48 năm, tờ báo đã có nhiều cột mốc phát triển về nội dung, công nghệ, kinh doanh; nhiều bước tiến về xây dựng thương hiệu, đội ngũ; luôn nỗ lực giữ gìn, phát huy truyền thống, bản sắc, lý tưởng nghề nghiệp, triết lý làm báo của mình.
Những năm tới được dự báo là tương lai đầy biến động khi công nghệ và mạng xã hội phát triển nhanh như vũ bão, thách thức về xây dựng đội ngũ, về nội dung, phương thức kinh doanh…
Ở đây, tôi chỉ xin nói đôi điều ở góc nhìn Tuổi Trẻ và Bạn đọc, về một vấn đề các bậc tiền bối của Tuổi Trẻ đặt ra từ lâu mà chưa bao giờ cũ.
Đó là "triết lý" làm báo "Phụng sự bạn đọc", là "quan điểm" kinh doanh "Bạn đọc là người chi trả, là người nuôi sống tờ báo". Câu hỏi thường xuyên được đặt ra là: Bạn đọc kỳ vọng gì ở Tuổi Trẻ?
Các thế hệ làm báo Tuổi Trẻ luôn trung thành với lý tưởng làm báo vì những lợi ích cốt lõi của quốc gia, dân tộc, góp phần xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng; đấu tranh cho lẽ phải, bảo vệ những người thấp cổ bé miệng; đấu tranh với cái xấu, cái ác, nhân lên những điều thiện lương, tích cực, tử tế; ủng hộ cái mới, sự phát triển, cống hiến…
Với việc luôn củng cố nội lực, làm mới mình, luôn tìm ra cái riêng, luôn chuẩn bị tâm, tầm, luôn nhiệt huyết dấn thân, sẵn sàng đương đầu, sẵn sàng chinh phục, sẵn sàng chấp nhận, sẵn sàng nhận lỗi và sửa sai…
Đó là những nỗ lực để bạn đọc nhận diện thương hiệu Tuổi Trẻ, trở thành người đọc trung thành của Tuổi Trẻ, thương yêu Tuổi Trẻ, chở che, bảo vệ Tuổi Trẻ, và sẵn sàng, kiên trì chi trả cho Tuổi Trẻ, nuôi sống Tuổi Trẻ.
Tuổi Trẻ từ rất sớm đã thoát ra khỏi cơ chế bao cấp để tự mình vượt lên chính mình, xây dựng sự nghiệp, nuôi được đội ngũ, phát triển được tờ báo và đóng góp cho sự phát triển chung.
Làm được vậy vì Tuổi Trẻ luôn được bạn đọc yêu thương, tin cậy. Bạn đọc, nhìn rộng ra, là người đọc, người góp ý, người định hướng, quản lý, người tham gia làm báo, làm truyền thông cho báo và trên báo.
Và nhìn xa, báo chí không chỉ đang đối diện những thách thức, cạnh tranh khốc liệt về nội dung, về nguồn thu, công nghệ mà trí tuệ nhân tạo (AI) đang được xem là mối đe dọa lớn. Máy móc có thể suy nghĩ, ý thức không?
Tất cả hoạt động con người có thể được mô phỏng lại bằng máy móc không? Công nghệ AI có thể thay thế cả nhà báo không?...
Điều suy ngẫm đáng tin tưởng là sự phát triển ở tương lai luôn trên cái nền của quá khứ. 100.000 năm trước con người tạo ra lửa và phát triển ngôn ngữ; 10.000 năm trước, con người xây dựng và mở rộng các thành phố; 5.000 năm trước, con người tạo ra bánh xe và chữ viết, tiến tới hình thành các quốc gia; hiện tại con người đang tạo ra robot.
Và mãi đến bây giờ, chúng ta vẫn còn sử dụng lửa, ngôn ngữ, bánh xe, vẫn tồn tại nền nông nghiệp, công nghệ xây dựng, các quốc gia… dù với nhiều hình hài, vóc dáng khác.
Nói vậy để thấy những người làm báo cũng tồn tại, phát triển trong bối cảnh đó. Rồi có thể, trong công việc của mình, đến lúc cũng phải chạm vào AI, đối diện những phương thức hoạt động kinh tế báo chí khác; phải tích cực chuẩn bị một tâm thế, một tri thức, một nền tảng để thích ứng với bối cảnh làm báo mới, để không bị choáng ngợp, sợ hãi hoặc buông xuôi. Nhưng những giá trị nền tảng, cốt lõi, truyền thống vẫn cần được giữ gìn, phát triển.
Tuổi Trẻ, nhìn sâu vào chiều dài 48 năm - truyền thống phụng sự và tri ân bạn đọc, sẽ làm được điều phải làm trong thời đại của công nghệ.
Hôm nay, thời hoàng kim của báo giấy đã qua, Tuổi Trẻ đã và đang tiếp tục con đường của mình trên nền tảng đa phương tiện và vẫn nhìn về bạn đọc, chăm sóc bạn đọc bằng chính chất lượng của mình: những sản phẩm nhanh nhạy, đầy tính trách nhiệm, sát với nhu cầu cuộc sống, nhu cầu người đọc, gắn với các giải pháp mới, với hơi thở thời đại; xây dựng, giữ gìn và nhân rộng những điều thiện lương, tử tế.
Hướng đến nguồn thu của mình bằng chính những sản phẩm trên báo điện tử và các nền tảng số, Tuổi Trẻ tin rằng khi mình biết cách phụng sự, bạn đọc sẽ không tiếc trả phí, gắn sao, hoặc bất kỳ hình thức chi trả nào.
"Chừng nào báo còn ra, tôi còn đọc"
Trên chiếc xe Dream đã cũ, đều đặn mỗi buổi sáng ông Tám vẫn chạy đi mua báo. Tờ báo như một người bạn đã gắn bó cùng ông hơn nửa đời người.
"Có hôm đi trễ chẳng còn báo để mua"
Ông Tám - Nguyễn Văn Quan năm nay đã ngoài 80 tuổi, đang sống cùng vợ và các con tại một căn nhà nhỏ ở xã Long Đức, Long Thành, Đồng Nai. Ông có gương mặt phúc hậu, nước da nhuộm màu sương gió. Sân nhà ông có một khu vườn nhỏ với đủ loại cây, hoa, chim chóc hót ríu rít và chính là nơi ông đọc báo như một sinh hoạt hằng ngày.
Mỗi sáng, sau khi đã xong xuôi việc vườn tược, ông lại chạy xe ra thị trấn để mua báo. 5km không phải là ngắn. Ông kể dạo trước sạp báo nhiều lắm, nay chỉ còn lác đác vài chỗ, có hôm đi hơi trễ là chẳng còn báo để mua.
Đọc báo giấy vừa là thói quen, vừa là thú vui, vừa là cách để ông giữ đầu óc minh mẫn, linh hoạt. Ông Tám chia sẻ: "Mấy đứa nhỏ chỉ dẫn cho tôi cách đọc báo trên điện thoại, nhưng không thể thay thế được cảm giác cầm tờ báo giấy".
Người làm báo như tôi hiểu chứ. Công nghệ phát triển, công chúng có vô vàn kênh để tiếp cận thông tin, độc giả của những tờ báo giấy cũng dần thưa thớt. Thời đại số tạo ra nhiều thách thức nhưng cũng là động lực để báo chí không ngừng tự nâng cao chất lượng, ngày càng tiệm cận với nhu cầu thông tin của độc giả.
"Chừng nào báo còn ra, tôi còn đọc" - ông Tám nở nụ cười hiền, nói như trấn an tôi. Những độc giả thân thiết như ông chính là động lực để những người làm báo chúng tôi không ngừng nỗ lực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận