16/10/2019 09:15 GMT+7

'Ngã giá' tiền tỉ để nâng điểm thi

THÂN HOÀNG
THÂN HOÀNG

TTO - Trong khi cơ quan điều tra và viện kiểm sát đều kết luận không đủ cơ sở truy tố tội đưa và nhận hối lộ thì tại tòa, các bị cáo lại khai rành rọt về những cuộc thỏa thuận và trao nhận tiền tỉ để sửa bài thi nâng điểm.

Ngã giá tiền tỉ để nâng điểm thi - Ảnh 1.

Bị cáo Trần Xuân Yến - nguyên phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La - đến tòa - Ảnh: DANH TRỌNG

Sáng 15-10, TAND tỉnh Sơn La mở lại phiên tòa xét xử 8 quan chức, cán bộ trong vụ gian lận thi cử, sửa bài thi nâng điểm cho nhiều thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. Phiên tòa này được mở cùng lúc phiên tòa vụ gian lận thi cử tại Hà Giang cũng đang diễn ra.

Tám bị cáo bị đưa ra xét xử tại Sơn La gồm: Trần Xuân Yến (nguyên phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La); Lò Văn Huynh, Nguyễn Thanh Nhàn và Nguyễn Thị Hồng Nga (trưởng phòng, phó phòng và chuyên viên phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục); Đặng Hữu Thủy (phó hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu), Cầm Thị Bun Sọn (phó phòng chính trị tư tưởng), Đỗ Khắc Hưng (nguyên trung tá) và Đinh Hải Sơn (nguyên thiếu tá, cán bộ Phòng an ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Sơn La).

Những người này bị xét xử về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Nhận hơn 1 tỉ đồng nâng điểm cho 4 thí sinh

Từ lúc được áp giải tới tòa đến khi lên bục khai báo, bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga luôn cúi đầu. Trả lời nhiều câu hỏi với giọng lí nhí, nhưng liên quan đến việc nhận tiền để sửa bài thi nâng điểm thì bà Nga nhớ khá rõ và trả lời rất chắc chắn.

Bị cáo Nga thừa nhận "đã làm sai chức năng nhiệm vụ được giao trong kỳ thi" khi dùng phần mềm xóa dữ liệu, sửa chữa đáp án, câu trả lời bài thi trắc nghiệm của các thí sinh cần nâng điểm theo chỉ đạo của bị cáo Yến.

"Trước kỳ thi, anh Yến gọi bị cáo sang phòng và nói có trường hợp là con của sếp và con em một số cán bộ cần nâng điểm bài thi trắc nghiệm thì làm như nào. Bị cáo trả lời chỉ có cách xóa đi tô lại đáp án và phải có sự tạo điều kiện của công an đưa bài thi ra ngoài" - bị cáo Nga khai.

Bị cáo Nga nhắc lại khá chi tiết những trường hợp chuyển danh sách thí sinh nhờ nâng điểm. Đó là ông Nguyễn Ngọc Hà - trưởng phòng giáo dục THPT gửi 8 trường hợp cần nâng điểm, trong đó có con ông Hà. Phó giám đốc Sở GD-ĐT thời điểm đấy là ông Trần Xuân Yến nhờ nâng điểm 13 thí sinh. Ông Nguyễn Duy Hoàng - phó giám đốc Sở GD-ĐT nhờ nâng điểm 1 thí sinh chính là con gái ruột của ông Hoàng. "Tổng tất cả bị cáo được nhờ nâng khoảng 39 thí sinh" - bà Nga khai.

Không khí phiên tòa trở nên "nóng" hơn khi bà Nga khai nhận "đặt hàng" từ ông Trần Văn Điện, cán bộ Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên TP Sơn La, với 4 trường hợp, nâng 24-27 điểm mỗi trường hợp. "Anh Điện có nói với bị cáo là gia đình người ta sẽ cảm ơn trường hợp này như này, trường hợp kia như kia, nghĩa là sẽ cảm ơn sau" - bà Nga khai. "Cảm ơn bằng gì?" - chủ tọa truy. "Cảm ơn bằng tiền" - bà Nga trả lời rành rọt rằng ông Điện không đưa luôn tiền lúc đó. 

Bị cáo Nga khai tiếp ông Điện nói 3 trường hợp cảm ơn 230 triệu, còn trường hợp khác gia đình sẽ cảm ơn 350 triệu đồng. Cuộc "ngã giá" nâng điểm này được thực hiện sau khi Bộ GD-ĐT công bố điểm thi.

"Anh Điện đã đưa cho bị cáo 1,040 tỉ đồng. Thời điểm đưa tiền là sau khi công bố điểm thi, khoảng 14-7-2018" - bà Nga khai. Ngoài số tiền 1 tỉ đồng đã nộp cho cơ quan công an, 40 triệu còn lại đã cho bị cáo Lò Văn Huynh vay đến nay chưa trả lại.

Những trường hợp còn lại bà Nga khai động cơ thực hiện hành vi sửa bài thi nâng điểm vì "quan hệ cấp trên cấp dưới, bạn bè đồng nghiệp, cùng làm việc với nhau, hỗ trợ lẫn nhau".

Dẫn giải cựu phó phòng liên quan lời khai "đưa 1 tỉ nhờ nâng điểm"

Các bị cáo Cầm Thị Bun Sọn, Đặng Hữu Thủy cũng khai nhận rành rọt về việc nhận tiền để nâng điểm cho các thí sinh. Trước kỳ thi, bị cáo Sọn có nhận thông tin của một thí sinh là con ruột của bà Hoàng Thị Thành - chủ tịch Hội nông dân huyện Quỳnh Nhai. Bà Thành là bạn học cao học với bị cáo và nhờ nâng điểm hai môn trắc nghiệm, một môn tự luận để đủ điểm xét tuyển vào trường công an.

"Quá trình này bị cáo không thỏa thuận gì, cũng không nói rõ cần nâng bao nhiêu điểm, nhưng Thành nói rằng nếu giúp sẽ đưa 400 triệu đồng để cảm ơn. Thực tế bị cáo đã nhận 400 triệu đồng, sau khi có kết quả Thành đưa thêm 40 triệu đồng. Khoản tiền này bị cáo đã nộp cho cơ quan điều tra trước khi bị khởi tố" - bà Sọn khai khá chi tiết.

Bị cáo Thủy cũng khai thỏa thuận và nhận của các bà Nguyễn Thị Kim 150 triệu, Nguyễn Thị Mai Hà 150 triệu, Nguyễn Thị Xuyên 200 triệu đồng để sửa bài thi nâng điểm cho 3 thí sinh. Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Xuân - Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh hứa sẽ "cảm ơn" 270 triệu đồng để nâng điểm cho một thí sinh nhưng đến nay chưa nhận tiền. "Khi Bộ GD-ĐT lên kiểm tra thì bị cáo đã trả lại tiền cho gia đình các thí sinh" - Thủy khai tại tòa.

Cái tên Nguyễn Minh Khoa, thời điểm xảy ra vụ gian lận đang là phó trưởng Phòng an ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh, liên tục được nhắc đến tại tòa. Bị cáo Lò Văn Huynh và Đỗ Khắc Hưng đều khẳng định được ông Khoa nhờ nâng điểm cho một số thí sinh.

Bị cáo Huynh khai được ông Khoa chuyển thông tin nhờ giúp 3 thí sinh. Sau đó, bị cáo Huynh khai đã nhận của ông Khoa số tiền 1 tỉ đồng để giúp sửa nâng điểm cho 2 thí sinh. Đến nay, ông Huynh đã nộp lại số tiền này cho cơ quan điều tra. Ngoài ra, bị cáo này còn nhận của một trường hợp khác 300 triệu đồng để nâng điểm cho một thí sinh.

Ông Khoa bị tòa triệu tập nhưng vắng mặt. Tòa cho rằng ông Khoa vắng không có lý do chính đáng nên ra quyết định áp dụng dẫn giải đến phiên xử để làm rõ nhiều vấn đề có liên quan. Ngoài ra, tòa cũng ra quyết định dẫn giải các ông Lê Minh Loan - nguyên cán bộ công an đã nghỉ hưu, Nguyễn Hồng Hà - trưởng Phòng giáo dục huyện Phù Yên và Ngần Văn Lói - xã Chiềng Khoa, huyện Vân Hồ.

Không có tài liệu việc đưa nhận tiền!?

Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát cho rằng: hành vi nhận tiền, thỏa thuận sẽ nhận tiền để sửa nâng điểm cho thí sinh của các bị cáo có dấu hiệu của tội nhận hối lộ, đưa hối lộ và môi giới hối lộ.

Tuy nhiên, ngoài lời khai của các bị cáo và số tiền đã nộp, cơ quan điều tra không có tài liệu nào khác để chứng minh nên không có căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Xuất lộ cuộc Xuất lộ cuộc 'ngã giá' tiền tỉ nâng điểm thi ở Sơn La

TTO - Bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga, chuyên viên phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục Sở GD-ĐT Sơn La, khai rành rọt những cuộc trao đổi nhờ sửa bài thi và cả mức tiền “cảm ơn” sau khi hoàn tất nâng điểm.

THÂN HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên