Người dân xếp hàng “giải cứu” dưa chiều 6-2 tại TP.HCM - Ảnh: NGỌC HIỂN
Trong khi đó, một số nước láng giềng cũng đã triển khai nhiều giải pháp mạnh hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Đồng loạt "giải cứu" dưa hấu, thanh long
Chiều 6-2, rất đông người dân đã xếp hàng chờ "giải cứu" dưa hấu với giá 5.000 đồng/kg tại đường Đỗ Xuân Hợp (Q.9, TP.HCM). Đây là dưa hấu trồng tại Gia Lai, không thể xuất khẩu sang Trung Quốc.
Big C và GO! (thuộc Tập toàn Central Retail) cũng vừa tung ra chương trình "Chung tay hỗ trợ nông dân trồng dưa hấu, thanh long" - áp dụng bán hàng không lợi nhuận với thanh long và dưa hấu nhằm chung tay giúp nông dân vượt qua ảnh hưởng của virus corona. Theo bà Nguyễn Thị Phương - phó tổng giám đốc Tập đoàn Central Retail, đơn vị dự kiến tiêu thụ khoảng 4.000 tấn thanh long và dưa hấu trong chương trình này.
Tương tự, hệ thống Lotte Mart cho hay dự kiến hỗ trợ tiêu thụ khoảng 70 tấn thanh long và dưa hấu mỗi tuần. Saigon Co.op, MM Mega Market... cũng cho biết đã áp dụng chương trình "giải cứu" lượng lớn thanh long và dưa hấu cho nông dân.
Ông Lê Duy Hiệp, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics, cho hay sẽ vận động các doanh nghiệp hội viên giảm 10-20% phí lưu kho lưu bãi, đặc biệt là kho lạnh, để hỗ trợ các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị mua nông sản cho nông dân.
Nhiều ngân hàng giảm lãi cho doanh nghiệp
Ngân hàng Kiên Long cho biết sẽ giảm lãi suất cho vay với mức 3%/năm với các khách hàng đã vay vốn trong thời gian qua với mục đích trồng thanh long, dưa hấu, sầu riêng, mít, chôm chôm... Thời gian áp dụng giảm lãi suất từ ngày 1-2 đến 30-4. Ngoài giảm lãi vay ngân hàng còn miễn tiền phạt quá hạn.
VPBank đánh giá những doanh nghiệp chịu tác động lớn trong dịch nCoV đợt này thuộc lĩnh vực vận tải, du lịch, nhà hàng - ăn uống, đại lý du lịch, các doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc; khách hàng mà nguồn nguyên liệu nhập khẩu chính từ Trung Quốc... Các đối tượng này sẽ được VPBank giảm lãi suất cho vay 1,5%/năm với khoản vay không có tài sản bảo đảm và giảm 1%/năm đối với các khoản vay có tài sản bảo đảm. Ðể được giảm lãi suất, doanh nghiệp phải có xếp hạng tín dụng tốt qua nhiều kỳ liên tiếp, minh bạch trước dịch...
Trong khi đó, Ngân hàng An Bình triển khai gói tín dụng 4.000 tỉ đồng ưu đãi lãi suất cho vay dành cho khách hàng mới nhằm giúp tháo gỡ khó khăn về vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.
Các nước tăng hỗ trợ nền kinh tế
Quốc hội Thái Lan ngày 6-2 đã thông qua các biện pháp thuế và tiền tệ để giảm thiểu tác động từ dịch nCoV. Các biện pháp bao gồm lùi hạn chót nộp thuế từ tháng 3 đến tháng 6, giảm thêm thuế cho các chi phí tổ chức hội thảo tại Thái Lan...
Ngân hàng Trung ương Thái Lan ngày 5-2 cắt giảm lãi suất cơ bản từ 1,25% xuống mức thấp kỷ lục 1%, nới thời hạn trả nợ để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp và người dân.
Cùng ngày, Singapore đề cập đến khả năng nới lỏng tiền tệ, đưa các biện pháp giúp đỡ doanh nghiệp và người dân bị tác động bởi dịch virus 2019-nCoV vào ngân sách 2020. "Chúng ta có thể chống chịu được nhưng phải có một số điều chỉnh để hỗ trợ công ty và người lao động" - lãnh đạo Bộ Tài chính nói ngày 6-2. Trong khi đó, Philippines cũng tuyên bố có thể nới lỏng tiền tệ sau khi hạ lãi suất tham chiếu.
Indonesia ngày 6-2 cũng ước tính thiệt hại hơn 4 tỉ USD về du lịch trong trường hợp xấu nhất. "Chúng tôi có 2 triệu du khách Trung Quốc trong năm ngoái với mỗi người tiêu trung bình 1.400 USD" - Reuters dẫn lời Ban du lịch Bali của Indonesia nói.
Chính quyền thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc thì cam kết tăng cường sự hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp đang tạm thời phải đối mặt với khó khăn. Một số thành phố khác của Trung Quốc bao gồm Thượng Hải, Thanh Đảo, Tô Châu ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp quy mô nhỏ thông qua việc giảm những gánh nặng về bảo hiểm an sinh xã hội, thuê trụ sở và vay tài chính.
TRẦN PHƯƠNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận