Sinh viên ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) thuộc chiến dịch Xuân tình nguyện trao quà cho người nghèo trên đường phố đêm khuya dịp Tết 2014 - Ảnh: Phước Tuần |
Để làm đa dạng diễn đàn, Nhịp sống trẻ tuần này xin giới thiệu một số quan điểm, cảm nhận đa chiều về phẩm chất, tính cách của người Việt.
Có đi xa mới thấm thía sự tương thân tương trợ
Với những người con đất Việt từng có thời gian dài du học, sinh sống tại nước ngoài... có lẽ sẽ khó quên tình cảm ấm áp từ người cùng quê cha đất tổ dành cho nhau.
Tôi còn nhớ vào năm ngoái, một bạn sinh viên Việt tại ĐH Kỹ thuật Auckland (New Zealand) bị bệnh nặng, phải nhập viện.
Có những bạn sinh viên đồng hương tuy không ở trọ cùng nhà, chẳng học chung trường và thậm chí ở rất xa nhau nhưng vẫn sẵn lòng sát cánh cùng người bạn trên. Kẻ theo chân vào bệnh viện, túc trực bên giường bệnh ngày đêm, người nấu ăn và ứng tiền trả trước cho người bạn kia...
Có quan sát mới thấy người Việt ở nước ngoài, dù là Việt kiều đã định cư lâu năm hay du học sinh... cũng đều nhớ và trân quý các ngày lễ, phong tục truyền thống của dân tộc.
Những ngày như Quốc khánh, Trung thu, Tết nguyên đán... mọi người đều cố gắng tề tựu đông đủ, làm một mâm cơm mang hương vị quê nhà và thưởng thức cùng nhau với rôm rả tiếng cười.
Những ngày quê nhà chìm trong bão lũ, mọi người cùng đau và trăn trở để rồi không ai bảo ai, gom góp chút ít tiền chuyển về quê nhà, dù kiếm được đồng tiền ở xứ người cũng rất đỗi chua cay.
Và khi lãnh hải, sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc bị đe dọa... những người con đất Việt luôn sẵn lòng đoàn kết, tay trong tay với cờ đỏ sao vàng phấp phới, với trái tim cháy nồng tình yêu nước... xuống đường đấu tranh cho quyền lợi quê hương...
ThS Lê Quang Kiệt (cựu du học sinh New Zealand)
Chung sức vì tương lai Việt Nam
“...Thân gầy guộc, lá mong manh/ Mà sao nên lũy nên thành tre ơi...”.
Tôi mạn phép mượn đôi dòng của nhà thơ Nguyễn Duy để nói về một thế hệ người Việt Nam mới.
Theo tôi, “thành lũy” người Việt đang dần được khẳng định trong thời thế giới phẳng, thời đất nước không còn tiếng súng... thông qua sự góp sức hoàn thiện đất nước của rất nhiều doanh nhân, trí thức và bạn trẻ Việt.
Làm sao tôi quên được những buổi tọa đàm, giao lưu với các điển hình doanh nhân thành công - nơi tôi đọc được trong đó rất nhiều “lửa” nhiệt huyết và khát khao được quảng bá văn hóa, nâng tầm giá trị Việt với thế giới...
Gần đây trong các bảng thống kê tỉ phú USD trên thế giới đã bắt đầu xuất hiện những tên tuổi người Việt. Trong lĩnh vực khoa học giáo dục cũng có nhiều tên tuổi góp phần làm rạng danh con người Việt.
Những “quả ngọt” đó ắt hẳn đến từ niềm tự hào về cội nguồn Việt, mong muốn nỗ lực góp phần làm cho hình ảnh đất nước mỗi ngày một giàu đẹp, vững mạnh...
ThS Nguyễn Thị Thanh Huyền (giáo viên Trường phổ thông liên cấp Olympia, Hà Nội)
Nên tỉnh táo nhìn nhận nhiều chiều
Do đặc thù công việc mà tôi có dịp kết bạn với nhiều người nước ngoài. Và tôi đã nhiều phen muối mặt khi nghe những trải lòng từ họ.
Một anh bạn người Mỹ khẳng định ý thức an toàn giao thông của người Việt gần như tệ nhất trong hơn 20 quốc gia anh đã đi qua. Anh có bằng lái hẳn hoi và đi xe rất cẩn trọng nhưng trong năm năm ở VN, anh bị tai nạn giao thông ba lần.
“Vấn đề là người Việt chạy xe thường có vẻ rất gấp rút nhưng sao họ luôn trễ trong các cuộc hẹn, khi làm việc?” - câu hỏi của anh cũng là thắc mắc từ nhiều người nước ngoài khác.
Thường xuyên sử dụng “giờ dây thun” mọi lúc mọi nơi liệu có phải là một thói quen xấu không thể bỏ của người Việt, khi nó ảnh hưởng khá nhiều đến tính chuyên nghiệp trong công việc?
Gần đây Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố năng suất lao động của người VN thuộc nhóm thấp nhất châu Á, chỉ bằng 1/15 so với Singapore. Bạn có ngạc nhiên về điều này?
Còn một người bạn đến từ Úc từng không giấu được sự ngạc nhiên khi thấy người Việt có thể vui nhậu, buồn nhậu, không vui chẳng buồn cũng cứ nhậu! “Nhậu mọi lúc, mọi nơi vậy thì hiệu quả công việc sẽ ra sao?” - anh hỏi.
Anh cho biết trong “từ điển” của nhiều người bạn anh thì “nhậu” đang là một từ tiếng Việt quen thuộc chứ không phải từ “phở” và “xin chào”, “cảm ơn”... “Với chúng tôi, nhắc tới người Việt là phải nhắc tới văn hóa nhậu” - anh hóm hỉnh nói.
Và có thể giải thích như thế nào khi nhan nhản trên báo chí mỗi ngày là rất nhiều câu chuyện nhức nhối liên quan đến ý thức của người Việt, chẳng hạn như: hôi của người bị nạn trên đường, ngắt hoa bẻ cành sau các lễ hội hoa, xả rác bừa bãi nơi công cộng...
Một điểm nữa là mỗi ngày tôi càng gặp nhiều sự phân biệt đối xử từ người Việt trên chính quê hương.
Trên máy bay, ở các trung tâm thương mại hay trong những quán cà phê thành thị... tôi và bạn bè thường nhận được sự thờ ơ khi nhân viên phục vụ biết chúng tôi là... người Việt! Rất nhiều nơi nhân viên phục vụ chỉ sử dụng ngoại ngữ để đón/tiễn khách...
Đôi khi, dù không muốn, tôi phải cứ giả vờ là người nước ngoài, sử dụng tiếng Anh để nhận được sự phục vụ nhiệt tình hơn.
Thay vì chỉ nói những điều tốt đẹp của người Việt, chúng ta cần nghĩ và trăn trở nhiều hơn về giải pháp cho những “điểm trừ” trên. Theo tôi, đó mới là tình yêu nước thật sự.
Chung tay lan tỏa giá trị Việt Diễn đàn “Tự hào cùng Việt Nam” do báo Tuổi Trẻ và Samsung Việt Nam tổ chức - thuộc chương trình “Samsung tự hào cùng Việt Nam” - nhằm để bạn đọc chia sẻ những trải nghiệm, những câu chuyện tôn vinh phẩm chất, đức tính và các giá trị văn hóa của người Việt. Đây cũng là cơ hội gạn đục khơi trong nhằm xây dựng giá trị Việt mang đậm bản sắc dân tộc, là niềm tự hào của người Việt Nam. Thư từ, bài viết tham gia diễn đàn “Tự hào cùng Việt Nam” xin gửi về tòa soạn báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) hoặc qua email: tuhaovietnam@tuoitre.com.vn. Bạn đọc cũng có thể đóng góp ý kiến, theo dõi các ý kiến, tranh luận và làm khảo sát xoay quanh chủ đề trên ở trang: tuhaovietnam.tuoitre.vn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận