Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến phát biểu tại buổi họp nghe báo cáo tình hình ngập nước trên địa bàn TP chiều 28-5 - Ảnh TỰ TRUNG
Báo cáo lần này, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng - Phó giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước, không đề cập đến từ "tụ nước" như trước.
Theo đó, ông Dũng cho biết trận mưa ngày 19-5 là cơn mưa lớn nhất từ đầu năm, lưu lượng lớn nhất hơn 119mm, vượt tần suất thiết kế cống (theo quy hoạch 752) - cống lớn nhất thoát nước 95mm trong cơn mưa kéo dài 3 giờ. Trận mưa này khiến 32 tuyến đường của thành phố bị ngập (trước đó thống kê nói 10 tuyến bị ngập, 22 tuyến chỉ "tụ nước" - PV).
Cũng theo ông Dũng, hàng trăm trường hợp lấn chiếm hệ thống thoát nước, sông kênh rạch bị xâm hại, lấn chiếm nhưng tình trạng giải quyết chậm cũng là một trong vấn đề tồn tại làm tình trạng ngập nặng thêm. Trong khi đó, các tuyến kênh mương chỉ được nạo vét 2%, quá ít so với yêu cầu.
Về vấn đề lấn chiếm hệ thống thoát nước, sông rạch, cửa xả nhiều quận huyện cho rằng số liệu thống kê của Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước chưa chính xác như quận 7, quận Bình Thạnh…
Các quận huyện trên cho biết việc chậm giải quyết có những địa điểm lấn chiếm mang yếu tố lịch sử để lại, đã được cấp chủ quyền sử dụng đất, nhà… nhưng đang phối hợp các đơn vị liên quan để giải quyết dứt điểm các trường hợp này.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến phát biểu về ngập nước nói “tụ nước” nghe chuyên môn, “lạnh lùng” quá - Clip TỰ TRUNG
Tắc ở cái cống thoát nước "không biết của ai"
Tại buổi làm việc, đại diện UBND quận Phú Nhuận cho biết cơn mưa ngày 19-5, tuyến đường Phan Xích Long trước đây ít ngập giờ tiếp tục ngập và ngập nặng trong khi cao trình ở đây từ 2-2,5 mét.
Điều đáng nói là nguyên nhân gây ngập do một tuyến cống thoát nước kết nối đường Phan Xích Long "không biết đơn vị nào quản lý", chưa được nạo vét, đó là cống thoát nước trên đường số 11.
Vị đại diện trên cho hay cống thoát nước này thuộc dự án khu dân cư Miếu Nổi - Rạch Miễu chưa được chủ đầu tư bàn giao, và là tuyến cống nằm địa bàn giáp ranh quận Bình Thạnh và Phú Nhuận.
Vì vậy tuyến cống này không phải thuộc quận Phú Nhuận, Bình Thạnh hay Khu quản lý giao thông đô thị quản lý. "Hiện đã xuống cấp hư hỏng nên không đơn vị nào thực hiện cải tạo được" - đại diện UBND Q. Phú Nhuận giải bày.
Về vấn đề này, ông Dương Hồng Thắng, phó chủ tịch UBND Q. Bình Thạnh cho biết chủ đầu tư trên đã bị thu hồi dự án nên tạm thời quận Bình Thạnh sẽ dùng ngân sách quận để đầu tư cải tạo hệ thống thoát nước này trong tháng 6.
Phải cung cấp thông tin hàng tuần
Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho rằng tình trạng ngập nước tiếp tục là vấn đề bức xúc xã hội, Thành ủy, HĐND, UBND quan tâm. Nhìn nhận nguyên nhân gây ngập, ông Tuyến nói có yếu tố lịch sử nhưng cũng có yếu tố hiện tại về công tác quản lý nhà nước, quy hoạch yếu kém…
Để giải quyết căn cơ lâu dài phải cộng đồng trách nhiệm mà trước tiên là nhà nước, sau đó đến người dân.
Nói về cách thống kê, dùng từ "tụ nước" cho các tuyến đường bị ngập, ông Tuyến cho rằng trước tình trạng ngập rõ ràng, gây bức xúc cho người dân mà các đơn vị lại dùng từ "tụ nước sao nghe lạnh lùng quá!".
"Từ ngữ này chuyên môn chỉ phù hợp khi đưa vào các tiêu chí đánh giá hay đề xuất thực hiện dự án, không thể thông tin với người dân như vậy được", ông Tuyến nhấn mạnh và kết luận: mưa, triều cường gây cản trở giao thông, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân TP là ngập chứ không gọi là "tụ nước" được.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến phát biểu về chống ngập - Clip: TỰ TRUNG
Ông Tuyến cũng chỉ đạo cho Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước phải thông báo về tình hình ngập nước, tiến độ các dự án chống ngập cho báo chí hàng tuần để công khai cho người dân được biết. Trên cơ sở đó, cái gì tốt thì xã hội công nhận, còn chưa tốt bị góp ý sửa chữa cho tốt hơn.
Về tình hình lấn chiếm hệ thống thoát nước, kênh rạch tại các quận huyện, ông Tuyến yêu cầu phải quyết dứt điểm trong năm 2018, TP không chấp nhận quận huyện nại lý do này nọ để trì hoãn. Bên cạnh đó, ông Tuyến cũng đề nghị UBND quận 12 triển khai nhanh, đúng quy định 3 hồ điều tiết ngầm phục vụ chống ngập.
Việc có quá ít kênh rạch, trục thoát nước chính được nạo vét (hiện chỉ 2%), ông Tuyến đánh giá tỉ lệ trên là quá thấp.
"Việc nạo vét cho không chỉ thoát nước mà làm cảnh quan, cải thiện môi trường, các Sở ngành bàn nâng tỷ lệ nạo vét kênh rạch lên khoảng 20%. Vấn đề này liên quan đến tiền, mình không chủ quan, ảo tưởng nhưng đây là việc cấp bách phải làm" - ông Tuyến kết luận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận