19/07/2021 09:19 GMT+7

Ngành điện TP.HCM sẽ sớm hoàn thành chuyển đổi số

HƯƠNG THẢO
HƯƠNG THẢO

TTO - Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) định hướng đến hết năm 2022 cơ bản hoàn thành quá trình chuyển đổi số và vận hành theo mô hình doanh nghiệp số.

Ngành điện TP.HCM sẽ sớm hoàn thành chuyển đổi số - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Thanh - tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM (hàng trước, bên trái): Việc lựa chọn đơn vị chuyên nghiệp để tư vấn đã thể hiện quyết tâm chuyển đổi số mạnh mẽ của tổng công ty

Chúng tôi tự tin đến năm 2022 sẽ cơ bản hoàn thành quá trình chuyển đổi số, và đến năm 2025 sẽ trở thành doanh nghiệp số toàn diện.

Ông Nguyễn Văn Thanh

Qua đánh giá sơ bộ 6 tháng đầu năm 2021, ngành điện TP.HCM đã đạt được nhiều kết quả căn bản và tự tin sẽ sớm hoàn thành mục tiêu đề ra.

Nhiều lợi thế nhờ chủ động áp dụng công nghệ thông tin

Theo ông Nguyễn Văn Thanh - tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM, việc chuyển đổi số của EVNHCMC có những thuận lợi nhất định nhờ có đội ngũ cán bộ kỹ thuật và công nghệ thông tin giỏi, được đào tạo bài bản, làm chủ các công nghệ tiên tiến. 

Mặt khác, tổng công ty có lợi thế từ quá trình nhiều năm chủ động ứng dụng công nghệ thông tin vào hầu hết các hoạt động. Đó là những thuận lợi không nhỏ khi EVNHCMC triển khai quá trình chuyển đổi số.

Cụ thể, công tác số hóa đã được thực hiện từ trước năm 2000 trong một số lĩnh vực hoạt động của tổng công ty. Trong công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng, EVNHCMC đã ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý thông tin khách hàng, quản lý chỉ số điện và hóa đơn tiền điện thông qua các phần mềm. 

Từ thời điểm đó, dữ liệu thông tin khách hàng bắt đầu được quản lý một cách có hệ thống, từng bước làm thay đổi phương thức kinh doanh điện.

Điển hình là việc kết nối với các ngân hàng để thiết lập hệ thống thu hộ tiền điện. Đây được xem là ứng dụng số hóa đầu tiên, làm thay đổi hình thức giao dịch của khách hàng với ngành điện - khách hàng có thể thanh toán tiền điện tại tất cả các điểm giao dịch của điện lực và của ngân hàng đối tác mà không phụ thuộc vào địa bàn sử dụng điện.

Cơ sở dữ liệu về khách hàng đầy đủ và mạng lưới công nghệ thông tin kết nối hoàn chỉnh là lý do EVNHCMC được chọn thí điểm áp dụng hóa đơn điện tử cho toàn bộ hơn 2 triệu khách hàng và thực hiện thành công từ năm 2013. Đây cũng là nền tảng ban đầu để tổng công ty triển khai các dịch vụ khách hàng trực tuyến sau này.

Đối với công tác quản lý kỹ thuật, từ năm 2010 EVNHCMC đã phát triển các phần mềm quản lý tập trung như quản lý vật tư thiết bị điện trên lưới, quản lý mất điện, quản lý vận hành, từng bước xây dựng được hệ thống dữ liệu hoàn chỉnh về lưới điện thành phố, cơ sở cho việc đầu tư hiện đại hóa hệ thống điện, xây dựng các quy trình quản lý vận hành tiên tiến.

Đến thời điểm hiện tại, tổng công ty đã số hóa toàn bộ công tác quản lý kỹ thuật: quản lý vận hành toàn bộ lưới điện của thành phố bao gồm 29.000 trạm biến áp phân phối, thực hiện nhật ký vận hành điện tử với các phần mềm quản lý mất điện, giám sát sửa chữa điện, giám sát an toàn trực tuyến. 

Việc số hóa lưới điện trên nền bản đồ GIS còn được kết nối, phục vụ xây dựng Trung tâm điều hành đô thị của TP.HCM cũng như khai thác dữ liệu không gian dùng chung của thành phố .

Tổng công ty cũng sớm áp dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực quản trị khác, các phần mềm quản lý nhân sự, tiền lương, quản lý tài chính, kế toán, quản lý vật tư, tài sản. Việc ứng dụng hệ thống quản lý văn thư điện tử E-office là tiền đề thuận lợi để xây dựng văn phòng số hiện nay.

Ngành điện TP.HCM sẽ sớm hoàn thành chuyển đổi số - Ảnh 3.

Đầu tư công nghệ hiện đại để điều khiển từ xa toàn bộ các trạm 110kV trên địa bàn TP.HCM là chương trình trọng điểm được EVNHCMC hoàn thành trong 2 năm 2017 - 2018

Giảm thời gian mất điện xuống thấp hơn hàng chục lần so với năm 2010

Từ việc thành lập Trung tâm điều khiển từ xa lưới điện đầu tiên của cả nước vào năm 2017, EVNHCMC nhanh chóng chuyển đổi sang điều khiển từ xa và vận hành không người trực 100% trạm biến áp 110kV.

100% lưới trung thế được điều khiển từ xa, trong đó 50% được vận hành tự động hoàn toàn. Tỉ lệ thao tác từ xa lưới điện thành công đạt trên 99%, chuyển tải sự cố dưới 5 phút đạt trên 81%.

Nhờ đó, trong 6 tháng đầu năm 2021, số lần mất điện bình quân 1 khách hàng trên địa bàn TP.HCM là 0,24 lần, tương ứng 16,44 phút/khách hàng, tốt hơn gần 30% so với cùng kỳ năm 2020 và tốt hơn hàng chục lần so với năm 2010.

Ông Nguyễn Văn Thanh cho biết: "Chúng tôi đã có những thay đổi căn bản về mô hình quản trị và phương thức vận hành doanh nghiệp: chuyển từ quản lý bằng hồ sơ giấy sang quản lý dữ liệu điện tử, thay đổi phương thức vận hành hệ thống điện từ thủ công sang tự động hóa và điều khiển từ xa, thay thế hình thức giao dịch trực tiếp với khách hàng bằng hình thức giao dịch trực tuyến".

Tổng công ty Điện lực TP.HCM đã chuyển quản lý hồ sơ, hợp đồng cung cấp dịch vụ điện cho khách hàng sang hình thức điện tử, triển khai giao dịch điện tử cho 19/19 dịch vụ về điện. Đồng thời, EVNHCMC kết nối cung cấp dịch vụ điện trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng hành chính công của TP.HCM, tạo nhiều kênh giao dịch trực tuyến như website, ứng dụng trên thiết bị di động (app), trang EVNHCMC trên Zalo…

Website và ứng dụng (app) Chăm sóc khách hàng (CSKH) đã kết nối và khai thác hiệu quả dữ liệu từ hệ thống đo xa để cung cấp thông tin tiêu thụ điện hằng ngày cho khách hàng. Hiện trên 1 triệu khách hàng (41% toàn địa bàn TP.HCM) đã cài đặt ứng dụng (app) CSKH của EVNHCMC. Từ đây, khách hàng có thể theo dõi lượng điện năng tiêu thụ hằng ngày và tương tác với ngành điện một cách dễ dàng.

Tự tin hoàn thành sớm quá trình chuyển đổi số

EVNHCMC đang hợp tác với 23 ngân hàng và 11 đối tác thu hộ tiền điện, tạo được mạng lưới các kênh thanh toán trực tuyến, giúp khách hàng thực hiện thanh toán tiền điện mọi lúc, mọi nơi. Nhờ đó, tỉ lệ thanh toán tiền điện bằng các hình thức điện tử, không dùng tiền mặt đã đạt trên 99% cả về số khách hàng và giá trị thanh toán.

Hiện nay, tổng công ty đang sử dụng trí tuệ nhân tạo (Al) để từng bước hoàn thiện chatbot (trả lời tự động) trên website CSKH nhằm tự động hóa và tối ưu các dịch vụ khách hàng.

Bên cạnh đó, Tổng công ty Điện lực TP.HCM cũng đã hoàn tất chuyển đổi số trong công tác quản lý điều hành với mô hình văn phòng số. 100% các văn bản điều hành trong nội bộ được thực hiện bằng hình thức điện tử và áp dụng chữ ký số. 

Toàn bộ các quy trình nghiệp vụ sản xuất kinh doanh chính đã được số hóa và quản lý bằng các phần mềm dùng chung. 100% số liệu về kinh doanh, kỹ thuật, tài chính, nhân sự, đầu tư xây dựng… được thể hiện trên các dashboard điều hành theo thời gian thực. Các cấp quản lý sẽ theo dõi được tiến trình xử lý công việc ngoài hiện trường nhờ các ứng dụng trên thiết bị di động của công nhân.

Vừa qua, EVNHCMC đã hoàn tất và đưa vào vận hành Data center có tiêu chuẩn kỹ thuật hiện đại hàng đầu hiện nay, làm nền tảng cho việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (Al) và dữ liệu lớn (Big Data) - điều kiện quyết định để tiến tới quá trình chuyển đổi số toàn diện của tổng công ty.

"Chúng tôi đang có đủ những nhân tố cơ bản để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Đó là tư duy chuyển đổi số và quyết tâm mạnh mẽ của ban lãnh đạo; khả năng tiếp thu, làm chủ công nghệ của đội ngũ kỹ sư, chuyên gia giỏi cùng sự lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo, ý thức phục vụ khách hàng đến từng cán bộ công nhân viên" - ông Nguyễn Văn Thanh chia sẻ.

'Mở kho' sớm cho ngành điện, nước... kết nối

TTO - Dù Luật cư trú 2020 quy định không cấp mới sổ hộ khẩu, sổ tạm trú cho người dân từ ngày 1-7 tới, những thủ tục giao dịch của các ngành điện, nước, nhà đất, y tế... chưa hứa hẹn gì thay đổi, vẫn đòi người dân phải trưng ra hộ khẩu, sổ tạm trú.

HƯƠNG THẢO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên