23/05/2018 11:05 GMT+7

'Nếu chùn bước, mặc cảm, tự ti sẽ đeo bám em suốt đời'

LÊ PHƯƠNG TRÍ
LÊ PHƯƠNG TRÍ

TTO - Giờ đây, ở cái tuổi được xếp vào U-60, mỗi khi nhìn xấp giấy khen, bằng khen ngày càng dày lên của tôi, tôi không tự hào về những thành tích mình đạt được lắm mà tự hào là đã làm được như lời cô khuyên dạy thuở nào.

Nếu chùn bước, mặc cảm, tự ti sẽ đeo bám em suốt đời - Ảnh 1.

37 năm trước, vào năm thứ nhất của trường sư phạm, tôi được cử làm lớp phó học tập. Tôi cũng được đề cử vào ban chấp hành Đoàn trường vì những đóng góp cho phong trào Đoàn - Đội những năm học trước, nhận nhiệm vụ trưởng ban thi đua tập thể học sinh xã hội chủ nghĩa.

Ngay thời điểm ấy, gia đình tôi gặp một số sự việc và suy kiệt về kinh tế. Vậy là ngoài giờ học tập, công tác ở trường tôi phải làm rất nhiều việc để kiếm tiền như giữ xe, đan mây tre lá, làm quai guốc, móc giỏ, đan nón len...

Tôi mệt mỏi vì phải xoay như chong chóng giữa việc học tập, công tác và làm kiếm tiền. Rồi tôi học tập sa sút. Các bạn trong lớp xì xào: "Lớp phó học tập mà học kém", "Trưởng ban thi đua mà học như thế thì thi đua gì"... Trước những lời ấy, tôi càng chán nản hơn.

Tôi gặp cô giáo chủ nhiệm xin từ chức lớp phó học tập và nhờ cô xin cho tôi rút tên ra khỏi ban chấp hành Đoàn trường. Cô nhìn tôi nhưng không nói gì cả. Trong đầu tôi lúc ấy chỉ nghĩ đến cơm, áo, gạo, tiền. Tôi còn dự định nghỉ học để đi làm.

Hôm sau, tôi và hai bạn trong lớp được đại diện lớp đi đám cưới thầy phó chủ nhiệm lớp. Sáng hôm ấy, gặp tôi, cô chủ nhiệm cười nói: "Đi đám cưới nhớ mặc đồ đẹp đó nha!". Câu nói của cô làm tôi chạnh lòng. 

Bởi lúc ấy tôi chỉ có hai bộ đồ đi học, cũ kỹ và cái quần công nhân xanh dương. Bộ còn lại là do anh tôi san sẻ cho nên tôi mặc rộng thùng thình. Tôi mặc bộ áo trắng và quần công nhân dự tiệc cưới.

Sau tiệc cưới, cô rủ tôi đi uống nước. Vào quán, cô nói: "Cô xin lỗi em!". Cô không nghĩ kinh tế nhà tôi quá khó khăn.

Rồi cô hỏi tại sao tôi từ chức lớp phó học tập, xin rút tên ra khỏi ban chấp hành Đoàn trường. Tôi xúc động, trút cạn nỗi niềm và cho cô biết tôi đã làm đơn xin nghỉ học. 

Cô nói rất nhiều nhưng tôi nhớ mãi lời cô: "Trong cuộc sống, em sẽ gặp rất nhiều khó khăn nhưng nếu vượt qua nó, em sẽ tự tin hơn và tự hào hơn về bản thân mình. Còn nếu em chùn bước, mặc cảm, tự ti sẽ đeo bám em suốt đời". 

Đêm đó, tôi đã xé đơn xin nghỉ học.

Ngày tốt nghiệp sư phạm, tôi đứng trên sân khấu nhận phần thưởng, tôi nhìn về phía cô. Cô gật đầu và cười thật tươi với tôi.

Đúng như cô nói, ra trường tôi cũng chưa hết vất vả, tôi được phân công về dạy học ở một vùng ngoại thành nghèo khó, lương ba cọc ba đồng. Trường thiếu giáo viên, tôi phải ôm đồm nhiều việc. 

Cuộc sống của giáo viên những năm ấy đúng như câu đối ngày tết mà báo Tuổi Trẻ Cười lúc ấy viết "Tối ba mươi, thầy giáo tháo giày ra chợ bán/ Sáng mùng một, giáo chức dứt cháo đón xuân sang". 

Ngoài giờ dạy, công tác Đoàn - Đội, tôi lại phải miệt mài với công việc làm thêm để mưu sinh. Cứ mỗi lần chán nản, muốn buông xuôi, lời cô khuyên bảo ân cần ngày nào lại làm tôi vững bước.

Giờ đây, ở cái tuổi được xếp vào U-60, tôi vẫn dạy lớp và kiêm nhiệm chức tổ trưởng chuyên môn. Chẳng những thế, tôi còn viết sách, viết báo, viết thư pháp. Tôi vẫn theo học các lớp nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ khi được trường cử đi.

Mỗi khi nhìn xấp giấy khen, bằng khen ngày càng dày lên của tôi, tôi không tự hào về những thành tích mình đạt được lắm mà tự hào là đã làm được như lời cô khuyên dạy thuở nào.

Khoảnh khắc thay đổi đời tôi: Chiếc ghế đá bệnh viện Khoảnh khắc thay đổi đời tôi: Chiếc ghế đá bệnh viện

TTO - Tôi nhận kết quả tại phòng khám nhưng không mở ra ngay, mà cầm ra ngoài sân bệnh viện. Chọn một cái ghế đá cạnh gốc cây, tôi bóc ra.

Nếu chùn bước, mặc cảm, tự ti sẽ đeo bám em suốt đời - Ảnh 3.
LÊ PHƯƠNG TRÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên