Các trường tham gia Ngày hội tư vấn trực tiếp cho phụ huynh, thí sinh - Ảnh: NAM TRẦN
Từ 4h-5h sáng, không ít phụ huynh, thí sinh đã có mặt tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sau chuyến xe đêm vài trăm kilomet.
Ở thời điểm hiện tại, nhiều bậc phụ huynh, thí sinh đã nghiên cứu, tham khảo nhiều thông tin khác nhau. Trong tình huống "bội thực thông tin" ấy, băn khoăn lại nhiều hơn, sát sườn hơn...
Ám ảnh nỗi lo thất nghiệp
"Theo thông tin chúng em được biết, quản trị kinh doanh là ngành mà sinh viên tốt nghiệp ra trường có tỉ lệ thất nghiệp khá cao. Nếu chọn ngành này, cơ hội công việc trong tương lai sẽ ra sao? Có cách nào để học ngành này nhưng tránh bị thất nghiệp?" - một thí sinh đặt câu hỏi.
PGS.TS Bùi Đức Triệu, trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cho biết: "Đây là một trong các ngành được đào tạo nhiều nhất và quan tâm nhiều nhất. Tuy vậy, thí sinh không phải quá lo lắng vì cơ hội nghề nghiệp đối với ngành này rất lớn.
Với những kiến thức, kỹ năng học được ở ngành này, sinh viên sau khi tốt nghiệp có nhiều thuận lợi để thành công trong khởi nghiệp. Cơ hội việc làm không dưới 95-97%" - thầy Triệu khẳng định.
TS Nguyễn Đào Tùng, trưởng ban quản lý đào tạo - Học viện Tài chính, nói thêm rằng cả nước đang khởi nghiệp, đó là tinh thần của tuổi trẻ rất đáng khích lệ. Và với tinh thần đó, việc chủ động học tập, tích lũy kinh nghiệm từ khi còn học trên giảng đường là cần thiết. Vì vậy, thay vì ám ảnh nỗi lo thất nghiệp, hãy chuẩn bị cho mình một hành trang tốt nhất.
PGS.TS Phạm Mạnh Hà, khoa quản lý giáo dục Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), chia sẻ: Thất nghiệp của ngành quản trị kinh doanh nhiều", điều đó đúng với thực tế. Lý do lớn nhất dẫn tới tình trạng này không phải vì ngành đào tạo đó kém "hot" mà vì các bạn chọn nhầm nghề. Bởi một nghề nghiệp không phù hợp với tố chất, không mang lại cho các bạn sự yêu thích sẽ khó có thể học tốt và càng khó thành công trong cuộc sống.
"97% số sinh viên có việc làm sau một năm tốt nghiệp" cũng là thông tin được PGS.TS Lê Thị Thu Thủy, phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, chia sẻ với những thí sinh muốn đăng ký học ngành kinh tế nhưng lại bị ám ảnh vì sợ thất nghiệp.
"Học nghề không khổ"
Trước băn khoăn của nhiều thí sinh đạt mức điểm vừa phải nên chọn ĐH hay chọn trường nghề, ông Vũ Xuân Hùng - vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - cho rằng việc học nghề sẽ có nhiều thuận lợi.
Trong khi với ĐH, muốn vào trường yêu thích, thí sinh phải căn cứ vào mức điểm mình đạt được, còn cánh cửa CĐ rộng mở hơn nhiều.
Hiện hệ thống giáo dục nghề nghiệp có đến 1.000 nghề để thí sinh chọn lựa. Mặt khác, "con đường vào ĐH của các em chưa khép lại vì sau khi tốt nghiệp CĐ, nếu có nhu cầu và cần thiết cho sự phát triển công việc, có thể tiếp tục học liên thông lên ĐH".
Một thí sinh đạt 20,5 điểm đặt vấn đề dù mong muốn học nghề vì điều kiện gia đình khó khăn, nhưng cha mẹ lại muốn con chọn học ĐH để "thoát khổ", cần làm gì để thuyết phục cha mẹ cho theo đuổi lựa chọn phù hợp?
Đáp lại băn khoăn này, ông Vũ Xuân Hùng khẳng định "học nghề không khổ", chỉ khi học hành không đến nơi đến chốn mới đi đến con đường lao động vất vả.
Ông Đồng Văn Ngọc - hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện Hà Nội - cho biết cơ hội việc làm của trình độ đào tạo CĐ đang ngày càng tốt hơn. Tại Trường CĐ Cơ điện Hà Nội, một số ngành đào tạo chất lượng cao cam kết sinh viên sau tốt nghiệp sẽ đạt mức lương khởi điểm 7 triệu đồng/tháng.
Nếu không có việc làm như cam kết, nhà trường sẽ trả lại toàn bộ học phí cho sinh viên. Chính sách này đang được một số trường áp dụng. Đó là cơ sở để thí sinh có thể thuyết phục và chứng minh cho cha mẹ về lựa chọn phù hợp với mình.
Tại các phiên tư vấn, các chuyên gia cũng khuyên thí sinh nên quan tâm đến những ngành mới mở. Bởi nếu các ngành truyền thống đang "hot" bão hòa về quy mô đào tạo và đang có rất nhiều thí sinh lựa chọn nguyện vọng 1 thì nhiều ngành mới lại ít thí sinh chọn. Trong khi các ngành mới được mở đều căn cứ vào dự báo nhu cầu nhân lực trong tương lai.
"Ngành quản trị trường học là ngành mới của ĐHQG Hà Nội, trong tương lai sẽ rất cần" - PGS.TS Phạm Mạnh Hà chia sẻ và cho rằng muốn tìm kiếm nhiều cơ hội việc làm cần tham khảo các thông tin mang tính dự báo trong 4-5 năm tới chứ không phải nhu cầu việc làm ở thời điểm hiện tại.
Phụ huynh rủ nhau đi nghe tư vấn
Đông đảo phụ huynh, thí sinh cùng nghe tư vấn tại một nhóm tư vấn ngành - Ảnh: NAM TRẦN
Khác với Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp ở đợt 1 ( tháng 3-2018), tại Ngày hội tư vấn xét tuyển Hà Nội có sự tham dự của rất nhiều phụ huynh. Có người đi cùng con, người rủ nhau theo hội phụ huynh lớp hoặc đến ngày hội từ thông tin chia sẻ trên các diễn đàn của phụ huynh học sinh.
Không "cưỡi ngựa xem hoa", nhiều phụ huynh chọn ngay khu tư vấn đang cần định hướng cho con và ngồi chờ đợi từ rất sớm. Có người đặt câu hỏi nhiều lần, nhưng cũng có những người chỉ ngồi im, tay sổ, tay bút, ghi chép tất cả những điều các thầy cô trong ban tư vấn chia sẻ.
Phụ huynh cũng nán lại sau cùng ở phần tư vấn 1-1 để gặp bằng được đại diện trường họ muốn con đăng ký học để hỏi kỹ lưỡng từ dự đoán điểm chuẩn đến điều kiện học tập, cơ hội việc làm.
Có người hỏi cả việc trường có chú ý rèn kỹ năng mềm, có công bố chuẩn đầu ra trình độ ngoại ngữ không. Rõ ràng không phải ở một nơi có nhiều kênh thông tin để tham khảo mà nhu cầu tư vấn của phụ huynh, thí sinh giảm nhiệt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận