Hai di sản này gồm nghề thủ công truyền thống làm nhà tre, dừa ở Cẩm Thanh và nghề đan võng từ cây ngô đồng ở Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP Hội An).
Với việc có thêm hai di sản mới này, Hội An hiện có 6 nghề thủ công truyền thống được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể, trong tổng cộng hơn 50 nghề thủ công truyền thống đang duy trì.
Khác với các nơi khác, các nghề thủ công truyền thống ở Hội An duy trì và phát triển được là nhờ cộng hưởng với ngành du lịch.
Đan võng ngô đồng vốn là một công việc được người dân trên đảo Cù Lao Chàm duy trì từ xa xưa. Người dân trước đây thường lên núi chọn cây ngô đồng non đem về tuốt vỏ, xé sợi, rồi kết thành chiếc võng để mắc lên hai đầu trụ nằm nghỉ ngơi.
Dù số lượng không nhiều nhưng công việc này lại tồn tại được tới nay, với số ít người lớn tuổi còn làm. Khách mua đa phần là dân du lịch biết tới và đặt hàng.
Mỗi võng đan xong tùy độ dày, mỏng, công phu mà có giá từ 2,5 triệu đồng đến hàng chục triệu đồng. Người thợ phải đan hàng tuần, thậm chí hàng tháng mới xong một chiếc võng.
Trong khi đó, nghề làm nhà bằng tre, dừa ở Cẩm Thanh cũng xuất phát từ môi trường sinh sống tự nhiên của cư dân ven vùng cửa sông bao quanh rừng dừa, tre.
Khi du lịch phát triển, xu hướng sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường được ưa chuộng. Nhiều nhà hàng, khách sạn… thường mời người dân giỏi đan lát đến để dựng nhà tre, lợp lá dừa.
Hiện nay ở Cẩm Thanh nghề dựng nhà tre, dừa có một số nhóm nông dân duy trì và tạo ra sinh kế ổn định. Cây dừa, tre cũng được trồng và bảo tồn để làm du lịch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận