Quỹ biệt thự xây dựng xây dựng trước năm 1954 tại Hà Nội được xem có giá trị về kiến trúc và rất cần được bảo tồn - Ảnh: V.N.A. |
Tôi đã đến Việt Nam khoảng 70 lần và có gần 20 năm gắn bó với thủ đô Hà Nội. Năm 2001, tôi làm đề tài nghiên cứu tiến sĩ về sự phát triển đô thị của thủ đô Hà Nội nên muốn góp thêm một tiếng nói về việc đối xử với nhà cổ ở đây.
Thực tế cho thấy do bảo quản tệ, một số biệt thự cổ ở Hà Nội từng rất đẹp trước đây giờ bị lòi khung sắt thép bên trong vì bị thấm nước và xuống cấp. Ngoài ra, những cánh cửa gỗ, một nét điển hình của phố cổ Hà Nội, đa số đã bị thay thế bởi các thanh sắt và cửa kính.
Ảnh do nhân vật cung cấp |
Thời gian gần đây, nhiều ngôi nhà cổ đã bị xuống cấp quá mức, điển hình là ngôi biệt thự cổ 110 năm tuổi trên phố Trần Hưng Đạo bị đổ sập khiến hai người chết vừa qua.
Tôi được biết một số ngôi nhà xây dựng từ thời Pháp được thiết kế bởi thế hệ các kiến trúc sư đầu tiên của Việt Nam. Đó là những biệt thự cổ tuyệt đẹp được xây theo lối kiến trúc Art Deco ở khu vực phía nam khu phố cổ thời Pháp thuộc.
Đáng tiếc là ngày càng nhiều những biệt thự loại này đã bị phá hủy để nhường chỗ cho các mục đích thương mại.
Các kiến trúc sư và kỹ sư xây dựng ở Việt Nam phải không ngừng học hỏi các phương pháp bảo tồn nhà cổ mới. Tôi nghĩ các tổ chức quốc tế hoàn toàn nhất trí cung cấp cho Việt Nam những khóa đào tạo như thế này |
Tiến sĩ MICHAEL WAIBEL |
Đã có rất nhiều quy định về việc bảo tồn các di sản kiến trúc ở Hà Nội, nhưng vấn đề là có một số quy định không linh hoạt và đã lỗi thời. Hậu quả là việc bảo tồn các di sản này bị ngó lơ hoặc được thực hiện không hiệu quả.
Theo tôi, nên kết hợp các quy định và cách tiếp cận linh hoạt. Chẳng hạn như thay vì cấm dân ở nhà cổ sửa chữa nhà thì nên cung cấp các gói hỗ trợ tài chính cho chủ những biệt thự cổ này để họ trùng tu nhà cửa một cách phù hợp dưới sự giám sát của những kiến trúc sư và cơ quan có chức năng quản lý, bảo trì nhà cổ.
Theo tôi biết, phần lớn các biệt thự cổ ở Hà Nội thuộc sở hữu của Nhà nước nên các cơ quan liên quan phải đi đầu và thúc đẩy các dự án trùng tu biệt thự cổ.
Để ngăn chặn những tai nạn đau lòng như vụ sập biệt thự cổ trên phố Trần Hưng Đạo vừa qua, tôi nghĩ rà soát và kiểm định tất cả biệt thự cổ Hà Nội là việc cấp bách phải làm. Và việc kiểm định không chỉ là kiểm tra chất lượng cấu trúc, kết cấu tòa nhà mà còn đánh giá chất lượng thẩm mỹ và giá trị lịch sử của nó.
Theo quan sát của tôi, một số biệt thự và nhà cổ ở Hà Nội quá chật chội do thiếu không gian. Thời Pháp thuộc, chỉ có một gia đình sống trong một ngôi nhà tách biệt, thì bây giờ nhiều gia đình sống trong một ngôi nhà, thậm chí các ngôi nhà này còn được cơi nới thêm, làm phá hủy cấu trúc nguyên thủy của nó.
Tình trạng chật chội quá mức trong các ngôi nhà cổ là một vấn đề phức tạp bởi vì khi sửa chữa lại những ngôi nhà này, người dân buộc phải dọn đi nơi khác ở.
Tuy nhiên, trong trường hợp buộc phải sửa chữa và di dời người dân, chính quyền hoặc các bên liên quan phải hỗ trợ tài chính phù hợp cho các hộ dân để khuyến khích họ di dời.
Một điều nữa tôi cũng lưu ý ở đây là các ngôi nhà cổ không nên bị biến thành các bảo tàng, mà phải ưu tiên phục vụ nơi ăn chốn ở cho người dân và nơi làm việc để giữ lại trọn vẹn hồn phố cổ...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận