24/06/2024 17:24 GMT+7

Nga chính thức tuyên bố đang thay đổi học thuyết hạt nhân

Người phát ngôn Điện Kremlin xác nhận nước này đang thay đổi học thuyết hạt nhân, do bối cảnh hiện tại đối với nước Nga.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov - Ảnh: NAM TRẦN

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov - Ảnh: NAM TRẦN

"Tổng thống Vladimir Putin đã tuyên bố mọi việc đang được tiến hành để đưa học thuyết hạt nhân phù hợp với thực tế hiện tại", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov trả lời trong cuộc họp báo ngày 24-6, một ngày sau vụ tấn công ngày 23-6 vào bán đảo Crimea mà Nga đang kiểm soát.

Tuy nhiên, ông Peskov không nêu chi tiết Nga đã làm những gì hoặc học thuyết hạt nhân mới sẽ như thế nào.

Hôm 20-6 và trước đó, ngày 7-6, Tổng thống Putin tiết lộ Nga đang cân nhắc thay đổi học thuyết hạt nhân, vốn được dùng để điều chỉnh và xác định cách nước này sử dụng kho vũ khí hạt nhân khổng lồ.

Học thuyết hạt nhân hiện tại quy định Nga có thể sử dụng loại vũ khí hủy diệt này để đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân, hoặc trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công quy ước nhưng gây ra mối đe dọa cho sự sống còn với nước Nga.

Tổng thống Putin cũng nhấn mạnh Nga không cần phải thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu vào nước khác. Đồng thời cáo buộc phương Tây đang hạ thấp tiêu chuẩn sử dụng vũ khí hạt nhân, bao gồm cả việc phát triển các thiết bị hạt nhân có năng suất cực thấp.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Nga trong một cuộc duyệt binh - Ảnh: AFP

Tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Nga trong một cuộc duyệt binh - Ảnh: AFP

Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, một số nhà phân tích quân sự Nga có quan điểm cứng rắn đã ủng hộ việc Nga hạ thấp tiêu chuẩn khi nào sử dụng vũ khí hạt nhân.

Trong bài phát biểu ngày 23-6, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma quốc gia Nga Andrei Kartapolov cảnh báo việc sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ phụ thuộc vào tình hình thực tế và sự an toàn của nước Nga.

Tuy nhiên, ông cũng không tiết lộ các điều chỉnh cụ thể với học thuyết hạt nhân hiện tại là gì.

Các động thái diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Nga và phương Tây đang gia tăng vì cuộc xung đột ở Ukraine.

Nga đã triển khai một số lượng chưa tiết lộ vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus, nước giáp biên giới với Ukraine và nhiều nước thành viên khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Ngày 17-6, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tiết lộ khối này đang đàm phán về việc triển khai thêm vũ khí hạt nhân, đưa chúng ra khỏi kho và đặt ở chế độ chờ như một nỗ lực nhằm răn đe các mối đe dọa.

Trong NATO, Anh, Pháp và Mỹ là những nước được công nhận là các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Đây cũng là ba nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

NATO cũng duy trì chính sách "chia sẻ ô hạt nhân", trong đó các thành viên có vũ khí hạt nhân sẽ triển khai các đầu đạn đến những căn cứ nằm rải rác trên khắp châu Âu.

Mỹ được cho là nước duy nhất thực hiện chính sách này, với các đầu đạn hạt nhân hiện diện tại Đức, Bỉ, Ý, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Nga sẽ thay đổi học thuyết hạt nhân thế nào?

Xác nhận của Điện Kremlin về việc đang thay đổi học thuyết hạt nhân diễn ra ngay sau vụ tấn công ngày 23-6 vào bán đảo Crimea mà Nga đang kiểm soát.

Người phát ngôn Điện Kremlin cáo buộc tên lửa ATACMS do Mỹ cung cấp đã được sử dụng trong vụ tấn công vào Crimea, khiến ít nhất 4 người thiệt mạng, trong đó có 2 trẻ em và 151 người khác bị thương.

Theo giới quan sát, dựa trên những gì đã được tuyên bố bởi Nga, một trong những việc đầu tiên cần làm là định nghĩa lại như thế nào là mối đe dọa sống còn với nước này.

Việc Nga thay đổi học thuyết không nhất thiết dẫn đến việc gia tăng số lượng đầu đạn hạt nhân hay các phương tiện phóng chúng. Nga hiện là nước có nhiều đầu đạn hạt nhân nhất thế giới, phần lớn kế thừa từ kho vũ khí của Liên Xô (cũ).

Phương Tây, dẫn đầu là Mỹ, gần như chắc chắn sẽ lên án động thái của Nga như các phản ứng thường thấy trước đây.

Trùm tình báo Ukraine đánh giá khả năng Nga dùng vũ khí hạt nhân nếu mất CrimeaTrùm tình báo Ukraine đánh giá khả năng Nga dùng vũ khí hạt nhân nếu mất Crimea

Giám đốc Tổng cục Tình báo quốc phòng Ukraine Kyrylo Budanov cho rằng sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ mang đến rủi ro chính trị cho Tổng thống Nga Putin.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên