Phương Tây đã phối hợp ngăn chặn Ngân hàng Trung ương Nga (BOR) bán đồng USD, euro và các ngoại tệ khác trong kho dự trữ của mình để ổn định đồng rúp - Ảnh: REUTERS
Theo báo Wall Street Journal, phương Tây đã phối hợp ngăn chặn Ngân hàng Trung ương Nga (BOR) bán đồng USD, euro và các ngoại tệ khác trong kho dự trữ của mình để ổn định đồng rúp (ruble).
Ngày 28-2, Washington đã công bố các đòn trừng phạt nhắm vào BOR trước khi thị trường tại Mỹ mở cửa.
Các quan chức Mỹ cho biết họ dự định các biện pháp trừng phạt mới sẽ thúc đẩy thêm tình trạng lạm phát vốn đang trên đà tăng tại Nga, giúp vô hiệu hóa các biện pháp phòng thủ tiền tệ của nước này.
Các biện pháp trừng phạt cũng nhằm vào một kho dự trữ tài sản lớn khác của Chính phủ Nga (Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga), đồng thời ngăn chặn Matxcơva sử dụng các ngân hàng chính phủ và tư nhân khác để "lách" lệnh trừng phạt.
Tuy nhiên, việc đánh vào BOR cũng có cái giá đáng kể.
Viện Tài chính quốc tế - nhóm các tổ chức tài chính lớn nhất thế giới - cảnh báo những động thái trên có nguy cơ "bóp chết" ngành xuất khẩu năng lượng và các mặt hàng khác từ Nga, từ đó làm lạm phát toàn cầu tăng mạnh.
Trong tuyên bố mới nhất, Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga cho rằng hành động này "chứng tỏ Mỹ đã chọn phá hủy cuộc đối thoại mang tính xây dựng giữa các quốc gia".
Động thái của Mỹ, phối hợp với các đồng minh châu Âu và phương Tây khác, là một phần trong nỗ lực rộng lớn nhằm buộc Điện Kremlin từ bỏ "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine.
Một quan chức cấp cao của Mỹ nói với Wall Street Journal rằng "huyền thoại về pháo đài Nga sẽ được phơi bày", ám chỉ những nỗ lực tích lũy tài chính của Matxcơva nhằm bảo vệ nền kinh tế của mình trước các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Những nỗ lực này bao gồm cả việc tích lũy kho dự trữ chiến tranh trị giá 630 tỉ USD tại BOR.
Đáp lại, thống đốc BOR Elvira Nabiullina cảnh báo rằng các lệnh trừng phạt trên đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế nước này.
Theo bà Nabiullina, ngành ngân hàng của Nga "hiện đối mặt với tình trạng thâm hụt thanh khoản mang tính cơ cấu". Nguồn tiền dễ tiếp cận trở nên khan hiếm, ảnh hưởng đến việc duy trì hoạt động của hệ thống tài chính.
Để ngăn chặn thiệt hại cho đồng rúp và bảo vệ ngành ngân hàng, BOR đã tăng gấp đôi lãi suất chuẩn lên 20% vào ngày 28-2, nhằm thu hút tiền tiết kiệm đổ vào các ngân hàng.
Chính phủ cũng áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn, ngăn người dân gửi tiền vào tài khoản ngân hàng nước ngoài và hạn chế thanh toán các khoản nợ nước ngoài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận