27/02/2018 09:15 GMT+7

Ngày của mình, thầy thuốc canh cánh nghĩ cho người

NGUYỄN TRIỀU - VÕ HƯƠNG - NGỌC HIỂN
NGUYỄN TRIỀU - VÕ HƯƠNG - NGỌC HIỂN

TTO - Mới mùng 5 tháng giêng đã xảy ra sự vụ bất an: 2 bác sĩ ở Yên Bái sau khi mổ cho sản phụ, bị người thân của sản phụ lao vào đánh hội đồng, phải cấp cứu với lý do lãng xẹt: không cho họ trèo qua lan can để... quay phim.

Ngày của mình, thầy thuốc canh cánh nghĩ  cho người - Ảnh 1.

Từ trái qua: GS.TS Trần Ngọc Sinh, GS.TS Nguyễn Duy Tài, GS.TSKH Nguyễn Khánh Dư, PGS.TS Phạm Thọ Tuấn Anh, BS Trần Ngọc Lưu Phương vui mừng gặp nhau trong buổi tọa đàm tại báo Tuổi Trẻ - Ảnh: DUYÊN PHAN

Suốt thời gian qua, tình trạng thầy thuốc bị bạo hành đã dấy lên lo lắng và xã hội lên tiếng mạnh mẽ: phải bảo vệ bác sĩ, phải có một môi trường an ninh, an toàn để thầy thuốc an tâm trị bệnh cứu người. Không chỉ ở vùng xa như Yên Bái, tại hai TP lớn, văn minh, hiện đại như TP.HCM và Hà Nội, tình trạng thầy thuốc bị rượt đánh không phải là hiếm.

Chúng tôi rất chia sẻ trước tình trạng gần đây có những trường hợp y bác sĩ bị hành hung bởi chính người thân của bệnh nhân mình đang cứu chữa. Mong sao những câu chuyện kém vui đó sẽ không còn lặp lại để giới thầy thuốc vững tâm làm tốt thiên chức của mình là cứu người

Nhà báo ĐẶNG DŨNG (phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ)

Nhưng tại buổi tọa đàm ở báo Tuổi Trẻ ngày 26-2, dù được gợi ý nhiều lần, các thầy thuốc đã không nói gì đến việc họ cần phải được bảo vệ. Họ chỉ đau đáu làm sao mọi người sống vui, sống khỏe, làm sao cứu người một cách tốt nhất. Nói về nghề, họ bày tỏ lòng biết ơn người bệnh. Điều đó thật đáng kính trọng.

Ngày của mình, thầy thuốc canh cánh nghĩ  cho người - Ảnh 3.

Không tránh khỏi nhưng phải kiểm soát

Khi chuyên gia đầu ngành về phẫu thuật lồng ngực và tim mạch, GS.TSKH Nguyễn Khánh Dư xuất hiện tại báo Tuổi Trẻ với những bước chân khoan thai, giọng nói từ tốn, trong trẻo dù ông đã ở tuổi 88, các bác sĩ đồng nghiệp ai cũng trầm trồ...

"Thưa thầy, năm nay thầy đã gần 90 rồi, bí quyết nào giúp thầy vui sống và giữ được sức khỏe, minh mẫn cho tới tận bây giờ? Xin thầy chia sẻ cho tụi em với!" - GS.TS Trần Thiện Trung, chuyên gia về tiêu hóa và dạ dày, cung kính hỏi. GS Nguyễn Khánh Dư nở nụ cười tươi, hiền từ thay cho lời đáp.

Những người thầy thuốc hôm nay ngồi lại với nhau, chia sẻ cách làm thế nào để tư vấn cho người dân sống vui khỏe, đẩy lui bệnh tật với chủ đề "Sống vui khỏe, không giận dữ, giảm bệnh tật".

GS.TS Trần Ngọc Sinh - chuyên gia niệu khoa, ghép tạng - cởi mở cho biết ông rất dễ nổi giận và thường được các đồng nghiệp góp ý. Sự giận dữ cũng có thể xảy đến hằng ngày ở bệnh viện, từ cả phía thầy thuốc và phía bệnh nhân, người nhà bệnh nhân.

"Khi bệnh nhân không tuân thủ lời khuyên của bác sĩ mình cũng giận lắm chứ, thậm chí muốn quát tháo. Nhưng nếu buông theo cảm xúc rồi quát tháo thì cũng gây ức chế cho bệnh nhân, làm giảm hiệu quả điều trị. Sự giận dữ ảnh hưởng trước hết đến công tác của mình, đồng nghiệp của mình. Anh em góp ý, tôi cũng rút kinh nghiệm, tự kiểm điểm nhiều lắm" - GS Trần Ngọc Sinh bộc bạch.

Ngày của mình, thầy thuốc canh cánh nghĩ  cho người - Ảnh 4.

GS.TS Nguyễn Duy Tài, chuyên gia sản khoa, cho rằng vấn đề giận dữ rất nan giải vì nó là một phần cảm xúc của con người, không ai có thể tránh khỏi. Mỗi người ở mỗi độ tuổi khác nhau cũng có những "duyên cớ" và cách bộc lộ sự giận dữ khác nhau. Quan trọng là làm thế nào để kiểm soát cơn giận, để nó không gây hậu quả xấu cho chính mình và những người xung quanh.

Ngày của mình, thầy thuốc canh cánh nghĩ  cho người - Ảnh 5.

Các bác sĩ là những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực tại buổi tọa đàm ở báo Tuổi Trẻ sáng 26-2 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Tâm vui thì thân khỏe

Bí quyết sống vui, sống khỏe được các chuyên gia y tế chỉ ra có một điểm chung thú vị mà ai cũng thừa nhận: muốn sống khỏe thì phải có niềm vui từ nội tâm. GS.TS Nguyễn Duy Tài nói trải nghiệm của bản thân bà cho thấy niềm vui tạo ra một nguồn năng lượng tích cực giúp đẩy lui bệnh tật. Và niềm vui thì ai cũng có thể tìm thấy cho riêng mình.

Các chuyên gia đều cho rằng con người có thể giận dữ bất cứ lúc nào. Cho nên phải biết tâm tính mình, phải tự kiềm chế. Một sự giận dữ nếu kịp kiềm chế thì mọi chuyện sẽ yên bình đi qua, nhưng nếu không kiềm chế được thì hậu quả sẽ khó lường. Vì thế "hãy tạo ra một nội lực vui để kiềm chế, giải tỏa tức giận và phải biết nhường nhịn nhau".

Theo GS.TS Nguyễn Duy Tài, mỗi buổi sáng chỉ cần dành 15 phút đi bộ khởi động cho một ngày mới sẽ giúp tinh thần tỉnh táo, có thêm chút cà phê thì càng tốt. "Đối với người trung niên, cao tuổi, hiện tượng loãng xương có căn gốc từ dinh dưỡng thời trẻ. Mỗi ngày ra đường bớt đội nón vài chục phút, đừng che chắn kỹ quá để giúp tích lũy vitamin D, canxi tốt cho xương, và đặc biệt tốt cho phụ nữ thời kỳ sinh sản" - bà khuyên.

Cũng theo GS.TS Nguyễn Duy Tài, người dân ở các TP lớn có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường rất lớn do thói quen sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, do đó cần tăng cường sử dụng thực phẩm tươi sống và cân đối đủ các thành phần dinh dưỡng cho cơ thể.

GS.TS Trần Thiện Trung nhắc nhở một câu chuyện rất đời thường: "Ăn uống chung đụng dùng chung nước chấm hay gắp thức ăn cho nhau rất dễ lây bệnh. Ngày xưa tại sao bộ đội khi ăn dùng đũa hai đầu? Vì rất dễ lây bệnh. Hằng năm chúng ta mất hàng ngàn tỉ đồng điều trị cho hậu quả của việc ăn uống. Vì thế nên thay đổi tập tục đi, thôi gắp thức ăn cho nhau đi, thương nhau lắm hóa bằng hại nhau đấy!".

Ngày của mình, thầy thuốc canh cánh nghĩ  cho người - Ảnh 6.

NGUYỄN ĐỨC THÀNH (sinh viên năm 4 Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch):

Chống hành hung bác sĩ: cần có phòng cấp cứu biệt lập

nguyen duc thanh

Tôi đã trải qua kỳ thực tập và cũng phần nào cảm nhận được những áp lực đối với đội ngũ y bác sĩ ở phòng cấp cứu. Bên cạnh việc bác sĩ phải cố gắng hết mình để chữa trị cho bệnh nhân, còn phải dè chừng việc người nhà bệnh nhân có thể hành hung bất kỳ lúc nào.

Tôi nghĩ những sự việc đáng tiếc như thế một phần do người nhà bệnh nhân không có kiến thức y khoa, cộng với tâm trạng lo lắng nên nóng nảy. Một phần do có bác sĩ xử trí không thỏa đáng. Vậy, bác sĩ có thể giải thích cho người nhà bệnh nhân hiểu được không?

Dĩ nhiên là được. Nhưng có những trường hợp cấp cứu, bác sĩ không thể giải thích và không có thời gian để giải thích.

Có ý kiến cho rằng cần phải trang bị cho các bác sĩ khả năng tự vệ hay tăng cường bảo vệ. Theo tôi, điều đó không phù hợp vì chỉ ngăn được cái ngọn. Cái cần thiết là trang bị cho bác sĩ kỹ năng trấn an, giải thích một cách nhanh chóng tình trạng bệnh cho người nhà ban đầu ngay khi vừa tiếp xúc là phương án tốt nhất. Bên cạnh đó, cần bố trí các phòng cấp cứu một cách biệt lập để tránh tình trạng ra vào tự do của người nhà bệnh nhân.

NGUYỄN TRIỀU - VÕ HƯƠNG - NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên