Cờ của Liên minh châu Âu (EU) bên ngoài trụ sở Ủy ban EU ở Bỉ - Ảnh: REUTERS
Trong tuyên bố ngày 31-3, Bộ Ngoại giao Nga nói chính sách trừng phạt của EU "đã vượt qua mọi giới hạn". Bộ cho biết ý định của EU rất rõ ràng, đó là "buộc Nga từ bỏ các lợi ích quan trọng của mình", theo Đài RT.
"Những hành động của EU không chỉ đẩy mối quan hệ với Nga vào bế tắc, mà còn gây tổn hại cho hạnh phúc, an ninh của chính công dân họ, cũng như sự ổn định của hệ thống kinh tế và tài chính toàn cầu", tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu.
Do đó, trên cơ sở có qua có lại, Nga "đang mở rộng đáng kể danh sách các đại diện của các nước thành viên EU và các tổ chức sẽ bị từ chối nhập cảnh vào Liên bang Nga".
Bộ Ngoại giao Nga cũng nêu rõ các biện pháp trừng phạt trên sẽ áp dụng với "các lãnh đạo cấp cao của EU, một số ủy viên châu Âu và những người đứng đầu các cơ quan quân sự của EU, cũng như đa số thành viên Nghị viện châu Âu đang có chính sách chống Nga".
Danh sách "đen" cũng bao gồm chính phủ và thành viên quốc hội của một số nước thành viên EU, những người của công chúng và các cơ quan truyền thông "chịu trách nhiệm cá nhân trong việc thúc đẩy các lệnh trừng phạt bất hợp pháp chống lại Nga, kích động tư tưởng bài Nga, và vi phạm các quyền và tự do của người nói tiếng Nga".
Bộ Ngoại giao Nga nói công hàm liên quan đã được gửi đến phái bộ EU tại Matxcơva. Bộ này cũng tái khẳng định "bất cứ hành động không thân thiện nào nữa của EU và các nước thành viên EU chắc chắn sẽ bị đáp trả mạnh mẽ".
EU đã công bố nhiều biện pháp trừng phạt mạnh nhằm vào Nga sau khi Matxcơva mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Báo Handelsblatt: Đức cân nhắc quốc hữu hóa 2 công ty của Nga
Ngày 31-3, nhật báo kinh doanh Handelsblatt của Đức cho biết Bộ Kinh tế Đức đang cân nhắc việc quốc hữu hóa các công ty con của hai hãng dầu Gazprom và Rosneft của Nga tại nước này, trong bối cảnh lo ngại về an ninh năng lượng gia tăng.
Cụ thể, các quan chức hàng đầu của Bộ Kinh tế Đức và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đang thảo luận nhằm ngăn chặn việc phải cắt điện hàng loạt, nếu một trong hai công ty này gặp khó khăn.
Cả hai doanh nghiệp trên đều giữ vai trò không thể thay thế trên thị trường năng lượng Đức. Trong khi Gazprom Germania điều hành các cơ sở lưu trữ khí đốt lớn, Rosneft Deutschland là công ty chủ chốt trong thị trường lọc dầu, diesel và dầu hỏa.
Handelsblatt cho biết các công ty này đang đối mặt với nguy cơ "phá sản kỹ thuật", tức không thể thanh toán các nghĩa vụ nợ nhưng vẫn chưa chính thức tuyên bố phá sản.
Gazprom Germania, Rosneft Deutschland và Bộ Kinh tế Đức chưa đưa ra bình luận về thông tin trên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận