Vụ sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley (SVB) làm rúng động thị trường toàn cầu ngày 10-3 và hàng chục tỉ USD bị "mắc kẹt".
Theo Hãng tin Reuters, các cơ quan quản lý ngân hàng California quyết định đóng cửa SVB và chỉ định Công ty Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) làm bên quản lý tài sản sau này tại SVB.
FDIC cho biết văn phòng chính và toàn bộ chi nhánh của SVB sẽ mở cửa trở lại từ ngày 13-3 và tất cả những người gửi tiền có bảo hiểm sẽ được truy cập vào tài khoản tiền gửi vào đầu tuần sau.
Tuy nhiên, 89% trong số 175 tỉ USD tiền gửi ở ngân hàng không được bảo hiểm tính đến cuối năm 2022, theo FDIC, và số phận của khoản tiền này vẫn chưa được định đoạt.
Cuối tuần qua, FDIC đã gấp rút tìm một ngân hàng khác sẵn sàng sáp nhập với SVB, theo nguồn tin của Reuters.
Mặc dù FDIC hy vọng có thể thực hiện vụ sáp nhập vào đầu tuần sau để bảo vệ các khoản tiền gửi không được bảo đảm nhưng đến nay chưa có gì là chắc chắn.
Trong khi đó, Tập đoàn SVB Financial, công ty mẹ của SVB, đang hợp tác với Ngân hàng đầu tư Centerview Partners và Công ty luật Sullivan & Cromwell để tìm người mua các tài sản khác, bao gồm Ngân hàng đầu tư SVB Securities, Công ty quản lý tài sản Boston Private và Công ty MoffettNathanson.
Không rõ liệu tập đoàn này có bán được tài sản mà không cần phải nộp đơn xin phá sản trước hay không. Trước đó, tổ chức xếp hạng tín dụng S&P Global Ratings dự báo SVB Financial sẽ phá sản vì các khoản nợ.
Vụ sụp đổ của SVB, với tài sản 209 tỉ USD khi đóng cửa, diễn ra chóng vánh sau khi báo cáo khoản lỗ 1,8 tỉ USD trong một đợt bán trái phiếu và sẽ tìm cách huy động vốn thêm 2,25 tỉ USD.
Khách hàng bắt đầu đổ xô rút tiền gửi ở ngân hàng này. Đây là cú ngã ngựa chấn động thứ hai của một ngân hàng Mỹ kể từ sau vụ sụp đổ của Ngân hàng Washington Mutual năm 2008.
Chấn động ngành ngân hàng
SVB là một trong những ngân hàng tập trung vào các hãng công nghệ khởi nghiệp ở khu vực phía bắc California. Vụ việc làm rúng động cộng đồng khởi nghiệp trong khu vực.
Làn sóng chấn động cũng lan khắp giới ngân hàng. Theo ước tính của Reuters, các ngân hàng ở Mỹ đã mất 100 tỉ USD giá trị thị trường, còn các ngân hàng châu Âu thiệt hại 50 tỉ USD trong 2 ngày qua.
Giới phân tích lo ngại vụ việc có thể dẫn đến cuộc "tắm máu" khi các ngân hàng khác bị đẩy vào khó khăn, nhất là các ngân hàng nhỏ.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen khi gặp các cơ quan quản lý ngân hàng ngày 10-3 đã bày tỏ "hoàn toàn tin tưởng" vào khả năng chống chịu của các ngân hàng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận