Có bạn thân hỏi vui: "Nghỉ hưu xong bà còn cưỡi xe ôm đi làm lậu hơn 20 năm rồi đó. Nghề đã khó, thời đại thay đổi, ta lạc hậu rồi, sao bà… dám?".
Viết báo cho vui, minh mẫn và có ích tuổi già nhưng tôi cũng mướt mồ hôi, luôn trong trạng thái phải "đuổi theo" câu hỏi triết học của nghề báo "What is new - Cái gì mới?" và nhất là sự phát triển của công nghệ khiến tôi dùng máy tính mà phải luôn cầu cứu các "giáo sư… cháu nội".
May mắn, các "giáo sư" này tận tình hướng dẫn, không cáu gắt mà còn động viên: So với thế hệ cháu, bà thế là… hơi bị đáng khen.
Đừng ngừng mới…
Ngoài chuyện sức khỏe, tôi gặp những trở ngại gì để phải rượt theo chính nghề nghiệp cả đời mình?
Nếu còn yêu và theo nghề, phải luôn thời sự, phải lướt tin tức trong - ngoài nước mỗi ngày để xem "bạn đọc thượng đế" của báo chí đang bị ngập tràn thông tin gì, họ đang cần gì, đời sống cần gì mà người làm báo có thể phục vụ.
Bạn đọc giờ có quá nhiều phương tiện để đọc, họ lại chỉ lướt và quét chứ ít lặn sâu vào thông tin. Họ đọc xuyên qua, suốt ngày lang thang trên mạng và rời bỏ những bài báo công phu bất cứ lúc nào.
Họ còn tự làm phóng viên, tự sản xuất thông tin trên trang cá nhân - gọi là báo chí công dân. Vậy thời đại mới cần gì ở nhà báo chuyên nghiệp?
Ngày xưa báo chí phương Tây tôn thờ sự khách quan thì nay có nhà báo định nghĩa lại nghề: "Chúng tôi tồn tại để kể những câu chuyện lớn, để đặt câu hỏi khó cho quyền lực, phân tích và đưa thêm giá trị vào tin tức.
Báo chí ngày nay không chỉ là tốc độ mà còn là cuộc đua ai chỉ ra chính xác nhất chuyện gì đang xảy ra…". Cách viết hôm nay cũng phải đua tranh với xu hướng của mạng xã hội, nhà báo phải biết kể chuyện, tìm ra cách viết thật "chạm" để mang đến cảm xúc lớn lao cho sự đọc.
Kể ra thì phải biết bao nhiêu học hỏi, đổi mới cho nghề báo mà tuổi tác không phải lý do để khước từ.
Tôi cũng vừa vui vừa… sợ con AI - trí tuệ nhân tạo - như mọi người. Bao giờ thì nó làm cho nhà báo thất nghiệp?
Gần đây đã có thử nghiệm AI làm trợ lý cá nhân cho nhà báo. AI có thể viết tin và cả bài dựa trên tư liệu người dùng cung cấp, và may thay, nó vẫn chưa làm được hai việc chính của nhà báo: phỏng vấn và đưa tin tại hiện trường.
Thể loại yêu thích của tôi là phỏng vấn. Tôi yêu và tò mò về những con người và tư duy của họ.
Vì thế hiện nay, hễ các bạn nhà báo đặt hàng là tôi vẫn đi phỏng vấn nhân vật. Những tháng ngày bị phong tỏa vì Covid-19, đêm khuya tôi vẫn thức phỏng vấn nhân vật tại Pháp, Mỹ qua Internet, dù rằng thích trò chuyện trực tiếp hơn.
Các nhà văn, nhà báo nước ngoài đến TP.HCM vẫn nhờ tôi tìm - đưa đi tiếp cận các nhân vật. Họ phỏng vấn tôi và tôi quay ra… phỏng vấn họ. Niềm vui mà nghề báo mang lại cho tuổi U80.
Đừng quên giá trị cốt lõi
Trong nhiều cuộc thảo luận về nghề báo hôm nay, nhiều người nhắc thực tế báo chí nay… nghèo, "cháy nhà hai đầu": báo giấy suy giảm tiến đến biến mất, báo điện tử thì người đọc quen… đọc miễn phí, nguồn thu chính là quảng cáo thì có con số rõ rồi: Google, Facebook chiếm tới gần 80% doanh thu. Còn nguồn thu nào cho báo chí?
Các nước tiên tiến có chế độ đọc trả tiền, nhưng cũng khó khăn. Mở trang báo ra, những dòng mời chào xót ruột: "Bạn có thể giúp duy trì tương lai của chúng tôi. Hãy đăng ký. Chỉ 1 đô và có thể hủy bất cứ lúc nào…".
Các nhà báo thảo luận nhiều về lối ra cho kinh tế báo chí, nhưng kết luận cuối cùng vẫn là báo chí phải cạnh tranh bằng giá trị cốt lõi của mình, nội dung chất lượng cao thu hút và giữ chân độc giả trung thành. Đó mới là nền tảng vững chắc.
Trên thế giới, báo chí đã qua giai đoạn chạy theo view, tính lượt tương tác để bước vào thời kỳ xây dựng lòng trung thành của độc giả. Báo chí vẫn quay về với giá trị cổ điển, cạnh tranh bằng sở trường của mình là nội dung chuyên nghiệp.
Đừng ngưng gõ cửa
Tôi viết cho nhiều báo. Với tờ báo uy tín và chất lượng như Tuổi Trẻ, tôi thường được đặt hàng.
Nhớ năm 2010 kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, các bạn ở báo Tuổi Trẻ nhắn: "Chị ra ngoài ấy, thấy gì hay thì viết cho Tuổi Trẻ".
Tất nhiên tôi khai thác nhiều mảng về sự đổi thay của thủ đô, phỏng vấn kiến trúc sư, các nhà văn hóa, lùng sục việc phục hồi hát xẩm ở phố đi bộ, chợ đêm. Thật nhiều câu chuyện mới lạ mà bạn đọc muốn biết.
Muốn dành đến bạn đọc Tuổi Trẻ món đặc biệt hơn, tôi nảy sáng kiến tả vẻ đẹp thủ đô qua bài phỏng vấn nhạc sĩ mù Văn Vượng vì ông đã có những bản đàn tuyệt vời về Hà Nội, đã vẽ nên vẻ đẹp hồ Gươm bằng âm thanh. Bài "Vẻ đẹp Hà Nội qua… mắt nhìn Văn Vượng" in trên Tuổi Trẻ được nhiều người Hà Nội ở Sài Gòn thích thú hoan nghênh.
Tôi "cố gắng… trẻ" cho phù hợp với tờ báo giới trẻ bằng nhiều cách vui, độc đáo. Mùa hoa loa kèn, cúc họa mi, đường phố Hà Nội tràn ngập sắc tươi nhờ những chị bán hoa trên xe đạp len lỏi khắp phố.
Tôi chặn một cô bán hoa để phỏng vấn. Cô cứ trả lời xong một câu lại sốt ruột "Cô hỏi xong chưa để cháu còn đi bán?", tôi đùa: "Nhìn già thế nhưng viết cho Tuổi Trẻ không phải tay mơ".
Rồi tôi biếu cô tiền bù lại khoảng thời gian trò chuyện, cô vui vẻ "Cảm ơn Tuổi Trẻ" rồi lại hớt hải lên xe phóng đi với những lo toan cùng những bó hoa nặng, bung xòe che khuất cả người.
Nhiều chuyện vui nhỏ nữa. Hôm rồi đang dự ra sách về ngôn ngữ của nhà báo Quang Thọ, chợt nghe vỗ vai "Có phải chị Hải?", quay lại thì ra anh Võ Trung Dung - nhà báo tự do Pháp gốc Việt về Việt Nam làm phim.
Gặp nhau tay bắt mặt mừng như người quen cũ, thật ra chúng tôi mới gặp nhau qua những buổi phỏng vấn ban đêm qua Internet trong mùa covid-19 mà bài đã đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần - nơi có những tay biên tập kỹ lưỡng giỏi nghề và đòi hỏi chất lượng cao.
Tuổi Trẻ - từ nhiều nhà báo nổi tiếng trước kia như Kim Hạnh, Huỳnh Sơn Phước, Trần Ngọc Châu… cho đến ngày nay vẫn giữ được chất máu lửa trong nghề và trong thương hiệu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận