Trong phát biểu ngày 28-11, Tổng thống Nga đã đưa ra cảnh báo mạnh mẽ đối với việc chuyển vũ khí hạt nhân cho Ukraine.
Cảnh báo đưa ra sau khi tờ New York Times dẫn lời một số quan chức phương Tây cho rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể cung cấp vũ khí hạt nhân cho Ukraine trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ đầu năm sau.
Dốc mọi vũ khí
"Nếu quốc gia mà về cơ bản chúng tôi đang có chiến tranh trở thành một cường quốc hạt nhân, chúng tôi sẽ làm gì? Trong trường hợp này, chúng tôi sẽ sử dụng mọi biện pháp hủy diệt mà Nga có thể làm. Tôi nhấn mạnh là mọi biện pháp. Chúng tôi sẽ không cho phép điều đó", Hãng tin Reuters dẫn lời ông Putin phát biểu tại Kazakhstan.
"Nếu chính thức có nước nào chuyển giao thứ gì, thì điều đó có nghĩa là vi phạm mọi cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân mà họ đã đưa ra", nhà lãnh đạo Nga nói.
Nếu Ukraine có vũ khí hạt nhân, Tổng thống Putin sẽ làm gì?
Theo ông Putin, Ukraine hầu như không thể sản xuất vũ khí hạt nhân nhưng có thể chế tạo một loại "bom bẩn" chứa vật liệu phóng xạ. Trong trường hợp đó, Nga sẽ phản ứng thích hợp.
Ukraine thừa hưởng vũ khí hạt nhân từ Liên Xô sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, nhưng đã từ bỏ số vũ khí này theo một thỏa thuận năm 1994 để đổi lấy sự đảm bảo an ninh từ Nga, Mỹ và Anh.
Cũng trong ngày, ông Putin dọa sử dụng tên lửa Oreshnik đánh vào "các trung tâm ra quyết định" ở Kiev để đáp trả việc Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa của phương Tây tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
"Tất nhiên, chúng tôi sẽ đáp trả các cuộc tấn công đang diễn ra trên lãnh thổ Nga bằng tên lửa tầm xa do phương Tây sản xuất, bao gồm cả việc có thể tiếp tục thử nghiệm tên lửa Oreshnik trong điều kiện chiến đấu như đã làm vào ngày 21-11.
Hiện tại, Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu đang lựa chọn các mục tiêu để tấn công trên lãnh thổ Ukraine. Đây có thể là các cơ sở quân sự, doanh nghiệp quốc phòng và công nghiệp hoặc các trung tâm ra quyết định ở Kiev", nhà lãnh đạo Nga nói.
Tuy nhiên ông Putin cũng nhắc lại việc đàm phán hòa bình với Ukraine. Theo đó, ông cho biết không có điều kiện tiên quyết nào để bắt đầu đàm phán với Ukraine nhưng các điều khoản mà ông đặt ra cho một thỏa thuận với Kiev không thay đổi. Hồi tháng 6-2024, ông Putin tuyên bố thỏa thuận hòa bình phải bao gồm việc Ukraine từ bỏ tham vọng gia nhập NATO và nhượng bộ các khu vực mà Matxcơva kiểm soát.
Ông Biden gây khó cho ông Trump
Nhận định về chính trường Mỹ, Tổng thống Nga cho rằng chính quyền tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden đang cố gây khó dễ cho chính quyền kế nhiệm của ông Donald Trump.
Ông Putin cũng khen ông Trump là chính trị gia thông minh, giàu kinh nghiệm. "Theo như tôi hình dung, vị tổng thống được bầu lại này thực ra là một người thông minh, giàu kinh nghiệm. Tôi nghĩ ông ấy sẽ tìm ra giải pháp", Hãng tin AFP dẫn lời ông Putin, nhưng không nêu rõ ông đang ám chỉ đến "giải pháp" nào.
Nhà lãnh đạo Nga quan tâm việc tổng thống đắc cử Mỹ có an toàn sau những lần bị ám sát hụt hay không. Ông Putin cho biết mình bị sốc khi gia đình và con cái của ông Trump bị các đối thủ chính trị chỉ trích trong chiến dịch tranh cử.
Tổng thống Nga cũng nói Matxcơva sẵn sàng đối thoại với Mỹ trong bối cảnh ông Trump chuẩn bị nhậm chức vào tháng 1-2025 với lời hứa chấm dứt xung đột Nga - Ukraine "trong 24 giờ".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận