26/04/2022 08:19 GMT+7

Nên ưu tiên khu vực tuyển sinh ra sao?

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - Quy định không cộng điểm ưu tiên khu vực cho thí sinh tự do đã tốt nghiệp THPT các năm trước nêu trong dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ ngành giáo dục mầm non năm 2022 thu hút sự quan tâm của dư luận và có nhiều ý kiến trái chiều.

Nên ưu tiên khu vực tuyển sinh ra sao? - Ảnh 1.

Thí sinh trao đổi với chuyên gia tư vấn trong Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2022 do báo Tuổi Trẻ tổ chức tại TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Điểm ưu tiên trong tuyển sinh ĐH, CĐ là mức điểm Nhà nước dành các thí sinh diện đặc biệt thuộc một trong các đối tượng và khu vực theo quy định.

Điểm ưu tiên được cộng thêm vào số điểm thi thực tế của thí sinh và là căn cứ để các trường xét trúng tuyển. Bản chất của cộng điểm ưu tiên là tạo sự công bằng cho các đối tượng/vùng miền do điều kiện tiếp cận giáo dục bậc phổ thông chưa đều.

Theo Bộ GD-ĐT, hiện nay sự chênh lệch vùng miền không còn quá cao nên việc giảm điểm cộng ưu tiên khu vực là cần thiết. Từ năm 2018, điểm ưu tiên khu vực giảm 50% so với những năm trước đó và giữ nguyên cho đến nay như cộng khu vực 1 là 0,75 điểm; khu vực 2 nông thôn là 0,5 điểm và khu vực 2 là 0,25 điểm.

Tuy nhiên, dự thảo quy chế tuyển sinh năm nay ưu tiên khu vực chỉ áp dụng cho năm mà thí sinh tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp). Thí sinh đã tốt nghiệp THPT khi thi lại để lấy kết quả xét tuyển ĐH, CĐ không được tính điểm ưu tiên khu vực (như khu vực 3). Quy định nhằm đảm bảo tính công bằng hơn nữa cho các thí sinh xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, nhiều năm qua số thí sinh tự do xét tuyển mỗi năm không nhiều. Chẳng hạn như năm 2021 chỉ có khoảng 30.000 trường hợp trong tổng số gần 800.000 thí sinh tham gia quá trình xét tuyển.

Như vậy có thể thấy, việc Bộ GD-ĐT điều chỉnh chính sách ưu tiên khu vực này không tác động nhiều đến quá trình xét tuyển nói chung. Thực tế, việc cộng điểm ưu tiên khu vực nhiều năm qua cũng không tác động quá nhiều đến mặt bằng điểm chuẩn, đặc biệt đối với số thí sinh tự do thi lại vào năm sau.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM, cho rằng sự điều chỉnh này là thu hẹp diện thí sinh được cộng điểm ưu tiên so với quy chế tuyển sinh các năm trước.

"Đây là sự điều chỉnh phù hợp vì thực tế trước đây có thí sinh ở khu vực 1, khu vực 2 nông thôn năm tốt nghiệp THPT không trúng tuyển đã đến các thành phố lớn để luyện thi, với quy chế cũ những thí sinh này vẫn được cộng điểm ưu tiên khu vực thì bất công. Tuy nhiên, thực ra điều chỉnh này không tác động nhiều vì giờ ít thí sinh thi lại", ông Khôi nhận định.

Với học sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước nếu thi lại để xét tuyển thường chỉ ôn thi ba môn nên có nhiều thời gian hơn, trong khi học sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT phải học nhiều môn hơn. Thậm chí trong số thí sinh tự do có cả sinh viên đang học ĐH, họ là những người có thêm thời gian ôn luyện.

Thực tế còn cho thấy tại nhiều trường ĐH do chính sách cộng điểm ưu tiên, thí sinh có điểm xét tuyển cao nhất vào trường không phải là thí sinh có điểm thi cao nhất.

Rõ ràng, đối với trường hợp đã tốt nghiệp THPT lại được cộng thêm điểm ưu tiên khu vực một lần nữa là không công bằng. Vì thế, không nên tiếp tục cộng điểm ưu tiên khu vực cho các thí sinh tự do đã tốt nghiệp các năm trước khi tham gia xét tuyển ĐH năm sau.

Việc cộng điểm ưu tiên khu vực chỉ nên được áp dụng một lần mới công bằng với tất cả thí sinh.

Tuyển sinh đại học 2022: Ngăn trường gây khó cho thí sinh Tuyển sinh đại học 2022: Ngăn trường gây khó cho thí sinh

TTO - Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2022 có nhiều điểm mới. Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT, cho rằng quy chế sẽ không ảnh hưởng đến quyền tự chủ tuyển sinh của các trường.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên