09/04/2018 15:36 GMT+7

Nga khẳng định vụ tấn công Syria do Israel thực hiện

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Tình hình chiến sự Trung Đông có thêm diễn biến khó lường khi Israel được xác nhận đã phóng tên lửa vào sân bay của Syria rạng sáng 9-4.

Nga khẳng định vụ tấn công Syria do Israel thực hiện - Ảnh 1.

Căn cứ không quân Tiyas (giữa) vừa bị Israel tấn công - Ảnh: GOOGLE MAPS

Thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga vừa nêu: "Sáng nay 9-4, vào khoảng 3h25 - 3h53 giờ Syria (tức 7h25, giờ VN), hai chiến đấu cơ F-15 của không quân Israel đã phóng 8 tên lửa điều khiển từ xa xuống sân bay Tiyas từ lãnh thổ Libăng mà không xâm phạm vào không phận Syria. Lực lượng phòng không của Syria đã phá hủy được 5 trong số đó ngay từ trên không".

Phía Nga xác nhận 3 tên lửa đã trúng vào phần phía tây của sân bay và không có cố vấn quân sự nào của Nga bị thương vong trong vụ này.

Theo báo Times of Israel, cách đây gần 2 tháng, vào ngày 10-2, quân đội Israel từng thực hiện vụ không kích chớp nhoáng cũng vào căn cứ không quân Tiyas sau khi xác nhận việc người của Iran từ căn cứ này điều khiển máy bay không người lái xâm nhập lãnh thổ của Israel.

Lần đó có xảy ra vụ việc liên quan tới máy bay không người lái của Iran nhưng cả Iran và Syria đều cho rằng đó là chuyến bay thám sát định kỳ và không xâm phạm không phận Israel.

Sau vụ không kích mới nhất rạng sáng nay, Bộ Quốc phòng Israel có đưa ra thông cáo giải thích cho hành động của mình: "Iran và lực lượng Quds (đơn vị đặc nhiệm của lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran) đôi khi hoạt động từ căn cứ không quân T-4 gần thành phố Palmyra của Syria, với sự trợ giúp của quân đội Syria và sự cho phép của chính quyền Syria".

Một quan chức chính quyền Israel khẳng định do Syria đã vượt qua "lằn ranh đỏ" để cho các thế lực đe dọa an nguy của Israel nên Israel ra tay.

Như vậy vụ việc không liên quan với việc phủ đầu đáp trả cáo buộc chính quyền Syria cho không kích tấn công thường dân bằng bom có chứa chất hóa học.

Theo Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR), đã có ít nhất 14 người thiệt mạng trong vụ không kích sáng 9-4 nhằm vào sân bay quân sự Tiyas (T-4) thuộc một căn cứ không quân của quân đội chính phủ Syria tại TP Homs ở miền Trung nước này.

SOHR cho biết trong số những người thiệt mạng có một số là thành viên các lực lượng Iran.

Trước đó, Hãng thông tấn nhà nước Syria (SANA) đưa tin vụ không kích đã khiến một số người thiệt mạng và bị thương. Ban đầu thông tin hướng theo lập luận đó là tên lửa Mỹ nhưng sau đó thông tin này được gỡ bỏ.

Sự suy diễn của Syria có thể hiểu do Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa cảnh báo cứng rắn liên quan đến vụ tấn công hóa học tại quốc gia Trung Đông này, trong đó ông nêu đích danh Tổng thống Nga Putin và Iran đã chống lưng cho Tổng thống Bashar al Assad.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố nước này không tiến hành không kích nhằm vào Syria, song sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình.

Bộ Quốc phòng Mỹ cũng nhấn mạnh ủng hộ các nỗ lực ngoại giao nhằm buộc thủ phạm vụ tấn công hóa học mới nhất tại Syria phải chịu trách nhiệm.

Phía Syria đã bác thông tin về vụ tấn công nghi là sử dụng vũ khí hóa học này, đồng thời khẳng định là một "kế hoạch dàn dựng từ trước" của phe đối lập.

Nga khẳng định vụ tấn công Syria do Israel thực hiện - Ảnh 2.

Hình ảnh trẻ em Syria ở đông Ghouta được cho là trúng chất độc hóa học từ bom của quân đội chính phủ vào ngày 7-4. Hình ảnh do nhóm phi chính phủ Mũ trắng gửi đến truyền thông quốc tế và được xem là bằng chứng để lên án chính quyền al Assad - Ảnh: REUTERS

Ngày 8-4, các đại diện của Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ tuyên bố các chuyên gia của tổ chức này đã không tìm thấy bằng chứng nào về việc quân đội Chính phủ Syria sử dụng các vũ khí hóa học ở thị trấn Douma thuộc khu vực Đông Ghouta của nước này.

Hãng tin TASS của Nga dẫn lời ông Seif Aldin Hobia - bác sĩ làm việc cho Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ: "Tôi đã làm việc ở bệnh viện trung tâm của Douma được 7 năm. Đã xảy ra một vụ việc hồi tháng 1 vừa qua khi chúng tôi có 6 bệnh nhân nhập viện với các vấn đề về đường hô hấp. Sau khi khám bệnh, chúng tôi không phát hiện chất độc nào. Họ đã được cho thở ôxy và chúng tôi không có bằng chứng nào về việc sử dụng các chất độc".

Một bác sĩ khác của Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Mohammed Adnan Tbanga cũng cho biết ông đã làm việc cho tổ chức này trong giai đoạn 2012 - 2018 và không có bằng chứng nào cho thấy việc sử dụng các chất độc tại Syria.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên