Sông Krông Nô đoạn qua xã Đức Xuyên, Krông Nô bị sạt lở nặng nhìn tư Flycam - Video: AN TÂM
Tại hội thảo thực trạng và giải pháp chống sạt lở sông Krông Nô do UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức, nhiều chuyên gia và chính quyền địa phương khẳng định Sông Cha quằn quại vì khai thác cát.
Theo các chuyên gia, tình trạng khai thác cát là nguyên nhân chính gây sạt lở sông Cha, cần có các giải pháp căn cơ để khắc phục.
Nhiều kilomet bờ sông Cha với hàng trăm hecta hoa màu đã bị nuốt chửng - Ảnh: TRUNG TÂN
Ông Vũ Xuân Thành - phó tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn - nhận định có nhiều nguyên nhân gây sạt lở, trong đó người dân thường đổ lỗi cho thủy điện nhưng rõ ràng đó chỉ là một phần.
Nguyên nhân gây sạt lở sông là do mất cân bằng cát ở lòng sông, bờ sông bởi nạn khai thác cát quá mức, không đúng quy định.
"Khi các tàu hút cát tạo một cái lỗ to ở giữa lòng sông hoặc gần bờ thì sông sẽ tự cân bằng cát lại, điều đó khiến bờ sông sẽ bị hổng chân, gây sạt lở. Đặc biệt khi có các con tàu chạy qua tạo sóng hoặc do thủy điện tắt-mở", ông Thành phân tích.
Người dân huyện Krông Nô khai thác dây khoai non chạy sạt lở - Ảnh: TRUNG TÂN
Ông Trần Đăng Ánh - phó chủ tịch UBND huyện Krông Nô, khẳng định việc khai thác cát là nguyên nhân chính dẫn tới sạt lở bờ sông, trong đó cấp phép khai thác cát quá nhiều với mật độ quá dày trên sông Krông Nô của hai tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông là bất cập rõ ràng.
Về giải pháp, theo ông Trương Thanh Tùng - phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, nhiều năm qua Công ty thủy điện Buôn Kuốp cũng phối hợp chính quyền đến bù, thu hồi đất người dân ven bờ để tạo hành lang. Bên cạnh đó, công ty này cũng hỗ trợ nhiều tỉ đồng để làm kè đá, rọ đã ngăn sạt lở thêm ở những điểm xung yếu, sạt nặng...
Sông Krông Nô phía bờ xã Ea Rbin, huyện Lắk, Đắk Lắk cũng sạt lở nghiêm trọng - Ảnh: TRUNG TÂN
Tại hội thảo này, TS Ngô Thị Bích Đào - CEO Công ty tư vấn LAPAT quốc tế, đưa ra giải pháp được nhiều sự đồng thuận của các đại biểu, đặc biệt lãnh đạo hai địa phương.
Theo bà Đào, giải pháp chống sạt lở của bà là xây dựng các kè mềm sinh thái dọc hai bờ sông. Theo đó, ở lớp ngoài cùng so với lòng sông sẽ có lớp cọc tre chắn, bên dưới có lớp bạt để đổ cát, đất lên để trồng các cây bần, đước…
Ở lớp thứ 2 sẽ tạo bờ vai bằng nhưng ô vuông rồi trồng cây, phù hợp với thổ nhưỡng địa phương để giữ bờ. Bên trong cùng sẽ có một lớp ‘rừng phòng hộ’ bằng phi lao, bạch đàn để bảo vệ bờ sông, trong diện tích rừng phòng hộ này, người dân vẫn có thể canh tác một số cây ngắn ngày, cây ăn trái…
Nói về vấn đề này, ông Y Giang Gry Niê Knơng - phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết thống nhất cao với giải pháp kè mềm sinh thái vì dễ làm, bền vững và thân thiện với tự nhiên. Tuy nhiên, để tạo "rừng phòng hộ" dọc bờ sông thì hai địa phương cần tính toán lại nguồn lực để thực hiện vì liên quan đến việc thu hồi đất, cấp đất tái định canh...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận