn phát hành vé xem online (hình thức xem livestream private) dành cho các khán giả ở tỉnh hoặc ở nước ngoài.

Tuy nhiên, vì khán phòng khá hẹp, khó đặt máy quay, điều kiện âm thanh, ánh sáng không đủ nên êkip quyết định quay lại và phát trên kênh YouTube của nghệ sĩ Bạch Tuyết sau đó. 

Ban tổ chức liên hệ khán giả đã mua vé để hoàn lại tiền, bất ngờ tất cả đều không nhận và mong muốn số tiền đó chuyển sang mua hoa để tặng "cải lương chi bảo". Bạch Tuyết nói: "Vậy là tôi lại nợ thêm lần nữa...". Trong niềm xúc động, bà quỳ xuống và chắp tay một lạy tri ân gửi đến khán giả.

Trong số 200 khán giả có mặt, có những khán giả cất công từ Cần Thơ, Vĩnh Long, thậm chí có người bay từ Hà Nội vào xem bà hát. Một nam khán giả ôm bà kể: "Trước khi đi xem con có điện thoại cho bà nội 95 tuổi nói: Bữa nay con đi coi cô Bạch Tuyết hát nè! Nội hỏi: Bạch Tuyết hả? Rồi nội biểu lấy 300 USD bỏ bao thơ nói nội lì xì Bạch Tuyết nghen!".

NSND Bạch Tuyết cover Em gái mưa phiên bản vọng cổ

2. Chương trình diễn ra trong không khí hết sức ấm cúng. Nhân vật chính ngoài 70 tuổi nhưng rất tươi trẻ trong giọng hát và cả cách trò chuyện. 

Bà đứng suốt trên sân khấu, người bạn tri kỷ là nhạc sĩ - NSND Thanh Hải đàn cho bà hát, không cần một dàn nhạc, như cái cách mà hai người đã lưu diễn khắp trong và ngoài nước nhiều năm trước đó. Bà tự dẫn dắt hành trình cuộc đời mình, như lời thủ thỉ tâm sự với khán giả.

Đó là những ngày đầu đi hát, ở tuổi 16 trăng tròn bà được cậu Mười Út Trà Ôn đưa về làm đào chánh khi ông thành lập đoàn Thống Nhất, bên cạnh các cô đào Thanh Xuân, Diệu Hiền, Kim Tuyến. 

Từ câu chuyện của cậu Mười khi bị đồn là hút xách mới hát hay, bà đã học được cách không hoảng loạn trước những lời thêu dệt về người nổi tiếng. Rồi hồi trẻ còn ham chơi, tối nào cũng trông hát nhanh chùi lẹ mặt để đi chơi, nhảy đầm. 

Mỗi lần vậy, má bảy Phùng Há đứng canh nhắc riết: "Chùi nhẹ nhẹ thôi không là mặt mau sệ, không nâng lên được!". Càng lớn, bà càng hiểu thâm ý sâu xa của người thầy không chỉ là giữ cho nhan sắc của người nghệ sĩ mà còn là giữ mặt đàng hoàng, tử tế, không để mất mặt với đời, với khán giả.

Khi bà đi hát, ba bà đã bị nhà nội la dạy không nghiêm để con theo nghề xướng ca. Đó là một phần lý do mà trước năm 1975 có ký giả từng viết cứ lên đến đỉnh cao nào đó lại thấy Bạch Tuyết mất tiêu, lại đi học. 

Vậy đó, bà cứ bỏ ngang đi học hoài vì không muốn giậm chân tại chỗ, vì muốn người ta có cái nhìn khác về nghệ sĩ, muốn mỗi lần trở lại sẽ đem đến gì đó thật mới mẻ cho khán giả.

Nhờ chịu khó học những bậc thầy mà bà ngày càng khám phá nét đẹp tinh tế của cải lương. Bà cho rằng nhiều câu văn trong vở tuồng xưa có thể giúp họa sĩ vẽ được bức tranh thủy mặc. 

Cải lương đã hoàn toàn chinh phục bà bởi những giá trị sâu sắc, thấm đẫm tính nhân văn để từ đó bà yêu và có những nhân vật để đời trong các vở như Thái hậu Dương Vân Nga, Đời cô Lựu, Kiều Nguyệt Nga...

Chồng nghệ sĩ Bạch Tuyết có quốc tịch Pháp, gia đình con trai bà cũng đang sinh sống tại Mỹ. Tuy nhiên, Bạch Tuyết vẫn giữ quốc tịch Việt Nam, vẫn sinh sống và làm việc trên quê hương mình. Bà nhẹ nhàng nói: "Tôi là nghệ sĩ của dân tộc. Tôi muốn sống và qua đời như một người hát cải lương của Việt Nam".

Xuất hiện bất ngờ tại chương trình, đạo diễn Quang Thảo cho biết anh rất thú vị vì ngoài khả năng ca diễn xuất sắc, nghệ sĩ Bạch Tuyết còn là tác giả trên 200 bài ca cổ, trên 60 ca khúc tân nhạc và còn viết cả tuồng cải lương.

Anh cho biết nếu tình hình dịch bệnh năm nay ổn định, anh sẽ làm đạo diễn cho live show riêng kỷ niệm 60 năm nghiệp hát của NSND Bạch Tuyết.

Bạch Tuyết hát vọng cổ ‘Hoa nở không màu’ phiên bản chống COVID-19 Bạch Tuyết hát vọng cổ ‘Hoa nở không màu’ phiên bản chống COVID-19

TTO - Nghệ sĩ cải lương Bạch Tuyết khiến khán giả thích thú với MV cover ca khúc ‘Hoa nở không màu’ phiên bản chống dịch COVID-19 bằng vọng cổ.

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên