22/01/2024 10:37 GMT+7

Ngành công nghiệp đạo lý gây tổn hại và sợ hãi

Tác giả Lê Bích nói ngày nay quá nhiều người thích nói đạo lý, có hẳn một ngành công nghiệp dạy cách sống và cả công nghiệp chữa lành đang phát triển, làm giàu cho một số người và tổn hại cho vô số người khác.

Tác giả Lê Bích cho biết ngành công nghiệp đạo lý đang xuất hiện - Ảnh: NHÃ NAM

Tác giả Lê Bích cho biết ngành công nghiệp đạo lý đang xuất hiện - Ảnh: NHÃ NAM

Tác giả Lê Bích vừa ra mắt cuốn sách tranh có tựa Người nói đạo lý thường khá giả (Nhã Nam, NXB Hà Nội).

Cuốn sách kể về một ông chồng công sở nghèo, bị vợ dằn hắt, trải qua những cuộc phiêu lưu vào thế giới cổ tích rồi trở về mở... học viện đạo lý kiếm bộn tiền.

Sau sáu năm, Lê Bích - tác giả từng là hiện tượng xuất bản khi được các bạn trẻ yêu thích và trích dẫn khắp nơi - trở lại với một cuốn sách với nhiều quan sát xã hội, thời đại hơn nhưng vẫn bằng giọng hài hước quen thuộc của anh.

"Ngành công nghiệp" đạo lý

Lê Bích cho biết tám năm sau cuốn Dịch từ tiếng yêu sang tiếng Việt, anh có sở thích mới là quan tâm đến những vấn đề xã hội hơn.

Anh đi học vài khóa học về xã hội, tổ chức vài đơn vị hoạt động xã hội, làm trí tuệ nhân tạo... Anh không nghĩ rằng mình sẽ quay lại làm nội dung, viết sách nữa.

Nhưng rồi gần đây anh gặp lại những người bạn trước đây học Bách khoa, làm kỹ thuật ở một tập đoàn nào đó, bỗng thành một thạc sĩ về dạy đời, dạy người khác cách sống, mở học viện nói đạo lý, tuyên bố mình là "người cho đi", cho mọi người bài học đời sống của mình và thu tiền.

Anh cảm thấy rất choáng váng. Nhìn ra xung quanh thấy bạn bè khắp nơi đều đọc Muôn kiếp nhân sinh hay nói về duyên kiếp và thích lôi các bài học đạo đức xưa ra để kể lại.

Anh nhìn thấy sau ngành công nghiệp dạy kiếm tiền nhanh, kiếm tiền từ hai bàn tay trắng thì ngành công nghiệp dạy đời, công nghiệp đạo lý, công nghiệp chữa lành đang xuất hiện.

Không phủ nhận hoàn toàn cái gọi là ngành dạy đời, chữa lành nhưng tác giả Lê Bích nhận thấy nó đang bị một số người lạm dụng để kiếm tiền.

"Một khóa học chữa lành tầm 80 triệu đồng, thậm chí 200 triệu đồng thì người tổn thương đi chữa lành kia lại thêm tổn thương cả tài chính. Một trào lưu trở thành độc hại khi một số người lạm dụng người khác để kiếm bộn tiền", Lê Bích nói với Tuổi Trẻ.

Một khóa học chữa lành tầm 80 triệu đồng, thậm chí 200 triệu đồng thì người tổn thương đi chữa lành kia lại thêm tổn thương cả tài chính. Một trào lưu trở thành độc hại khi một số người lạm dụng người khác để kiếm bộn tiền.
LÊ BÍCH
Cuốn sách Người nói đạo lý thường khá giả của Lê Bích - Ảnh: T.ĐIỂU

Cuốn sách Người nói đạo lý thường khá giả của Lê Bích - Ảnh: T.ĐIỂU

Sợ hãi khi đi bán "đạo lý"

Nhà văn Trang Hạ rất đồng tình với Lê Bích rằng có một ngành công nghiệp dạy đời, nói đạo lý phát triển khá sôi động.

Chị chia sẻ với tư cách một "người trong cuộc", người bán những viết lách của mình cho những người muốn nhờ vào những viết lách mua được đó để trở thành diễn giả và rồi tham gia vào công nghiệp đạo lý thu lợi.

Chị cho biết khách hàng mua nội dung từ chị (những bài đăng trên mạng xã hội, bài phát biểu, thậm chí là những cuốn sách) có thể là diva, vợ ca sĩ, chồng hoa hậu, đại gia, chính khách...

Nhờ những nội dung này mà họ được đám đông công chúng khen ngợi thông minh, xây dựng được thương hiệu cá nhân.

Công việc bán nội dung của chị đang thuận lợi thì gần đây chị đã từ chối gần 10 diễn giả khá nổi tiếng ở Việt Nam, những người kinh doanh hàng đầu về marketing, mở học viện cho những start-up, những người làm về hạnh phúc, hôn nhân gia đình.

Bước ngoặt này đến với chị vì một lần chị cảm thấy sợ hãi. Đó là lần chị cắt tóc hỏng nhưng hôm sau có một bạn cắt nguyên cái đầu hỏng đó và gửi hình ảnh cho chị, kèm lời nhắn: "Chị ơi em rất thích kiểu tóc này của chị nên em cắt đúng kiểu như vậy".

Chị cảm thấy có lỗi, bắt đầu tự phản biện bản thân, cố gắng không trở thành người chỉ nói đạo lý, còn trong hành vi của mình lại khác. Chị không muốn góp sức tạo ra những diễn giả của công nghiệp dạy đời đang phát triển hiện nay.

TS Trịnh Thục Hiền: Nữ quyền không bảo vệ người phụ nữ một cách thiên kiếnTS Trịnh Thục Hiền: Nữ quyền không bảo vệ người phụ nữ một cách thiên kiến

TS Trịnh Thục Hiền vừa công bố quyển sách Hướng đến bản án nữ quyền Việt Nam do chị làm chủ biên. Nhân dịp nghiên cứu này vừa ra mắt, chị chia sẻ với Tuổi Trẻ một số góc nhìn về quyền và lợi ích của người phụ nữ Việt Nam hiện nay.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên