Theo báo Kathmandu Post của Nepal, Chính phủ nước này lo ngại ứng dụng TikTok khuyến khích xu hướng phát ngôn thù ghét.
Trong 4 năm qua, có 1.647 trường hợp tội phạm mạng được báo cáo trên ứng dụng này ở Nepal.
Cơ quan chức năng của Nepal và đại diện của TikTok đã thảo luận về lệnh cấm vào đầu tuần trước. Quyết định công bố ngày 13-11 dự kiến sẽ được thi hành sau khi hoàn tất khâu chuẩn bị.
Trước đó một ngày, Nepal đã ra chỉ thị về hoạt động mạng xã hội 2023. Theo quy định mới, các nền tảng truyền thông xã hội hoạt động ở Nepal bắt buộc phải đặt văn phòng ở quốc gia này, bao gồm các "ông lớn" như Facebook, X (Twitter), TikTok hay YouTube.
Việc vắng mặt văn phòng đại diện của các nền tảng mạng xã hội ở Nepal khiến nước này gặp khó khăn trong việc giải quyết những lo ngại của người dùng, hoặc xóa nội dung phản cảm khỏi nền tảng.
Từ giờ, các công ty mạng xã hội phải mở văn phòng hoặc chỉ định người đại diện ở Nepal trong vòng 3 tháng.
Các công ty cũng phải đăng ký nền tảng của mình với Bộ Công nghệ thông tin và Truyền thông. Nếu không đăng ký, cơ quan chức năng có quyền đóng cửa mạng xã hội.
Phe đối lập ở Nepal không ủng hộ lệnh cấm TikTok, cho rằng "việc phải làm là quản lý chứ không phải hạn chế".
TikTok chưa lên tiếng về động thái của Nepal. Trước đây TikTok thường nói rằng những lệnh cấm như vậy là "sai lầm".
TikTok đã bị cấm một phần hoặc toàn bộ tại một số quốc gia. Hiện nay, hàng chục bang của Mỹ đã cấm TikTok, bao gồm các bang Pennsylvania, Kansas, Louisiana, West Virginia, Montana, Virginia, Georgia...
Theo Hãng tin Reuters, nước láng giềng của Nepal là Ấn Độ đã cấm TikTok cùng hàng chục ứng dụng khác của các nhà phát triển Trung Quốc vào tháng 6-2020, vì cho rằng chúng có thể gây tổn hại đến an ninh quốc gia.
Một quốc gia Nam Á khác là Pakistan đã cấm TikTok vì chứa nhiều nội dung mà nước này gọi là "vô đạo đức và không đứng đắn".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận