13/04/2007 04:12 GMT+7

Sêrêpôk - dòng sông chảy ngược (kỳ 1): Nơi khai sinh Sêrêpôk

PHI LONG
PHI LONG

TT - Không theo qui luật từ cội nguồn xuôi dòng đổ ra biển lớn như các dòng sông khác, dòng sông Sêrêpôk của vùng Tây nguyên lại chảy ngược lên hướng thượng nguồn và sang đất Campuchia. Một chuyến đi khám phá không chỉ những điều kỳ thú của thiên nhiên mà cả công sức của bàn tay con người ghi dấu trên dòng sông huyền thoại.

iYwwguSW.jpgPhóng to
TT - Không theo qui luật từ cội nguồn xuôi dòng đổ ra biển lớn như các dòng sông khác, dòng sông Sêrêpôk của vùng Tây nguyên lại chảy ngược lên hướng thượng nguồn và sang đất Campuchia. Một chuyến đi khám phá không chỉ những điều kỳ thú của thiên nhiên mà cả công sức của bàn tay con người ghi dấu trên dòng sông huyền thoại.

Ngược dòng nước bên đục bên trong

wbuDuHDU.jpgPhóng to
Ở nơi khởi nguồn Sêrêpôk vẫn thấy những đứa trẻ vui đùa bên những ngôi nhà nhỏ dọc hai bờ. Ảnh: Phi Long
Anh xe ôm tên Huân lắc đầu khi chúng tôi hỏi nơi hai con sông Krông Knô và Krông Ana gặp nhau: “Là dân ở đây nhưng cũng chỉ nghe người ta nói thôi chứ chưa bao giờ đến đó cả. Chỉ biết người ta nói lạ lắm, hai dòng chảy song song với nhau để rồi gặp nhau, nhưng một dòng thì quanh năm đục ngầu, còn dòng kia lại trong veo lạ thường”.

Qua đoạn đường trải nhựa, chiếc xe di chuyển khá nặng nề vì hết đường đất đỏ bụi ngút ngàn lại đến đường ruộng bé xíu chỉ đủ cho một chiếc xe. Khi chúng tôi đến nơi “cùng trời cuối đất”, nơi mà xe không còn đường nào để đi, nơi ngã ba của dòng sông, phải tiếp tục hành trình bằng đò. Chủ đò Nguyễn Văn Bắc cũng không kém phần ngạc nhiên khi được đề nghị chở chúng tôi đến nơi hai con sông nhỏ gặp nhau, nhưng cũng vui vẻ nhận lời như để đáp lại tấm chân tình của những vị khách đến từ phương xa.

Con đò nhỏ tròng trành trên những con sóng xô vào mạn đò, hai bên bờ thấp thoáng mấy ngôi nhà bé xíu, có khi chỉ là túp lều của ai đó dựng ở tạm để trông coi đồng ngô bát ngát. Mất hơn nửa giờ đồng hồ, con đò cũng đến được nơi hai dòng sông gặp gỡ. Bên trái theo hướng nhìn của chúng tôi là dòng Krông Ana đục ngầu, bên phải là dòng Krông Knô quanh năm nước trong suốt. Người dân M’Nông sống ở đây chỉ quen gọi sông Đực (Krông Knô) và sông Cái (Krông Ana), nơi đây còn được người dân gọi là sông “Ngã Bảy”, vì nếu nhìn từ trên những ngọn núi cao sẽ thấy bảy dòng nước chụm lại vô cùng ngoạn mục. Đó chính là nơi khởi đầu con sông Sêrêpôk.

Những huyền thoại bên dòng Sêrêpôk

5GwZOhoG.jpgPhóng to
Dray Nur cuồn cuộn nước chảy tung bọt trắng xóa, đây là ngọn thác đẹp và hùng vĩ bậc nhất Tây nguyên - Ảnh: Phi Long
Huyền thoại Tây nguyên kể rằng xưa kia Krông Knô và Krông Ana chỉ là một dòng sông Sêrêpôk. Ngày ấy, có một chàng trai của buôn Kuôp đem lòng yêu một người con gái ở bên kia sông. Tình yêu của họ ngày một lớn lên cho đến khi bị hai họ phát hiện. Hai dòng họ này vốn đã có hiềm khích với nhau từ hàng trăm năm trước nên không chấp nhận cho con cháu yêu nhau, tìm mọi cách ngăn cản và chia cắt tình yêu đôi trai gái. Nhưng vì quá yêu nhau nên cả hai tìm cách phản kháng. Trong một đêm trăng thanh gió mát bên dòng Sêrêpôk, đôi uyên ương đã cùng nhau nhảy xuống sông tự vẫn. Sau khi họ chết đi, mây đen bỗng nhiên từ đâu kéo đến nhiều vô kể, trời đất đen ngòm, dòng sông cuồn cuộn nước chảy ầm ầm. Đến sáng mai, khi mọi người thức dậy thì dòng sông đã rẽ thành hai dòng từ lúc nào.

Chúng tôi lần tìm đến thác Dray Sap, tiếng Êđê là thác Khói, cách Buôn Ma Thuột hơn 30 km. Đến bên chân thác, chúng tôi mới hiểu vì sao thác có tên là thác Khói. Đổ từ độ cao khoảng 30m và rộng hàng trăm mét, vùng quanh chân thác “khói” nước luôn bao phủ cả trăm mét. Truyền thuyết kể rằng thuở xưa có một thiếu nữ người Êđê xinh đẹp tên là H’Mi, nhiều chàng trai từ khắp các buôn làng của người Êđê, M’Nông tìm đến xin cầu hôn nhưng đều bị nàng cự tuyệt vì nàng đã có người trong mộng. Một hôm, nàng cùng người yêu ra bìa rừng ngồi nghỉ gần một tảng đá lớn. Đột nhiên xuất hiện một con quái vật đầu to như quả núi, mắt đỏ như lửa. Con quái vật lao xuống sông dùng miệng ngậm nước và phun ra thành một cột nước cao hướng về phía đôi tình nhân. Chàng bị nước bắn ra phía xa và ngất đi, còn nàng bị con quái vật bắt và mang đi. Khi tỉnh dậy chàng vô cùng đau khổ vì mất người yêu, sau nhiều ngày than khóc đã hóa thành một cây to đâm rễ sâu vào tảng đá. Nơi quái vật lao xuống nước đã trở thành thác Khói ngày nay, còn chàng trai bây giờ là rừng cây bên bờ đá cạnh thác. Những người dân sống trong vùng bây giờ vẫn truyền miệng nhau rằng thỉnh thoảng họ nhìn thấy từ phía bầu trời đầu thác có một đám mây trắng giống hình cô gái sà xuống ôm lấy những tán cây cạnh thác. Và mỗi lần đám mây kỳ lạ ấy xuất hiện thì ở vùng đó lại có mưa to gió lớn.

Hùng vĩ nhất trên dòng Sêrêpôk huyền thoại là thác Dray Nur nằm cách Buôn Ma Thuột 20km về hướng nam. Thác Dray Nur dài trên 250m, cao hơn 30m, nối liền đôi bờ hai tỉnh Đắc Lắc và Đắc Nông. Giữa không khí núi rừng trong lành với vô vàn hạt bụi nước li ti bay bên bờ thác, đứng cách chân thác cả trăm mét vẫn cảm thấy mát mẻ. Nhiều người thích cảm giác mạnh đã vào hang đá trong lòng thác, và hang đá trong lòng thác chính là nét độc đáo riêng có của Dray Nur: “phòng mátxa” nước thiên nhiên. Thiên nhiên đã khéo dựng một vách đá cao chắn một bên vách núi, một nhánh thác nhỏ đổ từ độ cao hơn 20m xuống được các nhà khai thác du lịch làm thành một “phòng tắm” lộ thiên thu hút đông đảo du khách đến đây.

Vì sao Sêrêpôk chảy ngược?

Được hợp lưu bởi hai dòng Krông Knô và Krông Ana bắt nguồn từ vùng lũng núi của nam Trường Sơn, sông Sêrêpôk có chiều dài 315km (phần chảy trên lãnh thổ VN là 125km). Sêrêpôk không đổ thẳng ra biển Đông như nhiều dòng sông khác mà chảy ngược sang Campuchia trước khi hợp vào dòng Mekong, xuôi về miền Tây Nam bộ VN rồi mới hòa vào biển lớn.

Theo ông Trương Hoàng Phương - thạc sĩ địa lý tự nhiên, giám đốc Công ty VietMark, do dãy núi Trường Sơn Nam là đường phân thủy (chia nước) của những hệ thống sông chảy về đồng bằng duyên hải phía đông và đổ về biển Đông và hệ thống sông đổ về phía tây là phụ lưu của sông Mekong. Sêrêpôk là một trong số ít dòng sông không tuân theo qui luật chảy về biển Đông mà ngược lên phía tây hiếm hoi đó. Đây là dòng sông khá đặc biệt vì nó là hợp lưu của hai sông Krông Knô và Krông Ana, cả hai đều “nổi tiếng” hiền hòa, nhưng khi hợp thành Sêrêpôk thì trở nên “hung dữ” với hàng loạt thác ghềnh liên tiếp như Gia Long, Dray Sap, Dray Nur, Trinh Nữ... với dòng nước chảy xiết khá hiểm trở.

------------------------------

Sêrêpôk chảy dọc theo những bản làng của người dân tộc thiểu số, mang trong mình những nét độc đáo của vùng đất này...

Kỳ tới:Sống cùng dòng sông

PHI LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên