07/11/2014 06:00 GMT+7

​Nếu bạn yêu nước, hãy hành động!

CÔNG NHẬT ghi
CÔNG NHẬT ghi

TT - Diễn đàn “Tự hào cùng Việt Nam” kỳ này giới thiệu một số ý kiến chia sẻ từ bạn đọc.

Ông Nguyễn Hữu Nhân đi phát ruybăng và giải thích về tác hại của việc xả rác cho các bạn trẻ - Ảnh: Thanh Phước
Ông Nguyễn Hữu Nhân đi phát ruybăng và giải thích về tác hại của việc xả rác cho các bạn trẻ - Ảnh: Thanh Phước

Hãy bắt đầu từ những điều nhỏ...

Mời tham dự tọa đàm “Tự hào cùng Việt Nam”

Có phải tính tốt của người Việt đang giảm đi? Giới trẻ Việt có đang quay lưng với văn hóa nguồn cội? Làm thế nào để hun đúc lòng tự hào dân tộc?

Những nội dung trên sẽ được thảo luận tại tọa đàm “Tự hào cùng Việt Nam” với sự tham gia của các diễn giả: ông Dương Trung Quốc (đại biểu Quốc hội), bà Phạm Phương Thảo (nguyên chủ tịch HĐND TP.HCM), ông Nguyễn Văn Đạo (phó tổng giám đốc Samsung Vina), ông Nguyễn Chí Hiếu (tiến sĩ ĐH Stanford). Tọa đàm diễn ra vào 8g30 chủ nhật 16-11 tại hội trường lầu 4 tòa soạn báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM). MC: Nguyễn Thanh Tùng.

Do số lượng chỗ ngồi có hạn, ban tổ chức chỉ nhận 300 bạn đăng ký đầu tiên (vui lòng ghi rõ họ tên, số điện thoại liên lạc và nơi công tác hoặc học tập) qua email: tuhaovietnam@tuoitre.com.vn.

Chương trình do báo Tuổi Trẻ và Samsung Việt Nam tổ chức.

Sinh ra và lớn lên tại Mỹ. Năm 2003, tôi chọn quay về sống hẳn tại VN khi đã 33 tuổi. Bắt đầu lại gần như từ đầu nhưng tôi tìm thấy niềm vui trong công việc mới, cuộc sống mới...

Niềm vui đó, tiếc thay, không trọn vẹn khi hằng ngày tôi đều thấy người người, nhà nhà vô tư xả rác. Họ không nghĩ rằng họ đang làm bẩn hình ảnh đất nước mình.

Thoạt tiên tôi giận dữ và thấy xấu hổ, nhưng sau đó tôi lại nhớ chương trình tuyên truyền bảo vệ môi trường “Con cú Woodsy” tại Mỹ từng nói rằng: mọi quốc gia trên thế giới đều phải trải qua giai đoạn này trên đường phát triển.

Ngay cả nước Mỹ những năm đầu thập niên 1970 cũng ngập trong rác để rồi chiến dịch “Người da đỏ đang khóc” ra đời thì tình hình mới dần được cải thiện.

Và sự giận dữ, xấu hổ trong tôi không còn, thay vào đó là một quyết tâm cải thiện thói quen xấu trên. Chiến dịch “Ruybăng xanh” (thắt dây ruybăng xanh, cam kết “không xả rác”) theo đó ra đời vào năm 2013 và tôi là người khởi xướng.

Chương trình thành công vượt sự mong đợi, không chỉ phát triển mạnh trong ngôi trường tôi đang giảng dạy mà còn lan rộng ra nhiều trường đại học lớn ở TP.HCM, Hà Nội, Cần Thơ...

Điều quan trọng nhất là số lượng tình nguyện viên của chương trình đã lên con số hàng trăm và ai cũng nhận thấy có sự chuyển biến rõ trong ý thức về vấn đề xả rác.

Năm 2013, chương trình đã đi tuyên truyền, phát ra hơn 23.000 dây ruybăng đồng nghĩa với 23.000 lời cam kết “không xả rác”.

Trong năm nay, chúng tôi đã bổ sung hoạt động giảng dạy về môi trường cho trẻ em.

Tuy những điều đang làm khá nhỏ bé nhưng nước chảy đá mòn, chúng tôi tin rằng đó là điều cần thiết để góp phần giúp hình ảnh đất nước VN ngày một đẹp hơn, là hành động thiết thực để biểu lộ lòng tự hào dân tộc của mình...

NGUYỄN HỮU NHÂN (giảng viên ĐH RMIT)

Bạn có tự hào về đất nước mình?

Câu hỏi đó đã xoáy sâu trong tôi từ lúc còn ngồi trên ghế giảng đường trong nước lẫn khoảng thời gian đi du học.

“Bạn có yêu nước không?”. Câu trả lời của tôi dĩ nhiên là có. Làm sao có thể phủ nhận được tình cảm của mình dành cho nơi chôn nhau cắt rốn gắn với vô số kỷ niệm trong đời! Tôi tin rằng người trẻ ở bất kỳ quốc gia nào cũng sẽ gật đầu trước câu hỏi này.

Nhưng tôi chắc chắn bản thân (cũng như nhiều bạn trẻ khác) sẽ ngập ngừng, nhíu mày nếu được hỏi: “Bạn có tự hào về đất nước?”.

Bởi theo tôi, tự hào với những giá trị do cha ông gầy dựng chứ bản thân không nỗ lực đóng góp được chút gì... thì rất vô nghĩa, thậm chí nguy hiểm và điều đó chẳng đồng nghĩa với yêu nước.

“Biết tự hào về bản thân là cần thiết, nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn”, tôi rất tâm đắc với đề văn khối C (kỳ tuyển sinh đại học năm 2011). Nhìn ở góc độ lớn hơn, theo tôi, việc nhận ra những “điểm trừ” của người Việt để biết xấu hổ nhìn lại và điều chỉnh hành vi, nâng cao nhận thức và nỗ lực hoàn thiện chính mình có ý nghĩa hơn việc tự “ru ngủ”, vỗ ngực đầy kiêu hãnh về một quốc gia “rừng vàng, biển bạc”, nghìn năm văn hiến...

Giới trẻ cần nhận thức được rằng VN đang đứng ở vị trí nào trên các bảng xếp hạng thế giới, hình ảnh của chúng ta như thế nào trong mắt bạn bè quốc tế... để từ đó có thêm quyết tâm, vạch được lộ trình phù hợp cho việc hoàn thiện bản thân, góp phần nâng cao tầm đất nước, con người Việt.

Chỉ khi người trẻ biết mình đang đứng ở đâu và biết gắng sức lao động, biết cẩn trọng trước từng hành vi để không làm hoen ố hình ảnh đất nước; và chỉ khi người lớn sống đúng trách nhiệm với cụm từ “người đi trước” - không trở thành “gương xấu” với những hành động sai trái - thì lúc đó chúng ta mới có thể mong biến tình yêu nước và niềm tự hào đất nước trong mỗi người dân Việt thành một.

VĂN MINH (Q.3, TP.HCM)

CÔNG NHẬT ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên