19/10/2015 09:04 GMT+7

Ngành y tế còn khó khăn lắm

LAN ANH thực hiện
LAN ANH thực hiện

TT - Đó là ý kiến của ông Nguyễn Nam Liên - vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) xung quanh vấn đề nhu cầu đầu tư cho các bệnh viện cũng như cơ sở y tế trong cả nước.

Ông Nguyễn Nam Liên - Ảnh: Việt Dũng
Ông Nguyễn Nam Liên - Ảnh: Việt Dũng

 Ông Liên nói:

- Nhu cầu đầu tư cho y tế trong thời gian 2016 - 2020 là rất lớn. Theo các nghị quyết của Quốc hội, đến năm 2020 phải hoàn thành việc đầu tư các trạm y tế xã vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, đồng thời phải có 70% trạm y tế xã phường đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã, 90% trạm y tế đủ điều kiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Thời gian qua, Nhà nước đã ưu tiên đầu tư cho các bệnh viện huyện, một số bệnh viện tỉnh, trung ương từ nguồn trái phiếu Chính phủ, ODA nhưng hiện vẫn còn khoảng 30 bệnh viện tuyến huyện, chủ yếu các huyện miền núi, huyện khó khăn. Ngoài ra còn có khoảng 20 bệnh viện đa khoa tỉnh, 58 bệnh viện y học cổ truyền cần đầu tư theo nhưng chưa có nguồn.

Ở các bệnh viện tuyến trung ương và tuyến cuối, ngoài năm bệnh viện hiện đại đang được đầu tư thì vẫn còn một số bệnh viện phải tiếp tục đầu tư xây dựng mới, nâng cấp để giảm bớt tình trạng quá tải.

Chẳng hạn như nhu cầu cấp thiết là xây dựng khoa khám bệnh và khu điều trị ban ngày tại các bệnh viện Bạch Mai, E, Hữu Nghị (Hà Nội) và Chợ Rẫy (TP.HCM).

Chưa kể hệ thống y tế còn thiếu nhiều bệnh viện chuyên khoa, miền Nam chưa có Bệnh viện Nội tiết, khu vực ĐBSCL cần Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình... Nói về nhu cầu thì ngành y tế vẫn còn nhiều ngổn ngang lắm.

* Thưa ông, dư luận đang rất xôn xao về quyết định sẽ bán vốn nhà nước ở 10 công ty hàng đầu để đầu tư cho nhiều hạng mục, trong đó có đầu tư xây dựng bệnh viện. Nếu ngành y tế được đầu tư từ nguồn vốn này, liệu y tế dự phòng có được đầu tư mạnh?

- Nếu ngành y tế được Chính phủ tiếp tục quan tâm đầu tư từ nguồn vốn này thì quá tốt. Tôi cho rằng không những phải chú trọng đầu tư xây dựng bệnh viện để giảm quá tải, việc hết sức cần thiết là phải tăng cường đầu tư cho y tế dự phòng, y tế cơ sở. Đây là một trong những giải pháp căn cơ, lâu dài để giảm quá tải, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

* Có một vấn đề là thời gian vừa qua các dự án của y tế đều dành phần đáng kể cho điều trị, nhưng dự phòng lại chưa nhiều...

- Rõ ràng đầu tư cho y tế dự phòng là lợi ích rất lớn, đầu tư 1 đồng cho y tế dự phòng tương đương 5 - 7 đồng đầu tư cho điều trị. Nhưng thời gian vừa qua phải tập trung đầu tư cho điều trị vì số lượng giường bệnh của nước ta còn thấp, tình trạng quá tải bệnh viện tuyến trên và thành phố lớn còn cao.

Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu dành 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng, nhưng đa số địa phương chưa đạt mức chi này. Việc phân bổ ngân sách y tế của các địa phương do HĐND các tỉnh quyết định, nên Bộ Y tế cũng rất mong muốn HĐND các tỉnh thành quan tâm dành phần xứng đáng tối thiểu 30% cho y tế dự phòng cũng như ưu tiên nguồn lực đầu tư cho y tế cơ sở.

* Đầu tư cho y tế từ ngân sách không ngừng tăng trong năm năm qua, nhưng so với nhu cầu thì khả năng cung cấp dịch vụ y tế vẫn còn rất thấp, rất hạn chế, dẫn đến chất lượng dịch vụ cũng hạn chế. Nguồn vốn ở đâu để giải quyết tình trạng cung cầu bất hợp lý này?

- Có một số dự án đầu tư theo hình thức vốn ngân sách nhà nước 30%, vốn vay Ngân hàng Phát triển VN 70%. Bệnh viện có trách nhiệm trả vốn và lãi cho ngân hàng.

Nếu không có hình thức đầu tư này và nguồn vốn vay ngân hàng thì đến nay không thể hoàn thành Bệnh viện Nội tiết T.Ư 500 giường, Viện Huyết học - truyền máu T.Ư 300 giường, Bệnh viện Răng hàm mặt TP.HCM, khu nhà kỹ thuật cao Bệnh viện Việt Đức 400 giường, Bệnh viện Tai mũi họng T.Ư 300 giường, khu điều trị theo yêu cầu và quốc tế của Bệnh viện T.Ư Huế 300 giường, sắp tới sẽ hoàn thành một tòa nhà 300 giường của Bệnh viện Phụ sản T.Ư...

Trên cơ sở hiệu quả việc vay vốn đầu tư, thực hiện nghị quyết của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách phát triển y tế, vừa qua Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) có công bố những gói vốn tín dụng ưu đãi dành cho y tế.

Trong điều kiện ngân sách khó khăn cùng với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế thì việc vay vốn ngân hàng để đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị là một giải pháp có thể thực hiện được.

Tôi được biết UBND tỉnh Kiên Giang đã có kế hoạch vay vốn của ngân hàng để xây dựng bệnh viện đa khoa tỉnh và tỉnh sẽ bố trí kinh phí hằng năm để trả. Nên tôi rất hi vọng các bệnh viện sẽ có đề án vay vốn ngân hàng để tăng số bệnh viện và giường bệnh.

* Cùng lúc có nhiều loại hình như Nhà nước đầu tư, vay vốn ngân hàng, tư nhân đặt máy... trong cùng cơ sở y tế công, theo ông, có nảy sinh những bất hợp lý về quyền lợi? Sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào để hài hòa lợi ích các bên bệnh viện, bệnh nhân, nhà đầu tư? Giá dịch vụ y tế sẽ tính toán như thế nào?

- Nhu cầu thì lớn nhưng Nhà nước không thể lo hết được nên việc xã hội hóa, huy động các nguồn vốn là tất yếu. Để giải quyết các vấn đề bất hợp lý thì đề án của từng cơ sở y tế phải hết sức cụ thể, được cơ quan có thẩm quyền duyệt, chọn cơ chế, phương thức quản lý phù hợp tại các cơ sở liên kết liên doanh, xã hội hóa hoặc vay vốn đầu tư.

Đặc biệt giá cả, thu chi tài chính, hạch toán phải công khai, rõ ràng. Nếu hoạt động theo mô hình là đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên và đầu tư thì giá được tính đúng, tính đủ nhưng phải nằm trong khung giá do liên bộ Y tế - Tài chính ban hành. Nếu hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp, bệnh viện được tự quyết định giá và phải kê khai, niêm yết giá theo quy định của pháp luật về giá.

Y tế là ngành đặc thù, tôi thấy nếu bệnh viện không mạnh dạn vay vốn thì có thể hợp tác đầu tư theo phương thức nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, bệnh viện thuê lại để vận hành, hằng tháng hoặc quý, năm trả tiền cho nhà đầu tư theo thỏa thuận trong hợp đồng.

Nhưng ở hình thức nào tôi cũng cho rằng người bệnh vẫn được lợi, như thời gian qua nhờ hệ thống thiết bị y tế có được do xã hội hóa, nhiều dịch vụ chẩn đoán, xét nghiệm... đã tiếp cận công nghệ của thế giới. Qua đó người bệnh, kể cả người nghèo, được nhận dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại VN, trong đó phần nào bảo hiểm y tế chi trả thì bảo hiểm thanh toán, còn phần chênh lệch do người bệnh chi trả.

“Nhu cầu đầu tư các bệnh viện ở nước ta còn rất lớn. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh thì tỉ lệ giường bệnh phải đạt 39 giường/vạn dân, VN mới đạt hơn 24 giường/vạn dân. Nếu đặt mục tiêu đạt 30 giường/vạn dân (bằng 3/4 mức khuyến cáo), VN cần có thêm 60 bệnh viện loại 1.000 giường nữa

Ông NGUYỄN NAM LIÊN

LAN ANH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên