Phó chủ tịch UBND Q.Hoàn Kiếm (Hà Nội) Nguyễn Quốc Hoa vừa có văn bản kiến nghị UBND TP Hà Nội cho phép triển khai lát đá tự nhiên trên mặt đường tại 11 tuyến phố nằm trong khu bảo tồn cấp 1, di tích lịch sử quốc gia phố cổ Hà Nội.
Một đoạn phố Tạ Hiện khoảng 50m đã được lát đá tự nhiên từ năm 2011. Theo người dân, ưu điểm của lát đá là đường mát, đẹp... nhưng nhược điểm là đường rất trơn khi mưa - Ảnh: Xuân Long |
Việc đề xuất lát đá ở các tuyến phố ấy sẽ tác động rất lớn đến di tích này, nên phải được xem xét cẩn trọng, kỹ lưỡng |
PGS.TS Đỗ Văn Trụ |
Liệu có lãng phí?
PGS.TS Đỗ Văn Trụ - phó chủ tịch thường trực, tổng thư ký Hội Di sản văn hóa VN - cho rằng: “Theo tôi biết, việc lát đá 11 tuyến phố nằm trong vùng bảo tồn cấp 1 của di tích phố cổ Hà Nội, mà theo Luật di sản văn hóa, bất cứ tác động nào của con người vào vùng lõi di sản như nâng cấp, tu bổ, cải tạo... đều phải được thực hiện theo đúng luật và các văn bản hướng dẫn thi hành luật”.
Ông nói thêm việc lát đá mới 11 tuyến phố rõ ràng sẽ làm thay đổi rất nhiều cấu trúc, yếu tố gốc di tích. Hơn nữa, VN không có truyền thống lát đá tự nhiên trên đường mà đó là truyền thống của châu Âu.
Bày tỏ quan điểm không nên lát đá hàng loạt tuyến phố cổ như đề xuất của UBND Q.Hoàn Kiếm, ông Trụ nêu đề xuất trước khi lát đá hàng loạt như vậy, cơ quan chức năng cần phải có đánh giá cụ thể những mặt được, chưa được, bất cập... hay những vấn đề phát sinh của đoạn đường phố Tạ Hiện đã được lát đá thử nghiệm từ mấy năm trước.
KTS Ngô Doãn Đức (Hội Kiến trúc sư VN) cũng cho rằng việc lát đá 11 tuyến phố cổ Hà Nội vừa lãng phí, vừa không tiện lợi nên cần phải nghĩ thấu đáo, không thể tùy tiện thực hiện.
Ông nói: “Bản chất những con đường khu phố cổ Hà Nội không phải là những con đường đá. Một đoạn phố Tạ Hiện đã được lát đá, đã gây ra tình trạng trơn trượt bóng nhẫy, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân và du khách.
Về mặt cảnh quan không gian kiến trúc, vật liệu đá mà được dùng đại trà cho phố đi bộ là chưa ổn. Đá tự nhiên chỉ phù hợp với những quảng trường, lâu đài lớn ở châu Âu.
Còn đối với khu phố cổ Hà Nội có tính chất dân dã, làng thị thì việc đề xuất lát đá chưa thật phù hợp. Không gian phố cổ có thể tương ứng với những vật liệu như gạch bát tràng, tạo cảm giác thân thiện với những ngôi nhà nhỏ nơi đây”.
Ông Đức cho rằng kinh phí để lát đá thì nên dành để chỉnh trang các tuyến phố cổ hoặc dùng để hoàn thiện hạ tầng, có chỗ dừng chân cho người già, trẻ em và làm chỗ đi vệ sinh cho thuận tiện, vì hiện du khách tìm chỗ đi vệ sinh ở khu phố cổ rất khó khăn.
Đẹp, nhưng rất trơn
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, cả phố Tạ Hiện (Q.Hoàn Kiếm) mới chỉ có một đoạn phố chưa đầy 50m được lát đá tự nhiên. Ông Phạm Ngọc Hà (số 1, ngõ 6, phố Tạ Hiện) cho biết: “Về độ bền, chúng tôi không rõ vì đây là tuyến phố chỉ cho phép xe đạp, xe máy hoạt động và người đi bộ qua lại, còn ôtô là bị cấm nên sau bốn năm đường lát đá chưa xuống cấp gì”.
Cũng theo ông Hà, về cảnh quan cả người dân và du khách nước ngoài đều có chung quan điểm là đường lát bằng đá tự nhiên thì đẹp, mát, không nóng như đường trải thảm nhựa. Tuy nhiên, nhược điểm của loại đá lát này là khi trời mưa thì rất trơn. Người đi bộ và xe đạp điện trượt ngã cũng nhiều.
“Kinh phí đầu tư lát đá rất tốn kém. Nếu lát đá cả 11 tuyến phố trong khi đường phố tại đây mới được thảm nhựa thì hơi lãng phí” - ông Hà nói thêm.
Cũng trong sáng 13-8, ghi nhận tại các tuyến phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường - những tuyến phố trong danh mục 11 tuyến phố cổ được đề xuất lát đá tự nhiên - cho thấy những tuyến phố này vừa được thảm nhựa mới. Khi được hỏi đường mới thảm nhựa lại, không có tuyến đường phố nào bị xuống cấp, giờ phá bỏ để lát đá tự nhiên liệu có quá lãng phí?
Ông Nguyễn Quốc Hoa - phó chủ tịch UBND Q.Hoàn Kiếm - nói: “Việc báo cáo UBND TP về nội dung lát đá tự nhiên 11 tuyến phố mới chỉ là ý tưởng”.
Cũng theo ông Hoa, sở dĩ quận có ý tưởng này vì trước đó khi thực hiện dự án thí điểm lát đá tự nhiên ở phố cổ đã phát huy tốt giá trị, trở thành điểm thu hút du khách. Vì vậy, để đảm bảo đồng bộ về hạ tầng và thúc đẩy hoạt động thương mại dịch vụ và du lịch gắn với bảo tồn không gian kiến trúc truyền thống, phù hợp với việc mở rộng tuyến phố đi bộ trong khu vực phố cổ, UBND quận mới xin chủ trương lát đá ở 11 tuyến phố.
Về ý kiến người dân nêu đường lát đá tự nhiên rất trơn khi trời mưa, ông Hoa thừa nhận: “Đúng là đường lát đá có ưu điểm và nhược điểm. Nhược điểm như người dân nói là trơn khi có mưa, vì vậy quận cũng rất cẩn trọng, đang tranh thủ những ý kiến góp ý của các giới và người dân chứ không phải báo cáo lên thành phố là quyết làm”.
11 tuyến phố được đề nghị lát đá gồm: phố Tạ Hiện (đoạn còn lại từ ngã tư Hàng Bạc đến ngã tư Lương Ngọc Quyến và từ ngã ba ngõ Đào Duy Từ đến ngã ba Hàng Buồm), Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân, Hàng Giấy, Hàng Buồm, Mã Mây, Lương Ngọc Quyến, Hàng Giày, Đào Duy Từ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận