24/01/2018 14:49 GMT+7

Ngân hàng quê HLV Park Hang Seo mua công ty tài chính Prudential

A.HỒNG
A.HỒNG

TTO - Shinhan Financial Group từ Hàn Quốc, quê hương của HLV Park Hang Seo, vừa công bố đạt thỏa thuận mua Công ty tài chính Prudential Việt Nam với giá gần 151 triệu USD.

Ngân hàng quê HLV Park Hang Seo mua công ty tài chính Prudential - Ảnh 1.

Mảng cho vay tiêu dùng tại VN đang rất tiềm năng và nhiều tổ chức nước ngoài muốn nhảy vào thị trường này - Ảnh: T.L.

Thương vụ mà công ty Shinhan Card, một công ty con của Shinhan Financial Group, mua lại Công ty tài chính Prudential Việt Nam (PVFC) cho phép tập đoàn này mở rộng mảng kinh doanh tài chính tiêu dùng tại Việt Nam vốn đang có mức tăng trưởng hai con số trong các năm gần đây.

Công ty tài chính Prudential Việt Nam được thành lập vào năm 2006 và là tổ chức tài chính phi ngân hàng nước ngoài đầu tiên được cấp giấy phép cho vay tiêu dùng ở Việt Nam.

Đây là công ty tài chính tiêu dùng có dư nợ lớn thứ tư ở Việt Nam sau ba công ty khác trong cùng lĩnh vực là FE Credit, HomeCredit và HDSaison.

Việc bán Prudential Việt Nam bán công ty tài chính đã gây xôn xao thị trường từ cuối năm 2017.

Giải thích về việc bán PVFC , ông Nic Nicandrou, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Prudential Châu Á, cho biết PVFC do chiến lược của Prudential tại Việt Nam không phải nhằm vào tài chính tiêu dùng mà quan trọng hơn là bảo hiểm nhân thọ.

Ông Nic Nicandrou cho biết Prudential và Shinhan cũng đã có thỏa thuận về bảo hiểm liên kết ngân hàng dài hạn mới ở Việt Nam và Indonesia.

Trước thương vụ mua lại Công ty tài chính Prudental, vào tháng 4-2017, Ngân hàng Shinhan Việt Nam - một công ty con của Shinhan Financial Group - cũng mua lại mảng bán lẻ của Ngân hàng ANZ nhằm mở rộng mảng bán lẻ tại thị trường Việt Nam. 

Cuộc chuyển giao mảng dịch vụ ngân hàng bán lẻ của ANZ cho Shinhan Việt Nam vừa hoàn tất vào cuối 2017.

Như vậy với việc mua lại thêm Công ty tài chính Prudental, Shinhan có thêm điều kiện đẩy mạnh mảng bán lẻ tại thị trường Việt Nam phục vụ mọi phân khúc khách hàng.  

Mới chỉ phát triển mạnh trong vòng 3-5 năm nhưng thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam đang "nở nồi", dự kiến từ con số dư nợ hiện tại đạt gần 600.000 tỉ đồng đến năm 2019 thị trường này sẽ cán mốc 1 triệu tỉ đồng. 

Đáng lưu ý cho vay tiêu dùng tăng đến gần 60% trong năm 2017 và dự đoán trong 3 năm tới, tốc độ tăng trưởng bình quân của lĩnh vực này lên tới 29-30%/năm. 

Các công ty tài chính cũng báo lãi rất khủng. Công ty FE Credit – công ty con của Ngân hàng VPBank - đem về đến 52% lợi nhuận cho ngân hàng này trong năm 2017, tương đương hơn 4.000 tỉ đồng.

Đây cũng là lý do vì sao mảng cho vay tiêu dùng trở thành lĩnh vực hấp dẫn và các công ty tài chính trở thành đối tượng săn tìm ráo riết. 

Hàng loạt thương vụ chuyển nhượng đã diễn ra trong thời gian qua.

Cụ thể, cuối năm ngoái, Ngân hàng Quân đội (MB) công bố bán 49% vốn góp tại công ty tài chính MB (thương hiệu Mcredit) cho ngân hàng Shinsei Bank của Nhật Bản. Theo báo cáo của MB, giao dịch này mang lại 615 tỉ đồng lợi nhuận.

Trước đó, Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) thông báo Hội đồng quản trị ngân hàng đã phê duyệt hợp đồng và các tài liệu giao dịch liên quan đến việc chuyển nhượng toàn bộ vốn tại TechcomFinance. 

Các thông tin cho biết Công ty Lotte Card thuộc tập đoàn Lotte đã đạt được thỏa thuận mua lại cổ phần của TechcomFinance. 

Thương vụ này giúp Lotte Card gia nhập thị trường tài chính tiêu dùng đang rất tiềm năng tại Việt Nam.

Ngày 1-2-2018, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cũng sẽ bán đấu giá Công ty Tài chính Bưu điện (PTF) với giá khởi điểm 500 tỉ đồng. 

Đây chính là mức vốn điều lệ công ty này được cấp theo giấy phép năm 1998.

A.HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên