Có mặt tại buổi giới thiệu cuốn sách Những bước chân hy vọng (Nguyễn Quang Thạch - NXB Phụ Nữ Việt Nam) vào sáng 12-8, chị Vũ Thị Thu Hà - người quyên hàng ngàn tủ sách trong phong trào Sách hóa nông thôn của ông Nguyễn Quang Thạch - đã chia sẻ câu chuyện đưa sách đến trại giam với Tuổi Trẻ Online.
800 phạm nhân, 800 cánh tay giơ lên
Là thành viên tích cực, bền bỉ nhất của chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam do anh Nguyễn Quang Thạch khởi xướng, chị Hà đã gắn bó với công việc đưa sách đi khắp nơi từ 9 năm trước.
Không dừng lại ở việc mang tri thức đến trẻ em nông thôn, chị Hà đã từng đem hơn 1.000 cuốn sách đến trại giam Quyết Tiến (Tuyên Quang).
Năm 2017, nghệ sĩ Trà My đến giao lưu văn nghệ tại trại giam có 800 phạm nhân nữ. Vô tình biết được thông tin, chị Hà đề nghị kết nối với giám thị trại giam và nhận được sự đồng ý.
Sau thời gian kêu gọi hỗ trợ từ cộng đồng, chị đem hơn 1.000 cuốn sách với nhiều thể loại như định hướng nghề nghiệp, Phật pháp... để xây dựng tủ sách trong trại. Tại đây, chị Hà đã lắng nghe nhiều câu chuyện, nhiều số phận mắc sai lầm ở những thời điểm khác nhau.
"Như câu chuyện người vợ có chồng nghiện rượu, mỗi khi về nhà là đánh đập vợ con. Chị này đã thòng dây thừng vào cổ chồng và kéo lê quanh nhà đến chết.
Chị ấy đi tù, con thì vào chùa. Tôi rất thương và nghĩ rằng nếu như có nền tảng đọc, kiến thức chắc việc đó đã không xảy ra", chị Hà nói.
Chia sẻ thêm về việc đem sách vào trại giam, chị Hà nghĩ phạm nhân cũng có thời gian rảnh, những quyển sách có thể giúp ích trong việc nhìn lại cuộc sống. Việc đọc sách sẽ giúp phạm nhân bắt đầu cuộc sống mới dễ dàng hơn.
"Khi tôi hỏi họ có thích được tặng sách hay không, 800 phạm nhân đồng loạt đưa 800 cánh tay lên. Đó là một hình ảnh rất xúc động", chị Hà nhớ lại.
Trước đó, với mong muốn phát triển văn hóa đọc cho trẻ em, chị Hà đã mang sách về vùng nông thôn quê chị ở Nam Định, rồi thực hiện ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.
"Đến hiện tại, hành trình của tôi không chỉ dừng lại ở việc làm tủ sách, mà đó là việc đi trồng cây, được khởi nguồn từ các triết lý của anh Thạch. Khả năng đi "nhóm lửa, gieo hạt" của tôi như nước chảy, hơi thở.
Tôi không còn biến những việc làm trên thành áp lực mà tôi làm thuận với tự nhiên, với khả năng, thời gian, công sức và tiền bạc của mình. Giống như việc trồng cây, khi có nhiều tôi sẽ tặng nhiều, đúng với sức của mình và đủ để lan tỏa", chị Hà khẳng định.
Nguyễn Quang Thạch thức tỉnh và biểu tượng
Những bước chân hy vọng của Nguyễn Quang Thạch là quyển sách tập hợp những bài viết ngắn, bài báo của tác giả, những bài báo về ông Thạch in trên các báo.
Tất cả đều liên quan đến những suy tư, trăn trở về cuộc sống của ông Thạch như hành trình vận động xã hội và chính quyền ủng hộ đọc sách, đưa sách về nông thôn tại Việt Nam và cả trên đất nước Ấn Độ…
Tham dự buổi giao lưu có các khách mời gắn bó thân thiết với Nguyễn Quang Thạch như tiến sĩ Lê Nguyên Phương, chị Vũ Thị Thu Hà, nhà báo Bùi Tiến Dũng - trưởng ban giáo dục Báo Tuổi Trẻ...
Quen biết và làm việc chung 13 năm, nhà báo Bùi Tiến Dũng "bật mí" cách lưu tên Nguyễn Quang Thạch trong điện thoại của anh là "Thạch Sách" - một người đau đáu, trăn trở và hành động quyết liệt về sách.
Nhà báo Bùi Tiến Dũng nghĩ rằng thông điệp của cuốn sách Những bước chân hy vọng cũng như công việc mà anh Thạch đang làm có thể gói gọn trong hai chữ "thức tỉnh" và "biểu tượng".
"Thức tỉnh chính là tình yêu đối với sách. Đặc biệt trong xã hội hiện nay, có vẻ như sách đang trở nên xa xôi, khó gần với bạn đọc, đặc biệt là giới trẻ thì sự thức tỉnh rất cần thiết. Còn biểu tượng là không chỉ hành động ngoài đời, mà còn hình ảnh một Quang Thạch rất trăn trở, khát khao, đầy trách nhiệm.
Tôi nghĩ thông điệp mà anh Thạch đưa ra trong cuốn sách góp phần thức tỉnh mỗi người và kêu gọi sự trách nhiệm với bản thân, gia đình, rộng hơn là xã hội. Những điều này thể hiện rất rõ", anh Dũng nhận xét.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận