26/09/2021 08:20 GMT+7

Nên kéo dài hợp đồng bảo hiểm bằng thời gian giãn cách

L.THANH
L.THANH

TTO - Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết đã có công văn báo cáo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) về việc tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân tham gia bảo hiểm.

Nên kéo dài hợp đồng bảo hiểm bằng thời gian giãn cách - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp du lịch dịch vụ ở Đà Nẵng bị ảnh hưởng nặng nề vì tác động của COVID-19 trong 2 năm qua. Trong ảnh là bãi xe buýt và du lịch ở Đà Nẵng nằm bãi - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Thực tế, thời gian qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng. Tình hình tài chính của đa số chủ xe tham gia bảo hiểm đều gặp khó khăn, đồng thời lưu lượng cũng như thời gian xe máy, ôtô tham gia giao thông giảm tối đa. Chính vì vậy, các doanh nghiệp bảo hiểm cho rằng cần có chính sách chia sẻ khó khăn với khách hàng.

Cụ thể: đối với các trường hợp khách hàng yêu cầu tạm ngưng bảo hiểm trong thời gian giãn cách sẽ được kéo dài thời hạn bảo hiểm tương ứng với thời gian tạm ngưng. Trường hợp khách hàng không yêu cầu tạm dừng bảo hiểm (vì thực tế xe vẫn gặp rủi ro) thì doanh nghiệp bảo hiểm có thể xem xét giảm phí khi tái tục hợp đồng bảo hiểm.

Riêng đối với bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, trong khi chưa có chính sách điều chỉnh, doanh nghiệp bảo hiểm cũng có thể sẽ không áp dụng tăng phí đối với khách hàng có lịch sử bồi thường cao.

Một chuyên gia về bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho rằng xe máy, ôtô nằm im cả mấy tháng trời thì rủi ro gần như là không có. Nên việc tính phí, thu phí bảo hiểm đối với chủ xe là bất hợp lý.

Hơn nữa, việc phương tiện không thể được lưu thông như bình thường suốt mấy tháng qua ở TP.HCM, Hà Nội... là do địa phương giãn cách để phòng chống dịch COVID-19. Đây là nguyên nhân khách quan và bất khả kháng. Khách hàng khó khăn, ảnh hưởng nặng nề vì giãn cách xã hội rất cần sự chia sẻ của các doanh nghiệp bảo hiểm.

"Quan điểm cá nhân tôi là cần tính thời gian mà địa phương thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 của Chính phủ là thời gian hợp đồng bảo hiểm tạm dừng. Hợp đồng bảo hiểm sẽ được kéo dài bằng đúng thời gian tạm dừng hợp đồng" - vị này nói.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã trình vấn đề này lên lãnh đạo Bộ Tài chính. Để hỗ trợ cho người mua bảo hiểm xe cơ giới, vấn đề hiện nay là cần có hành lang pháp lý giúp bên bán và mua bảo hiểm có thể thỏa thuận về hợp đồng cũng như mức phí bảo hiểm xe cơ giới khi phương tiện phải hoạt động để thực hiện phòng chống dịch bệnh.

Giảm bớt gánh nặng chi phí

Tôi vay ngân hàng mua ôtô trả góp để chạy dịch vụ du lịch. Từ cuối năm 2020 đến nay, xe nằm bãi, lao đao với lãi vay hằng tháng, tiền gửi ôtô trong bãi 900.000 đồng/tháng... Có lúc phải vay mượn để đóng tiền lãi. Sắp tới đây, tôi phải "đối mặt" với mức phí bảo trì đường bộ, bảo hiểm xe, phí đăng kiểm... để xe lăn bánh trở lại. Những chi phí này không hề nhỏ, tính riêng phí bảo trì đường bộ đối với ôtô 7 chỗ ngồi hơn 1,5 triệu đồng/năm, phí đăng kiểm tầm 340.000 đồng/năm.

TP.HCM áp dụng giãn cách xã hội 4 tháng nay, mọi hoạt động kinh tế, du lịch, dịch vụ... đều tê liệt. Xe không được chạy, chủ xe vẫn phải đóng không thiếu loại phí nào, đó là áp lực lớn. Tôi kiến nghị Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam xem xét giảm bớt những loại phí. Các đơn vị có thể miễn giảm cho chủ xe từ 40-50% mức phí cho lần đóng tiếp theo. Đây là một biện pháp hỗ trợ phù hợp đối với chủ xe, doanh nghiệp vận tải để họ bớt đi gánh nặng chi phí.

Anh Trần Văn Lộc (một chủ xe ở TP Thủ Đức, TP.HCM)

Doanh nghiệp chịu phí quá nặng

Trước thực tế, các chủ ôtô "kêu trời" vì sắp phải đóng phí bảo trì đường bộ, phí đăng kiểm, bảo hiểm xe... dù xe không chạy. Hàng loạt doanh nghiệp vận tải hàng hóa, vận tải hành khách điêu đứng vì hoạt động bị "đóng băng" trong đợt dịch vừa qua. Dù doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động nhưng lãi ngân hàng vẫn đóng, toàn bộ phí nêu trên vẫn nộp định kỳ. Vài doanh nghiệp không cầm cự được, đứng trước nguy cơ vỡ nợ.

Gia đình tôi có 3 xe chở khách đi tuyến TP.HCM - miền Tây, mỗi năm đóng phí bảo trì đường bộ gần 4,68 triệu đồng/xe. Khi ngưng chạy, vẫn phải trả lương tài xế, bảo trì xe... Các loại phí cộng dồn lại là nỗi khổ của doanh nghiệp trong tình hình khó khăn bây giờ. Những doanh nghiệp lớn hơn có quy mô hàng trăm, hàng nghìn xe thì gánh nặng của họ sẽ khủng khiếp như thế nào!

Vài tháng nữa là hết năm 2021, ngành vận tải càng lao đao sau dịch nếu các cơ quan nhà nước không kịp thời có biện pháp, chính sách hỗ trợ. Tôi đề nghị cần có chính sách cụ thể miễn giảm hoặc gia hạn đóng phí cho chủ xe, doanh nghiệp vận tải... Trong đó, toàn bộ thời gian xe tạm ngừng chạy theo quy định nhà nước sẽ được miễn phí bảo trì đường bộ, phí đăng kiểm... Chủ xe, doanh nghiệp được kéo dài thời hạn đến đợt đóng phí tiếp theo.

(Một chủ doanh nghiệp vận tải hành khách)

Doanh nghiệp bảo hiểm tìm cách thích ứng thời COVID-19 Doanh nghiệp bảo hiểm tìm cách thích ứng thời COVID-19

Đại dịch COVID-19 tác động lớn trên toàn cầu. Các doanh nghiệp thích nghi tình trạng bình thường mới bằng cách nỗ lực cân bằng giữa an toàn sức khỏe của cộng đồng, cắt giảm chi phí và chuyển hướng đầu tư các yếu tố giúp doanh nghiệp tăng trưởng.

L.THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên