Lắng nghe mong ước của người lao động nghèo ngày cuối năm - Video: HÀ THANH
Trong dòng xe ken đặc, có khi nào bạn chạy chậm lại, quan sát những người xung quanh?
Tết cận kề, chị lượm đồng nát vẫn say mê xếp, miết những chiếc thùng giấy lượm được, anh lái xe ôm công nghệ mải miết với những chuyến xe chở niềm vui đoàn viên. Ấn tượng nhất có lẽ là nụ cười rạng rỡ của các bà, các cô công nhân nói cười rộn ràng bước vào công trường.
Những ngày cuối năm, cùng Tuổi Trẻ Online lắng lại nghe đôi ba câu chuyện, ước mong của những người lao động nghèo về một mùa xuân mới đang gõ cửa từng nếp nhà.
Mong kiếm bánh chưng, kiếm cơm cho con
Những ngày cuối năm, chị Phương vẫn miệt mài với đống thùng giấy, đống nhựa thu mua được. Chị nói cố gắng kiếm cho con thêm cái bánh chưng ngày tết - Ảnh: HÀ THANH
Thân hình nhỏ xíu ngập trong đống thùng giấy mới lượm được, chị Phạm Thị Phương (38 tuổi, quê ở Nam Định) mải miết gấp, phân loại giấy, giỏ nhựa. Niềm vui như nhân lên trong ngày cuối năm khi chị được "mối ruột" là các cô công nhân cây xanh gọi đến lấy hàng.
"Năm nay hàng sắt vụn rẻ, những ngày này người ta trồng hoa trang trí tết nên tôi cũng muốn tranh thủ thu mua thùng đựng hoa, kiếm thêm cho các cháu ít đồng mua bánh chưng", chị Phương giãi bày.
Sáu năm trước, hai vợ chồng chị Phương cùng ba đứa con dắt díu nhau lên thủ đô mưu sinh. Chị thu mua đồng nát, anh lái xe taxi nuôi ba con ăn học đàng hoàng.
Chị kể may mắn là kiếm được "mối ruột", có nhiều đêm đi với các chị công nhân cây xanh thu mua thùng đựng hoa, đựng cây xanh "đến tận 1h sáng là chuyện bình thường".
"Ngày nắng còn đỡ, chứ ngày rét thì đến thấu xương! Vất vả chứ, nhưng ráng. Sang năm mới mình chỉ mong muốn sao cho kinh tế ổn định hơn để người lao động như chúng mình kiếm miếng cơm cho các cháu", chị Phạm Thị Phương mong ước.
Gom góp hơn 50 triệu đồng biếu bố mẹ
Nụ cười rạng rỡ của anh xe ôm Đoàn Văn Tá khoe cả năm làm lụng đã dành được tiền về biếu bố mẹ. Anh tính đến 28 tháng Chạp sẽ về quê sắm sửa tết - Ảnh: HÀ THANH
Bên đường, anh xe ôm công nghệ Đoàn Văn Tá (26 tuổi) dừng lại nghỉ ngơi sau cuốc xe đường dài.
Chàng thanh niên xứ Thành Nam rạng rỡ khoe: "Vất vả thế nào cũng gắng một năm phải sắm tết, mang tiền về cho bố mẹ. Năm nay khoảng 50 - 60 triệu đồng, chắc chắn phải được. Bố mẹ nuôi con chứ mấy người con nuôi được bố mẹ, mình cứ có tiền là đưa cho ông bà vui".
Rời quê lên thủ đô mưu sinh suốt một năm nay, anh Tá nói vui nhất là công việc này tự do, thích nghỉ, thích làm lúc nào là làm. Trước kia làm công nhân ở quê lương 7 triệu đồng/tháng, anh quyết định lên đây chạy xe ôm.
Tá kể, chịu khó thì ngày cũng kiếm được 500.000 - 600.000 đồng, tháng tiết kiệm được 6 - 7 triệu đồng, vậy là để dành đến tết có tiền về biếu ông bà. Nhìn dòng người chộn rộn mua lấy cành đào, chậu quất ngày tết, Tá nói ráng chạy đến chừng 28 tháng Chạp là về quê sắm sửa liền.
"Tết tớ chẳng có điều ước gì lớn đâu, mong sao sang năm có người yêu, cưới vợ chứ bố mẹ mong lâu lắm rồi", chàng thanh niên bày tỏ.
Mong con cháu đầy đàn, vui tươi hạnh phúc
Nụ cười móm mém của bà Bình. Năm mới này bà mong gia đình bình an, con cháu đầy đàn - Ảnh: HÀ THANH
Ngót chục năm gắn với nghề ‘buôn thúng bán bưng’ ở Hà Nội, bà Nguyễn Thị Bình (72 tuổi, quê ở Thái Bình) tay thoăn thoắt bốc từng nắm xôi cốm cho khách hàng.
Tuổi đã cao nhưng ngày nào cũng vậy, bà thức dậy từ 2h làm cốm, đến hơn 4h là ra chợ Bảo Khánh, ngồi bán xong là chuyển qua số 3 Đinh Liệt, đến 9h là dời đến bán hàng ở phố đi bộ Hoàn Kiếm.
Bà kể, trung bình mỗi ngày bán được 7 - 8kg cốm, cao điểm cuối tuần lên đến 10 - 12kg, tính ra lãi được 150.000 đồng/ngày đã trừ chi phí.
"Bán chục năm rồi, bán hết hôm nay là mình về quê sắm tết. Tết này bà chỉ mong muốn gia đình hạnh phúc, sức khỏe bình an, con cháu đầy đàn, vui tươi hạnh phúc. Phần cỗ bàn thì nhà nào chẳng có nhỉ, cỗ to thì ăn nhiều, có ít ăn ít", bà Bình mong ước.
Cả năm chỉ mong sức khỏe
Cô công nhân công trường Bùi Thị Can - Ảnh: HÀ THANH
13h ngày 25 tháng Chạp trùng vào ngày Chủ nhật cuối năm, ấy thế mà các bà các chị vẫn tất bật vào công trường.
58 tuổi, nếp nhăn, vết chân chim in hằn trên mí mắt, bà Bùi Thị Can, quê ở Ninh Bình, thoáng chút ngập ngừng: "Vất vả lắm, tuổi này đi công trường là cháu biết đấy".
Ở quê đầu tắt mặt tối trên ruộng đồng chẳng kiếm được bao nhiêu, có công ty nhưng ít việc dành cho người già, cũng ngót hơn 6 năm bà Can bám trụ ở các công trường nơi thủ đô nhộn nhịp này. Chăm nhận công trình, mỗi ngày cũng được 160.000 đồng tiền công.
Có hôm làm xuyên đêm, đến sáng hôm sau vào ca luôn, bà Can kể có thời điểm ba ngày ba đêm không được nghỉ, mệt đến mức công nhân như bà chỉ cần ngồi là có thể… ngủ ngay được.
Cận kề tết nhưng nhóm công nhân của bà Can chưa được nghỉ, mà cũng chẳng ai dám nghỉ sớm vì chưa được nhận lương.
"Chắc hết 27 là mình được nghỉ, nhận lương xong sẽ đi sắm tết". Đang nói nhìn thấy ống kính máy ảnh, bà đưa tay che lấy gương mặt đang ửng hồng lên vì lạnh, hoặc có lẽ bà ngượng ngùng vì "chẳng mấy ai chụp hình cho mình đâu".
Hai cô công nhân Bùi Thị Sứ (trái) và Bùi Thị Can (phải). Dù chưa nhận lương đâu, các cô nói ráng đợi đến 27 tết nhận lương là có tiền sắm sửa rồi - Ảnh: HÀ THANH
Còn cô công nhân Bùi Thị Sứ (47 tuổi) cho biết cả năm nay cô chịu thương chịu khó hi sinh, ai thuê việc gì cũng làm.
"Cả một năm qua cô khá hài lòng với thành quả của mình đạt được, có tiền gửi ngân hàng, có tiền chi tiêu là mừng lắm. Cô làm khá vất vả, nắng cháy da cháy thịt, rét thì rét thấu xương nhưng các cô ở nhà làm ruộng thu nhập không được như đi ra bên ngoài làm, có đồng tiền dư dả hơn", cô Sứ giãi bày.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận