19/08/2023 05:51 GMT+7

Nhà báo Thái Duy: Nhân dân làm ra tất cả

Suốt nhiều năm trong thập niên 1970 - 1980, nhà báo Thái Duy đã viết rất nhiều về "khoán chui". Nhiều mùa hè, ông đã cùng các con về "nằm vùng" cả tháng ở Hải Phòng để nghe nông dân và viết chỉ vì một điều: ông tin nông dân, nhân dân rất vĩ đại.

Nhà báo Thái Duy - Ảnh: THIÊN ĐIỂU

Nhà báo Thái Duy - Ảnh: THIÊN ĐIỂU

Không chỉ nổi tiếng với cuốn Sống như anh (bút danh Trần Đình Vân) viết về Nguyễn Văn Trỗi, Thái Duy còn được ghi công là nhà báo đã bền bỉ, mạnh mẽ viết về "khoán chui" trong hàng chục năm để "phong trào" này của hàng triệu nông dân cuối cùng cũng đi đến thắng lợi vào năm 1988.

Được nhiều thế hệ các nhà báo rất trọng nể và bạn đọc yêu mến, nhưng ông lại tự nhận mình bình thường như những người khác và rất hạn chế nói về mình bởi "không thấy có gì để kể".

Trò chuyện với Tuổi Trẻ ở tuổi 97, nhà báo THÁI DUY từ chối trả lời nhiều câu hỏi vì "không nên nói nhiều là một đức tính tốt, nói nhiều về mình càng không nên".

Tôi chỉ theo nông dân thôi

* Hồi ấy vì sao trong khi nhiều lãnh đạo, nhiều nơi kiên quyết bảo vệ cơ chế khoán việc trong hợp tác xã nông nghiệp không mang lại hiệu quả, ông lại sớm ủng hộ khoán sản phẩm, "khoán chui"?

- Nó đơn giản lắm, tôi nhìn thấy khác. Tôi thấy ở bất cứ nơi đâu, bất cứ thời nào, đã khoán việc nghĩa là hoàn toàn không của nông dân, không còn là nông dân nữa. Nếu không là khoán hộ, khoán sản phẩm thì không còn là nông dân, mà là các giai cấp khác. Chúng ta có là nông dân đâu nên chúng ta không tin ở "khoán chui" như nông dân được.

Tôi chỉ ủng hộ "khoán chui" thôi. Và may mắn là ở báo dù tôi chỉ là phóng viên nhưng lãnh đạo báo nghe tôi, cũng không phải tôi ủng hộ hình thức khoán nào mà tôi ủng hộ nông dân, nghe nông dân, tin nông dân.

* Ông đã dành cả chục năm để viết rất nhiều về "khoán chui" ở khắp trong Nam ngoài Bắc phải không?

- Không có thời gian cụ thể và tôi không nói tôi đã viết nhiều về "khoán chui". Nông dân làm như thế nào tôi viết như thế. Tôi chỉ theo nông dân thôi.

* Làm thế nào ông lại tiếp cận được những người nông dân khi họ đang phải "khoán chui", phải giấu lãnh đạo cấp trên?

- Chẳng ai cấm tôi về với nông dân cả. Tôi là một phóng viên thì việc đến với người dân cũng là điều bình thường.

* Người ta nói hồi ấy ông mải mê về với nông dân để viết về "khoán chui" nên cuộc sống của gia đình ông cũng vất vả, khó khăn, thậm chí lắm lúc ảnh hưởng tới cả chuyện "sinh mệnh chính trị" của ông nữa.

- Cũng không khó khăn nhiều. Nói chung viết như thế là ngược với một số cán bộ lãnh đạo, nhưng nói chung người ta cũng chẳng phản đối gì được mình. Còn chuyện khó khăn về kinh tế như mọi người nói thì thực tế gia đình tôi không đến nỗi như thế.

Việc tôi về với nông dân, viết tâm tư của nông dân giữa lúc họ chưa được tin, chưa được lắng nghe cũng không phải là việc hy sinh ghê gớm gì như người ta ngợi khen tôi.

* Vì sao ông lại có lòng tin với người nông dân mạnh mẽ như vậy giữa lúc nhiều người chưa tin?

- Chúng ta là người với nhau cả, đã là người thì phải tin nhau chứ. Nông dân ở nước ta có hàng triệu người như thế, sao lại không tin. Tôi tin ở số đông tôi mới viết. Mà số đông ở đất nước mình là nông dân.

"Khoán chui" là cuộc cách mạng

* Ông từng nói nhân dân rất vĩ đại, người làm ra mọi cuộc cách mạng, mọi thứ. Nông dân - nhân dân chống lại cái cũ, cái bảo thủ, chậm tiến bằng việc bền bỉ, gan góc làm "khoán chui" suốt mấy chục năm. Ông có thể chia sẻ thêm về suy nghĩ này của ông?

- Nhân dân là số đông. Lý lẽ thuộc về số đông. Nhân dân làm ra tất cả. Số đông đứng về phía nào thì phía đó thắng lợi. Thiết nghĩ chẳng phải giải thích gì thêm điều chân lý ấy.

Nông dân đã làm "khoán chui" khổ sở suốt 20 năm, từ đời cha tới đời con. Những người nông dân ít học nhưng đã nhìn ra cái mới, sáng tạo ra cái mới, kiên trì bảo vệ, mở rộng khoán sản phẩm, khoán hộ trước những người có quyền lực đang bằng mọi giá bảo vệ, duy trì cái cũ, cái lỗi thời. 

Những người nông dân đã gan góc, bản lĩnh vô cùng để bảo vệ "khoán chui" trước nhiều lực cản trong bao nhiêu năm để cuối cùng tìm ra lối thoát cho nền kinh tế ta khỏi suy sụp, từ một nước đói ăn sau đó thành nước xuất khẩu gạo thứ hai thế giới.

"Khoán chui" như vậy là cuộc cách mạng.

* Ông là nhà báo nổi tiếng, hẳn là có nhiều cơ hội làm lãnh đạo trong cơ quan báo chí, nhưng cả đời ông đã chỉ chọn làm phóng viên, vì sao vậy?

- Tôi là nhà báo thì tôi phải làm báo, phải đi với công việc làm báo đến cùng. Chuyện làm lãnh đạo cơ quan báo chí mỗi người một tính. 

Tôi sở dĩ được như ngày nay là do một số nhà báo giỏi, thông minh đi trước tôi và tôi bắt chước họ. Tôi sở dĩ làm báo có thể coi là tạm được là vì đã noi gương người trên, noi gương nhau.

* Người ta nói ông với vai là một nhà báo đã có đóng góp lớn bảo vệ "khoán chui" của nông dân để tới ngày phong trào đi tới thắng lợi, ông có nghĩ vậy không?

- Tôi không nghĩ vậy. Tôi nhờ nông dân chứ không phải công đó là của tôi. Nông dân mới thông minh. Mỗi người phải chịu khó mà nhìn ra cái thông minh của nông dân, của nhân dân. Viết về nông dân thì phải nghe nông dân.

Làm nghề nào thì làm nghề ấy đến chết

* Cuốn Sống như anh của ông đã xuất bản được hàng triệu bản, dịch ra nhiều thứ tiếng. Hẳn ông rất tự hào về tác phẩm này?

- Nói chung đã là con người thì có tự hào chứ, dù cuốn sách ấy không mang đến gì nhiều cho tôi ngoài tình cảm của bạn đọc.

* Đó có phải là tác phẩm thành công nhất của ông không?

- Cũng không phải là nhất. Không ai dại coi một tác phẩm nào của mình đã là nhất mà phải coi tác phẩm xuất sắc nhất của mình là tác phẩm chưa viết, để phải phấn đấu cho đến chết thì thôi, để có tác phẩm xuất sắc nhất.

* Vậy là ở tuổi 97 ông vẫn đang viết?

- Tôi cũng như hàng vạn, hàng triệu người, làm nghề viết thì phải viết thôi. Nói chung làm nghề nào thì làm nghề ấy đến chết thôi.

* Ông đã đến với nghề viết như thế nào? Có phải ông đi làm cách mạng bằng chính nghề viết báo ở báo Cứu Quốc như một số bài báo từng viết?

- Không, tôi không như thế. Còn con đường ấy như thế nào thì mỗi người có một cái riêng không chia sẻ được. Nhưng nói chung ai vào đời cũng vậy thôi, phải tìm người giỏi hơn mình mà học, mà bắt chước.

* Ông có lời khuyên gì với những người viết trẻ hiện nay?

- Tôi không có lời khuyên, tôi cũng đi vào nghề như mọi người. Còn chuyện viết sự thật mà tôi từng nói như một nguyên tắc nghề nghiệp của mình thì là đương nhiên. Đã là nhà báo thực thụ thì không thể viết không thật.

* Người ta nói các phóng viên hỏi chuyện ông rất khó, ông không chịu trả lời phỏng vấn báo chí. Ông khiêm tốn quá?

- Tôi không có gì để trả lời. Tôi cũng như các nhà báo khác. Nói và viết, viết và nói. Tôi không khiêm tốn nhưng không nên nói nhiều là một đức tính tốt. Nói nhiều về mình càng không nên.

Sách của nhà báo Thái Duy

Nhà báo Thái Duy còn có bút danh khác là Trần Đình Vân. Ông tên thật là Trần Duy Tấn, sinh năm 1926 tại Bắc Giang.

Cả đời nhà báo Thái Duy làm phóng viên, từ chống Pháp sang chống Mỹ, tới thời Đổi mới. Ông làm phóng viên báo Đại Đoàn Kết đến năm 1995 thì nghỉ hưu.

Ông đã xuất bản các tác phẩm chính:

- Sống như anh (tên khác của tác phẩm: Những lần gặp gỡ cuối cùng) được in hàng triệu bản và dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới từ năm 1965.

-Người tử tù khám lớn (NXB Tổng Hợp TP.HCM 1985).

- Nguyễn Văn Trỗi và đồng đội (NXB Tổng Hợp TP.HCM 2005).

- Hải Phòng anh dũng (NXB Văn Học).

- Đổi mới ở Việt Nam - nhớ lại và suy ngẫm (in chung, NXB Tri Thức 2008).

- "Khoán chui" hay là chết (NXB Trẻ 2013).

Nhà báo Thái Duy: Sống và viếtNhà báo Thái Duy: Sống và viết

Tên tác phẩm nổi tiếng Sống như anh mà Thái Duy viết về anh hùng Nguyễn Văn Trỗi được nhiều người "phiên dịch" thành "sống như ông".

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên