02/04/2022 08:52 GMT+7

Nga tìm kiếm gì từ Ấn Độ, Trung Quốc?

BẢO ANH
BẢO ANH

TTO - Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã đích thân đến thăm Trung Quốc và Ấn Độ trong tuần này nhằm tìm cách tăng cường quan hệ với hai cường quốc kinh tế lớn ở châu Á, trong bối cảnh Nga đang bị phương Tây gia tăng cấm vận.

Nga tìm kiếm gì từ Ấn Độ, Trung Quốc? - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) và Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar tại New Delhi vào ngày 1-4 - Ảnh: REUTERS

Trung Quốc và Ấn Độ đang chịu sức ép lớn của phương Tây, khi đến nay cả hai quốc gia này đều từ chối lên án hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine.

Nga đánh giá cao Ấn Độ

Ngoại trưởng Lavrov đến Ấn Độ vào cuối ngày 31-3 để bắt đầu chuyến thăm kéo dài hai ngày. Đài DW đưa tin ông Lavrov đã "đánh giá cao" phản ứng của Ấn Độ với cuộc khủng hoảng Ukraine. 

"Chúng tôi đánh giá cao việc Ấn Độ đang phản ứng với tình hình này dựa trên toàn bộ sự thật, chứ không một chiều" - ông Lavrov nói trong cuộc gặp người đồng cấp Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar vào ngày 1-4.

Thừa nhận cuộc gặp giữa ngoại trưởng Ấn Độ và Nga diễn ra trong một "môi trường quốc tế khó khăn", Ngoại trưởng Ấn Độ S.Jaishankar cho biết New Delhi "luôn ủng hộ việc giải quyết những khác biệt và tranh chấp thông qua đối thoại và ngoại giao".

Tại cuộc họp báo sau khi gặp ông Jaishankar, Ngoại trưởng Nga Lavrov nói rằng Matxcơva hy vọng sẽ vượt qua các đòn trừng phạt nhờ thương mại với "người bạn" New Delhi. 

Ông khẳng định: "Chúng ta (Nga và Ấn Độ) là bạn bè". Ông Lavrov nói Nga "sẵn sàng cung cấp bất kỳ hàng hóa nào mà Ấn Độ muốn mua".

"Tôi tin chắc rằng sẽ tìm ra cách để vượt qua những trở ngại do các biện pháp trừng phạt đơn phương bất hợp pháp của phương Tây tạo ra", ông Lavrov nêu.

Tương tự Trung Quốc, Ấn Độ từ chối lên án chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine bất chấp sức ép từ phương Tây. 

Ông Manoj Kewalramani, nhà nghiên cứu tại Viện Takshashila ở Ấn Độ, nhận định một lý do quan trọng đằng sau điều này là vì Ấn Độ phụ thuộc vào vũ khí Nga để đảm bảo an ninh quốc gia.

Nhiều năm qua, Ấn đã tìm cách đối phó sức ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực, đặc biệt khi căng thẳng nóng lên tại biên giới tranh chấp giữa hai nước. Và Nga đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Ấn Độ tăng cường năng lực bảo vệ lãnh thổ. 

Vào năm 2018, Ấn Độ đã ký thỏa thuận mua hệ thống tên lửa phòng không của Nga với giá trị 5 tỉ USD. "Mối quan hệ với Nga đóng vai trò thiết yếu đối với lợi ích của Ấn Độ, đặc biệt là về an ninh", ông Kewalramani đánh giá.

Ông Kewalramani cho rằng Ngoại trưởng Lavrov "có lẽ muốn hiểu được tâm trạng và lập trường của Ấn Độ". Tuy nhiên, có thể Ấn Độ sẽ không bày tỏ bất kỳ sự ủng hộ công khai nào đối với hoạt động quân sự Nga ở Ukraine.

Báo Indian Express dẫn các nguồn tin cho biết trọng tâm chuyến thăm của Ngoại trưởng Lavrov tới New Delhi sẽ là việc Ấn Độ mua dầu thô rẻ của Nga và áp dụng hệ thống thanh toán bằng đồng rúp và rupee cho thương mại song phương.

"Quan hệ Trung - Nga không có giới hạn"

Tại Trung Quốc, ông Lavrov đã có "cuộc trao đổi quan điểm kỹ lưỡng" về vấn đề Ukraine với Ngoại trưởng Vương Nghị. 

Ông Vương nói rằng Bắc Kinh ủng hộ Matxcơva và Kiev tiếp tục tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình và ủng hộ những nỗ lực của Matxcơva cũng như các bên khác nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo quy mô lớn.

Kể từ lúc Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào hôm 24-2, Trung Quốc đã cố gắng giữ trung lập, không áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Nga giống như các nước phương Tây.

Ông Dương Tiến, chuyên gia về Nga tại Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc, nhận định Trung Quốc và Nga đang xích lại gần nhau vì các nhu cầu phát triển của hai bên.

Vào cuối ngày đầu tiên ở Trung Quốc của ông Lavrov vào hôm 30-3, Bắc Kinh còn nêu rõ lập trường của họ. 

"Hợp tác Trung - Nga không có giới hạn. Việc chúng tôi phấn đấu vì hòa bình, bảo vệ an ninh, phản đối bá quyền cũng không có giới hạn", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân phát biểu.

Ông Uông còn nhắc lại lập trường của Trung Quốc rằng: "Đối thoại và đàm phán là con đường đúng đắn duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine".

"Cuộc chiến ở Ukraine đang trong giai đoạn khó khăn và tôi có thể thấy rằng Nga muốn xác định rõ quy mô hỗ trợ của Trung Quốc tới đâu" - ông Steve Tsang, giám đốc Viện SOAS Trung Quốc tại Đại học London, nhận định.

Theo giới phân tích, Trung Quốc vẫn đang e dè trong việc hỗ trợ công khai cho Nga vì nếu Bắc Kinh cung cấp bất kỳ sự hỗ trợ nào (chẳng hạn thiết bị quân sự) cho Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine thì nước này có thể phải đối mặt với các đòn trừng phạt nặng nề từ phương Tây.

Mỹ, Anh gây sức ép lên Ấn Độ

Chuyến đi của Ngoại trưởng Lavrov tới Ấn Độ trùng thời điểm với chuyến thăm Ấn Độ của Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Daleep Singh (nhân vật giữ vai trò quan trọng trong việc định hình các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Nga) và Ngoại trưởng Anh Liz Truss.

Chuyên gia Kewalramani cho rằng nhiều nhà ngoại giao nước ngoài đang đến thăm Ấn Độ có thể nhằm tìm cách thay đổi lập trường của nước này về vấn đề Ukraine.

Chẳng hạn, Ngoại trưởng Anh Liz Truss mô tả chuyến thăm của bà là một "cú đẩy ngoại giao" nhằm chống lại hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine.

Mỹ, Úc chỉ trích Ấn Độ vì cuộc gặp với ngoại trưởng Nga Mỹ, Úc chỉ trích Ấn Độ vì cuộc gặp với ngoại trưởng Nga

TTO - Mỹ và Úc chỉ trích Ấn Độ có thể làm suy yếu các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và các đồng minh áp đặt lên Nga.

BẢO ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên