Sáng 26-6, với đa số đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.
Nghị quyết đã cho phép Nghệ An áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù mới về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước, quản lý đầu tư, quản lý đô thị, tài nguyên rừng và tổ chức bộ máy chính quyền địa phương.
Trong đó đáng chú ý về tổ chức bộ máy, UBND tỉnh Nghệ An sẽ có không quá 5 phó chủ tịch. HĐND TP Vinh được thành lập 3 ban gồm Ban Pháp chế, Ban Kinh tế - Ngân sách và Ban Văn hóa - Xã hội.
HĐND TP Vinh có không quá 2 phó chủ tịch và không quá 8 đại biểu hoạt động chuyên trách. UBND TP Vinh có không quá 4 phó chủ tịch.
Theo báo cáo tiếp thu, giải trình, đa số đại biểu nhất trí với việc cho phép Nghệ An được tăng thêm 1 phó chủ tịch. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng chỉ nên để 4 phó chủ tịch là hợp lý. Có ý kiến đề nghị cân nhắc vì phải tương đồng về mặt dân số, về mật độ và tính phức tạp.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhìn nhận Nghệ An là đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I, có diện tích lớn nhất cả nước (gần 16.500km2) và dân số đứng thứ 4 cả nước (trên 3,4 triệu người); có đường biên giới dài 419km trên bộ và đường bờ biển dài 82km.
Toàn tỉnh có 21 huyện, thành phố, thị xã (trong đó có 11 huyện, thị xã miền núi, núi cao) với hơn 510.000 người dân tộc thiểu số và nhiều tôn giáo đan xen với địa hình đa dạng, thời tiết khắc nghiệt, lũ lụt, lũ quét, hạn hán thường xuyên gây nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất và nhất là ở các địa phương miền núi.
Miền Tây Nghệ An có đường biên giới dài (giáp Lào) tiềm ẩn nhiều vấn đề an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.
Chính vì vậy, việc bổ sung thêm 1 phó chủ tịch để phụ trách chuyên về địa bàn vùng miền núi sẽ đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công việc.
Việc này cũng góp phần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhằm phát triển kinh tế - xã hội miền tây Nghệ An theo định hướng tại nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị.
Ngoài tổ chức bộ máy, về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước, nghị quyết cho phép tỉnh Nghệ An áp dụng một số chính sách phí, lệ phí.
Nghị quyết cũng cho phép các tỉnh, thành phố được sử dụng ngân sách cấp mình để hỗ trợ tỉnh Nghệ An thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh đối với các địa bàn, nhiệm vụ cụ thể.
Trường hợp hỗ trợ chung cho tỉnh Nghệ An thì việc phân bổ cho các địa bàn, nhiệm vụ cụ thể do HĐND tỉnh quyết định, trong đó ưu tiên cho huyện Nam Đàn và địa bàn miền Tây Nghệ An.
HĐND tỉnh Nghệ An quyết định việc cho phép các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được sử dụng ngân sách các huyện, thị xã, thành phố và các nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ các địa phương khác của tỉnh trong việc phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các nhiệm vụ an sinh xã hội, các trường hợp cần thiết khác.
Về quản lý đầu tư, nghị quyết cho phép UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp; dự án đầu tư xây dựng bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỉ đồng trở lên thuộc cảng biển loại I.
Trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư quy định tại khoản này được thực hiện như trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Trong quá trình thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, UBND tỉnh Nghệ An xem xét, quyết định việc lấy ý kiến bộ, ngành có liên quan và quyết định theo thẩm quyền.
Lãnh đạo Nghệ An hiện có 4 phó chủ tịch
Lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An hiện nay có chủ tịch là ông Nguyễn Đức Trung và 4 phó chủ tịch gồm các ông Lê Hồng Vinh, Bùi Thanh An, Bùi Đình Long và Nguyễn Văn Đệ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận