20/04/2023 06:23 GMT+7

Hạn chế phát sóng với người nổi tiếng vi phạm: Những ai nên bị 'cấm sóng'?

Thăm dò của báo Tuổi Trẻ về quy trình hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo... đang được soạn cho thấy đa số bạn đọc chọn "cấm hoàn toàn", "hạn chế phát sóng" đối với người nổi tiếng có vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục.

Adidas đã chấm dứt hợp tác với Kanye West do thái độ bài Do Thái của rapper này - Ảnh: Getty Images

Adidas đã chấm dứt hợp tác với Kanye West do thái độ bài Do Thái của rapper này - Ảnh: Getty Images

Đó là cách dư luận lên tiếng. Sẽ là thảm họa với người nổi tiếng nếu một ngày bỗng nhiên hình ảnh đồng loạt biến mất khỏi mạng xã hội. Điều này từng xảy ra với nhiều ngôi sao Hoa ngữ. 

Và nếu quy trình xử lý (hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo) đối với nghệ sĩ, KOLs (người có tầm ảnh hưởng) có hành vi vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục được soạn thảo xong vào tháng 10 này, sẽ có những người Việt lâm cảnh "bay màu".

Những người nổi tiếng phạm luật có thực sự bị hạn chế xuất hiện hay không phụ thuộc vào việc cộng đồng mạng còn tìm kiếm, quan sát, hóng chuyện họ hay không. Thái độ ứng xử của chúng ta chính là văn minh ứng xử.

Ai cổ vũ cho những người "ngáo quyền lực"?

Hiện chưa rõ cụ thể quy trình xử lý với những người nổi tiếng vi phạm pháp luật sẽ ra sao, nhưng có một điều đáng lưu ý, rằng đây không phải là một văn bản quy phạm pháp luật. Nghĩa là nó không có tính pháp chế đối với các hình phạt, nếu có, đối với hành vi vi phạm pháp luật.

Thay vào đó, nó sẽ đề nghị các hành động cần làm đối với các tổ chức, cá nhân khi các nghệ sĩ, người nổi tiếng phạm luật. Việc "cấm sóng hoàn toàn" hay "hạn chế phát sóng" sẽ phụ thuộc vào ý thức của những nền tảng công nghệ, các tổ chức sử dụng hình ảnh của người nổi tiếng, các cơ quan truyền thông. 

Một phần lớn sẽ phụ thuộc vào chính độc giả, cộng đồng mạng. Không hiếm các người nổi tiếng từng vi phạm pháp luật, nhưng sau khi nộp phạt hành chính, xin lỗi... xong họ vẫn tiếp tục lên mạng dẫn dắt người hâm mộ bằng những hành vi lệch chuẩn, bằng tin giả, bằng việc tấn công cá nhân và tổ chức.

"Căn bệnh" ngáo quyền lực là nguyên nhân của các hành vi xấu xí trên mạng, của thói đàn áp, tấn công bằng bàn phím, và cũng là lý do của các hành vi lệch chuẩn. Đó là những thứ đáng lên án. Song chính công chúng và những tò mò, hóng hớt đã cổ vũ thêm cho những người nổi tiếng đi xa hơn vào con đường vi phạm pháp luật.

Trên trang FastCompany có bài viết khá thú vị: Truyền thông xã hội được thiết kế để làm mọi người tức giận. Bài báo nói các cuộc tranh luận trên Facebook thường đi đến tiêu cực, vì chúng ta không chịu thừa nhận các sai lầm, thất bại của mình bởi vì những người khác (bạn bè, follower) đang quan sát.

Những ai nên bị "cấm sóng"?

Cũng cần thận trọng xác định ai nên bị hạn chế phát sóng, ai đáng bị cấm sóng vĩnh viễn. Như ở Trung Quốc, đó là những người vi phạm pháp luật về chính trị, trốn thuế, sử dụng chất cấm, mua dâm, hiếp dâm hoặc có lối sống bê bối, vi phạm đạo đức. 

Những tội lỗi hình sự đã được xét xử, có phán quyết của tòa thì khá dễ, nó cho thấy mức độ đáng phải trừng phạt.

Ngược lại, có những khái niệm tội lỗi khá mơ hồ, như "trái thuần phong mỹ tục", cần được minh định rõ ràng. Nhưng những bản án lương tâm, những vụ phạt hành chính thì sao? 

Trong số họ có những người do vô minh hoặc bị thao túng tâm lý và vô tình mắc lỗi, nhưng cũng không hiếm những kẻ lợi dụng danh tiếng trên mạng cố tình trục lợi, phao tin đồn nhảm, tấn công danh dự, phẩm giá của người khác thì sao?

Tôi đã từng tham gia một tọa đàm, được các luật sư cho biết pháp luật khó có thể đưa ra các hình thức xử phạt mang tính răn đe thực sự nếu người nổi tiếng không bị truy tố hình sự. Nhưng hạn chế xuất hiện hoặc quay lưng lại với họ nếu họ gây tổn thương cho xã hội thì hoàn toàn có thể.

Một điều nữa, cũng quan trọng không kém, là những bên trả tiền mua sự hiện diện của người nổi tiếng (các công ty quảng cáo, bán hàng...) cũng cần phải có thái độ rõ ràng đối với các hành vi vi phạm pháp luật của họ. 

Adidas đã chấm dứt hợp tác với Kanye West do thái độ bài Do Thái của anh này. Ngôi sao Lee Soo Geun của Hàn Quốc cũng từng bị hãng sản phẩm chăm sóc xe Bullsone hủy hợp đồng quảng cáo và đòi phạt 1,8 triệu USD vì anh này dính tội đánh bạc.

Nhà đài cũng cần "tự làm sạch"

Đại diện một đài truyền hình (đề nghị không nêu tên) cho hay hiện nay có rất nhiều kênh truyền hình "sống nhờ" sự quan tâm và yêu thích của khán giả với một số người nổi tiếng. Nếu hạn chế phát sóng của các "ngôi sao" đó thì ảnh hưởng đến lượng view (lượt người xem) của đài.

Vị đại diện này cho rằng trong trường hợp cần hạn chế phát sóng một số nhân vật vi phạm pháp luật và vi phạm thuần phong mỹ tục thì các nhà đài có vai trò "xung kích" đầu tiên. Và đặc biệt, khi mỗi đài tự "làm sạch" mình, các ngôi sao cũng sẽ tự điều chỉnh mình, từ đó môi trường văn nghệ sẽ tốt hơn.

Q.PHÚ

Hàn Quốc, Mỹ mạnh tay xử lý nghệ sĩ gặp bê bốiHàn Quốc, Mỹ mạnh tay xử lý nghệ sĩ gặp bê bối

Tại các nền giải trí phát triển, dư luận phản ứng mạnh trước các nghệ sĩ, KOLs vi phạm pháp luật, có hành động trái đạo đức.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên