21/01/2021 08:00 GMT+7

Ngành Điện Việt Nam: Sứ mệnh phát triển và tín hiệu chiến lược từ cổ phần hóa GENCO 2

T.D.V
T.D.V

Thành công của công cuộc đổi mới của Việt Nam trong 35 năm qua gắn liền với những bước phát triển, có thể nói là thần kỳ, của ngành điện.

Thế giới bắt đầu nhìn đến ngành điện Việt Nam để rút ra những bài học quí, không chỉ trong thành quả đạt được mà cả vai trò nền tảng mà ngành điện giúp đất nước tiến những bước vượt bậc trong hội nhập quốc tế, nắm bắt cuộc cách mạng số, tăng trưởng, và xóa đói giảm nghèo.

Ngành Điện Việt Nam: Sứ mệnh phát triển và tín hiệu chiến lược từ cổ phần hóa GENCO 2 - Ảnh 1.

Về thành quả, ngành điện Việt Nam kể từ năm 1986, đạt nhịp độ phát triển nhanh hàng đầu thế giới với nhịp độ sản xuất và tiêu thụ điện tăng bình quân 10-12%, ngang bằng với mức Hàn Quốc đạt được trong giai đoạn phát triển thần kỳ của họ. Chính nhờ đó, Việt Nam từ một mức độ phát triển rất thấp kém đã nhanh chóng vượt qua nhiều nước trong khu vực về năng lực sản xuất và hiệu quả quản lý của ngành điện. Một ví dụ cụ thể là vào năm 1986, mức tiêu thụ điện bình quân đầu người của Việt Nam chỉ là 68 kwh, thấp hơn 4,7 lần so với Philippines và 6,4 lần so với Thái Lan thì vào năm 2018, chỉ số này của Việt Nam đạt xấp xỉ 2,300 kwh, cao gấp gần ba lần so với Philippines và bằng 85% so với Thái Lan. Thành tựu của ngành điện không chỉ dừng ở tăng trưởng mà cả ở chất lượng quản lý. Trong bức tranh toàn cầu của các nước đang phát triển, ngành điện Việt Nam có những tiến bộ đặc sắc trên các chỉ số về độ tin cậy cung cấp điện và quản lý thất thoát trong truyền tải và phân phối. Đặc biệt, thành công đặc sắc của Việt Nam trong việc đưa điện đến nông thôn đã được Ngân Hàng Thế giới viết thành báo cáo nghiêm cứu và phổ biến cho các nước về những bài học giá trị từ nỗ lực rất ý nghĩa này. Thêm nữa, ngành điện Việt Nam cũng đóng vai trò tiên phong trong cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam trong năm năm qua. Trong xếp hạng "Môi trường Kinh doanh" toàn cầu của Ngân hàng Thế giới năm 2020, Việt Nam đứng thứ 27 về chỉ số tiếp cận điện năng, cao hơn nhiều so với thứ hạng 70 về chỉ số tổng thể.

Ngành Điện Việt Nam: Sứ mệnh phát triển và tín hiệu chiến lược từ cổ phần hóa GENCO 2 - Ảnh 2.

Kinh nghiệm phát triển của thế giới, đặc biệt là của các nền kinh tế thần kỳ, cho thấy tầm quan trọng có tính tiên phong của ngành điện trong kiến tạo nền tảng quốc gia cho nỗ lực hiện đại hóa và nắm bắt các xu thế thời đại. Bởi vậy, với tầm nhìn đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2045 khi đất nước kỷ niệm 100 năm độc lập được thông qua tại Đại Hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, ngành điện Việt Nam có một sứ mệnh hết sức đặc biệt. Nó không chỉ đóng vai trò kiến tạo mà còn là mũi nhọn tiên phong trong nỗ lực cải cách và khai thác sức mạnh tổng hợp của xu thế thời đại, đặc biệt cuộc cách mạng số, toàn cầu hỏa, và phát triển bền vững.

Để làm tròn sứ mệnh này, cổ phần hóa các công ty phát điện của tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) là những bước đi cấp bách và chiến lược trong nỗ lực hiện đại hóa quản lý và nâng cao mạnh mẽ sức cạnh tranh và phát triển của ngành điện.

Ngành Điện Việt Nam: Sứ mệnh phát triển và tín hiệu chiến lược từ cổ phần hóa GENCO 2 - Ảnh 3.

Chương trình cổ phần hóa Tổng công ty Phát điện 2 (EVNGENCO 2) - công ty TNHH Một thành viên do EVN sở hữu 100% vốn điều lệ, do vậy, không chỉ cho thấy những tín hiệu quan trọng về nỗ lực cải cách có tính sứ mệnh của ngành điện mà cả những cơ hội đầu tư đáng giá. Với các nhà đầu tư chiến lược, EVNGENCO 2 là cơ hội quí trên ba phương diện then chốt.

Thứ nhất, EVNGENCO 2 đang là một công ty có vị thế quan trọng trong ngành điện, hiệu quả sản xuất kinh doanh tốt, tài chính lành mạnh, và đội ngũ cán bộ công nhân viên có chất lượng. Cụ thể, tính đến cuối năm 2020, EVNGENCO 2 có tổng công suất phát điện 4.461 MW, chiếm 6,4% công suất toàn hệ thống và 15,1% tổng công suất của EVN. Về hiệu quả sản xuất kinh doanh, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu ở mức xấp xỉ 10% trong các năm 2018 và 2019, là mức cao so với hiệu quả đầu tư trong lĩnh vực tiện ích. Về tài chính, vốn chủ sở hữu chiếm trên 1/3 tổng tài sản là mức cấu trúc lành mạnh trong lĩnh vực công nghiệp tiện ích. Về lực lượng lao động, mặc dù có qui mô SX-KD lớn, EVNGENCO 2 có đội ngũ cán bộ công nhân viên tinh gon với 855 lao động, trong đó gần 2/3 có trình độ đại học và trên đại học.

Ngành Điện Việt Nam: Sứ mệnh phát triển và tín hiệu chiến lược từ cổ phần hóa GENCO 2 - Ảnh 4.

Thứ hai, EVNGENCO 2 có tiềm năng lớn trong tăng trưởng phát triển và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Do ứng dụng rộng khắp và ngày càng tăng nhanh của công nghệ số và sự chuyển đổi sang các phương tiện vận tải dùng động cơ điện, nhu cầu điện của Việt Nam sẽ có thể tăng nhanh hơn cả thời kỳ cất cánh của Hàn Quốc. Nghĩa là, ngành điện Việt Nam dự kiến sẽ phải duy trì nhịp độ tăng trưởng công suất phát điện ở mức tối thiểu là 10-12% trong vòng 10-20 năm tới. Với một danh mục các nhà máy phát điện đa dạng về nguồn và đóng trên các địa bàn chiến lược khắp đất nước, EVNGENCO 2 do vậy sẽ đạt mức độ tăng trưởng rất cao trong thời gian tới. Bên cạnh đó, với nỗ lực nắm bắt chuyển đổi số và công nghệ mới, EVNGENCO 2 có khả năng đạt tiến bộ lớn về hiệu quả sản xuất trong 3-5 năm tới, đặc biệt trong việc nâng hiệu quả hoạt động và giảm rõ rệt ô nhiễm của các nhà máy nhiệt điện chạy than hiện chiếm 50,7% tổng công suất phát điện. Bên cạnh đó, EVNGENCO 2 cũng tích cực đầu tư vào các dự án năng lượng sạch trên khắp cả nước. Ngoài các dự án với quy mô 50MWp mới hoàn thành, hiện EVNGENCO 2 đang xin chủ trương đầu tư thêm 9 dự án điện mới và năng lượng tái tạo với tổng công suất 2.680 MW. Nghĩa là, nâng cao rõ rệt hiệu quả hoạt động của các nhà máy hiện tại và đầu tư mạnh mẽ vào năng lượng xanh sẽ là những hướng đi chiến lược của EVNGENCO 2 trong thời gian tới.

Ngành Điện Việt Nam: Sứ mệnh phát triển và tín hiệu chiến lược từ cổ phần hóa GENCO 2 - Ảnh 5.

Thứ ba, đầu tư vào EVNGENCO 2 sẽ hưởng lợi lớn không chỉ từ tiến bộ tự thân của EVNGENCO 2. Nó còn được nhân lên nhờ sự cộng hưởng với những bước tiến mạnh mẽ của Việt Nam trên hành trình đi đến phồn vinh trong 25 năm phía trước, trong đó ngành điện Việt Nam nói chung và GENCO 2 nói riêng sẽ có những đóng góp quan trọng./.

PGS TS. Vũ Minh Khương, ĐHQG Singapore

T.D.V
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên