07/01/2015 11:42 GMT+7

​Ngày 7 tháng 1 và những nỗi nhớ dài

PHẠM SỸ SÁU
PHẠM SỸ SÁU

TT - Đối với người lính đã từng tham gia trong đội quân tình nguyện VN, ngày này được gọi là ngày giải phóng Phnom Penh.

Đây là tấm ảnh chụp những người lính tình nguyện VN năm 1981 tại đơn vị C21 trinh sát, E bộ binh 4, sư đoàn 5, mặt trận 479 tại khu vực đông thị trấn Poipet, tỉnh Battambang (nay là tỉnh Banteay Meanchey), Campuchia - Ảnh: Phạm Sỹ Sáu
Đây là tấm ảnh chụp những người lính tình nguyện VN năm 1981 tại đơn vị C21 trinh sát, E bộ binh 4, sư đoàn 5, mặt trận 479 tại khu vực đông thị trấn Poipet, tỉnh Battambang (nay là tỉnh Banteay Meanchey), Campuchia - Ảnh: Phạm Sỹ Sáu

Thế là 36 năm đã qua kể từ ngày 7-1-1979. Ngày mà thủ đô Phnom Penh của Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng của bè lũ Pol Pot - Ieng Sary sau một cuộc tổng tiến công dũng mãnh của các đơn vị vũ trang Campuchia dưới sự tổ chức của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia phối hợp cùng quân tình nguyện VN.

Đối với người lính đã từng tham gia trong đội quân tình nguyện VN, ngày này được gọi là ngày giải phóng Phnom Penh.

Mấy ngày nay, râm ran trên các trang mạng và trang Facebook, những kỷ niệm khó quên của những người lính từng trải qua những tháng ngày ấy được nhắc lại với biết bao tình cảm luyến thương, trìu mến pha lẫn ngậm ngùi.

Họ đã trải qua một thời trẻ trai trong một đất nước hòa bình mà lại phải tham gia chiến trận để bảo vệ một phần lãnh thổ đất nước bị giày xéo bởi một đạo quân gây hấn.

Từ cuộc chiến tự vệ be bờ giữ đất cứu dân ở biên giới Tây Nam Tổ quốc đến cuộc phối hợp cùng quân cách mạng Campuchia tiến hành cuộc tiến công giải phóng trong đầu năm 1979 là con đường của những hi sinh, những tổn thất không thể nào quên.

Hồi đó, chúng tôi - những người lính tình nguyện VN - thật ngây thơ, cứ tưởng thủ đô Phnom Penh được giải phóng rồi thì cuộc chiến Tây Nam kết thúc, chúng tôi sẽ được trở về Tổ quốc tiếp tục cuộc sống hòa bình vừa được hưởng vài năm. Kết thúc cuộc chia ly màu gì cũng không biết nữa, nhưng ngày 7-1-1979 cứ trôi qua, tin mừng chiến thắng thì được nhận mà tin vui trở về thì chưa thấy đâu.

Nhiều đơn vị quân VN trên hướng tiến công phía đông bắc và bắc Campuchia còn phải tiến hành một cuộc lật cánh ngoạn mục, hành quân bằng cơ giới, thậm chí bằng cả phương tiện hàng không để giải phóng các thị xã, thị trấn ở mấy tỉnh vùng tây bắc Campuchia xa xôi.

Có đơn vị hàng nửa tháng trời vừa hành tiến vừa đánh giặc, tàn quân chặn đầu, khóa đuôi luồn chui trong dân tập kích.

Lần đầu tiên những người lính không phải biên phòng lại trở thành những người bảo vệ biên cương đất nước bạn Campuchia. Chúng tôi đi ngược với đoàn người áo đen rách rưới lầm lũi tìm lại quê nhà sau gần bốn năm xa lìa quê quán bởi cuộc đại cách mạng nông nghiệp điên cuồng của bè lũ Pol Pot - Ieng Sary.

Hơn 10 năm sau ngày 7-1-1979, những người lính tình nguyện sau cùng của quân tình nguyện VN mới bước những bước chân cuối cùng rời khỏi các cửa khẩu biên giới Campuchia - VN vào ngày 26-9-1989.

Chặng đường hơn 10 năm cùng với quân và dân Campuchia tổ chức lại cuộc sống mới trong no ấm và yên bình là chặng đường mà hàng vạn người lính tình nguyện VN đã không tiếc máu xương mình.

Những địa danh xa lạ nơi biên giới, làng thôn nước bạn cũng trở nên thân thiết với bao nhiêu gia đình VN vì những địa danh đã kịp được ghi trong thư của người lính tình nguyện VN gửi về quê nhà.

Những người lính tình nguyện, bên cạnh những người thân nơi quê xa, còn có thêm được tình cảm thân thương ấm áp của những người cha, người mẹ, người anh, người chị, người em Campuchia nơi công tác, đóng quân hay chốn dừng chân trên đường ra biên giới.

Những tình cảm ấy thật lớn lao, thật đầm ấm nên nỗi nhớ nhà, nhớ quê cũng vơi đi ít nhiều trong lòng những người lính tình nguyện VN. Tình cảm ấy thật sâu đậm và trở thành một thứ tình cảm lung linh khó phai mờ trong ký ức khi nhớ lại những tháng năm xưa.

Giờ đây, những người sống sót trở về trong cuộc tình nguyện năm nào, nay đã có điều kiện trở lại đất nước chùa tháp xinh đẹp, một lần, đôi ba lần hay nhiều lần.

Có người đã thành doanh nhân, thành nhà đầu tư, đã xây dựng được thương hiệu mạnh trên đất nước Campuchia như Phân bón Bình Điền Lê Quốc Phong, Du lịch Lửa Việt Nguyễn Văn Mỹ, Du lịch Angkor Caravan Trần Công Khanh...

Một số cựu chiến binh khác sinh sống và làm việc ở VN nhưng hằng năm vẫn tổ chức những chuyến đi trở lại chiến trường xưa, thắp hương cho đồng đội cũ và làm quen với những người chủ mới trên đất nước bị diệt chủng năm xưa giờ là Vương quốc Campuchia.

Cái thời Cộng hòa nhân dân Campuchia với lá cờ có hình biểu tượng Angkor năm tháp giờ đã thành quá khứ, thành một kỷ niệm khó phai.

Bây giờ nhìn lá cờ Vương quốc Campuchia tung bay với ba ngọn tháp Angkor màu trắng đen trên nền đỏ kẹp giữa hai viền xanh, người bình thường thấy thật bình thường, nhưng đối với những người lính đã từng là lính tình nguyện như chúng tôi là một sự phi thường.

Cái phi thường nằm trong chủ trương hòa giải hòa hợp dân tộc, và càng phi thường hơn trong sức sống và sự vươn lên mạnh mẽ của đất nước mà khi nhắc đến trong lòng người Việt có tuổi là đất nước của đau thương và căm giận.

Cái gì đã qua hãy để nó qua. Niềm vui của nhân dân bạn cũng là niềm vui của mình. Sự phát triển của đất nước bạn đôi khi trở thành niềm mong mỏi của nhân dân mình.

Kỷ niệm của chiến thắng Phnom Penh là một kỷ niệm đẹp, nhưng những người cựu lính tình nguyện không nhớ về nó như một khúc khải hoàn mà nhớ về nó với những nỗi nhớ sâu hơn, dài hơn, đằm thắm hơn và đau thương hơn về những tháng năm đắm mình trong chiến trận dẳng dai và xa cách.

Còn lại bây giờ là một niềm vui!

Câu lạc bộ Đồng đội

 “Lá rách đùm lá rách hơn” là câu nói của anh Nguyễn Văn Khánh (49 tuổi, hiện ở phường 8, quận 10, TP.HCM), thành viên của Câu lạc bộ (CLB) Đồng đội E429, khi nói về CLB của mình. 

Bởi gần 50 cựu chiến binh từng tham gia chiến trường Campuchia đã sát cánh bên nhau ngoài chiến hào, nay lại giúp đỡ nhau trong cuộc sống.

Anh Khánh nhập ngũ năm 1986 và đóng quân tại tỉnh Siem Reap. Năm 1988, anh xuất ngũ. Khi thực hiện nhiệm vụ quốc tế, các anh được dạy kỹ năng chiến đấu với kẻ thù, kỹ năng sống sót khi ở trong rừng...

Nhưng bây giờ phần lớn các anh không có nghề nghiệp ổn định nên rất vất vả kiếm sống. “Trước hai vợ chồng tôi đều đi làm công nhân, nhưng sau bà xã tôi bị tai biến nên tôi phải đi chăm bà ấy mà nghỉ việc. Tính đến nay, bà ấy đã bị tai biến ba năm rồi, trời thương cho vẫn còn nhúc nhắc đi lại được nhưng cuộc sống thì khó khăn quá” - anh Khánh kể.

Và trong cơn bĩ cực ấy, anh Khánh được đồng đội Nguyễn Mạnh Cường (hiện ở phường 4, quận 10) chỉ cho cách buôn bán kiếm tiền từ chính ngôi nhà bé xíu hơn chục mét vuông ở đầu hẻm.

“Cường chỉ cho tôi cách lấy hàng về bán tại nhà, chỉ mối buôn mà có thể nợ vốn. Vợ chồng tôi túc tắc buôn bán tại nhà, dù không thể coi là đủ ăn nhưng cũng ráng để vợ đủ tiền uống thuốc” - anh Khánh kể.

Anh Nguyễn Mạnh Cường, phó chủ nhiệm CLB Đồng đội, cũng không phải là người khá giả gì. Vợ chồng anh buôn bán ở chợ, bán gì có lãi thì chọn, khi bán quần áo, khi bán dây nịt, khi lại bán vớ...

“Tôi cũng khó khăn nhưng vợ chồng con cái tôi đều khỏe mạnh, vợ Khánh thì đau ốm, vậy nên không giúp Khánh được vật chất thì giúp Khánh cách làm. Đồng đội chúng tôi chỉ giúp nhau được như vậy thôi”.

Với mục đích như thế, CLB Đồng đội E429 gom những người cùng đơn vị đã từng tham gia chiến đấu tại Campuchia hiện đang sinh sống ở TP.HCM để hằng tháng sinh hoạt và đóng góp tự nguyện giúp đỡ những người khó khăn hơn.

“Mỗi tháng, chúng tôi có 3-4 phần quà do các đồng đội tự đóng góp để tặng cho chính đồng đội của mình. Đó chỉ là vài ký gạo, chai dầu ăn, chai nước mắm hoặc chỉ là một gói muối. Nhưng chúng tôi gặp nhau để động viên nhau vượt qua những khó khăn” - anh Cường cho biết.

Trong số những cựu chiến binh đã từng dành một phần tuổi xuân của mình phụng sự cho đất nước ấy, có nhiều người thậm chí không có nổi một mái nhà để ở, con cái không được học hành, bản thân không đọc thông viết thạo, người thân còn bị tàn tật... nên khi tham gia CLB Đồng đội là lúc họ được chia sẻ nhiều hơn những khó khăn.

“Thật sự các đồng đội khó khăn nhiều nhưng kinh phí chúng tôi hạn chế nên chỉ giúp nhau được chai dầu, chai nước mắm thôi. Còn với những đồng đội không có việc làm thì chúng tôi hỗ trợ nhau tìm việc, để các đồng đội tự vươn lên” - anh Phạm Thế Hoàng, phó chủ nhiệm CLB, nói.

Và không chỉ hỗ trợ giúp đỡ những đồng đội khó khăn còn sống, CLB Đồng đội E429 còn tham gia cải táng, tìm và đưa hài cốt các liệt sĩ về với quê hương. Cũng bằng chính đôi tay của các anh, công sức của các anh, gần 30 đồng đội là liệt sĩ đã được trở về với quê hương, cha mẹ trên khắp dải đất hình chữ S.

Và dù không tổ chức kỷ niệm ngày chiến thắng 7-1, nhưng vào những ngày kỷ niệm nhập ngũ, ngày thành lập Quân đội nhân dân VN, Ngày thương binh liệt sĩ, các anh lại có dịp tụ họp về bên nhau để cùng ôn lại những ngày tháng trong quân ngũ.

HOÀNG ĐIỆP

PHẠM SỸ SÁU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên