09/09/2021 10:00 GMT+7

Nên cho trường nghề dạy văn hóa 7 môn

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - Sáng 8-9, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - thương binh và xã hội) tổ chức hội nghị góp ý dự thảo thông tư quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp do Bộ GD-ĐT soạn thảo.

Nên cho trường nghề dạy văn hóa 7 môn - Ảnh 1.

Học viên Trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn trong giờ học - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thông tư này là cơ sở quan trọng cho việc dạy văn hóa trong trường nghề, vốn là chuyện lâu nay nhiều ý kiến trái chiều giữa Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB&XH.

Vừa học nghề, vừa có bằng tốt nghiệp THPT

Ông Võ Khắc Hoan - hiệu trưởng Trường CĐ Luật miền Trung - chia sẻ không thể phủ nhận hiện nay nhu cầu của học sinh tìm đến chương trình hệ 9+ là muốn vừa học nghề, vừa có thể học văn hóa để được dự thi tốt nghiệp THPT. Ngay các phụ huynh cũng rất mong có thể sở hữu tấm bằng tốt nghiệp THPT hơn là chỉ một chứng chỉ hoàn thành khối lượng kiến thức THPT.

Ông Hoan ước tính ở đơn vị mình hằng năm có đến 90% học sinh đăng ký hệ 9+ vì hướng đi song song này. Muốn như vậy, theo dự thảo thông tư của Bộ GD-ĐT, các em phải học chương trình giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp THPT gồm bảy môn học toán, văn, lý, hóa, sinh, sử, địa. Mấu chốt nằm ở chỗ việc dạy chương trình bảy môn không được trường nghề đảm nhiệm mà bắt buộc phải kết hợp với một trung tâm GDTX trên địa bàn.

Chính điều này tạo ra rất nhiều vướng mắc khi phải "lệ thuộc" vào các cơ sở GDTX khiến trường nghề khó linh hoạt chương trình đào tạo. Trái lại, theo ông Hoan, hầu hết các trường nghề đều có đủ nguồn lực về đội ngũ và cơ sở vật chất để giảng dạy chương trình giáo dục cấp THPT. Chưa kể hiện nay, phần lớn các trường đã tự dạy khối lượng kiến thức THPT cho hệ trung cấp, gồm bốn môn toán, văn, lý, hóa, ngay tại cơ sở thì việc đảm đương thêm ba môn là không quá khó.

Tương tự, ông Phạm Hữu Lộc - hiệu trưởng Trường CĐ Lý Tự Trọng TP.HCM - chia sẻ mỗi năm trường tuyển khoảng 3.500 học sinh tốt nghiệp THCS vào trường học nghề kèm học văn hóa. Phần lớn các em đều muốn học chương trình bảy môn và dự thi tốt nghiệp THPT. Số lượng học viên rất lớn khiến khó lòng một trung tâm GDTX nào có thể tự gánh vác phần dạy văn hóa. Trong khi đó đội ngũ giáo viên có sẵn của trường đủ số lượng và chất lượng.

Tính đường sáp nhập trung tâm GDTX

Ông Phạm Hữu Lộc chia sẻ gần đây nhà trường có đề xuất với một số cơ quan chức năng ở TP.HCM để được thành lập một trung tâm GDTX trực thuộc Trường CĐ Lý Tự Trọng TP.HCM. Trong khi chờ đợi những thay đổi mới trong thông tư của Bộ GD-ĐT, cách làm này dự kiến giúp trường tự đảm nhiệm dạy chương trình bảy môn cho học sinh mà không phụ thuộc vào cơ sở GDTX bên ngoài. Vướng mắc nằm ở chỗ hiện vẫn chưa có quy định về việc trường nghề mở một trung tâm GDTX, trong khi các trường đại học hiện đã được cho phép.

Ông Hoàng Quang Đạt - hiệu trưởng Trường CĐ Lào Cai - chia sẻ để "lách" được quy định này, trường đã đề xuất UBND tỉnh Lào Cai chuyển giao một trung tâm GDTX trên địa bàn về trường. Theo đó từ ngày 1-9-2020, UBND tỉnh Lào Cai đã đồng ý thí điểm chuyển Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - GDTX Sa Pa trực thuộc Trường CĐ Lào Cai trong 2 năm. Kết quả chỉ sau một năm triển khai, tuyển sinh hệ 9+ của trường đã tăng lên 137%.

Ông Phạm Vũ Quốc Bình, phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, chia sẻ không chỉ riêng ở Lào Cai hay TP.HCM, nhiều trường nghề thời gian qua cũng đã đề xuất với địa phương về việc sáp nhập như trên. Tuy vậy một số nơi không được chấp thuận. Bài toán đặt ra là thuyết phục được lãnh đạo địa phương. Ông Bình cho rằng nhiều tỉnh thành đang sắp xếp lại mạng lưới giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn có thể tính đến mô hình thí điểm này để xem xét tính hiệu quả.

Tạo cơ hội học tập liên thông

Ông Trương Anh Dũng, tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, chia sẻ thông tư quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xuất phát từ mục đích trước hết là vì người học. Thực tế ở các trường cho thấy nếu vẫn quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT như cũ sẽ không giải quyết được nhu cầu của học sinh, phụ huynh và các trường.

Thời gian tới, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ tiếp tục làm việc với đơn vị thuộc Bộ GD-ĐT để góp ý thông tư theo hướng các môn học văn hóa THPT cần thống nhất với các môn học chương trình GDTX cấp THPT hoặc chương trình giáo dục THPT nhằm tạo cơ hội học tập liên thông để tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT. Riêng những học sinh được cấp giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT có nguyện vọng đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT thì được học bổ sung các môn học còn thiếu theo quy định.

Đặc biệt, cần cho phép các trường trung cấp, cao đẳng có đủ điều kiện được lựa chọn, tổ chức giảng dạy bổ sung các môn học theo chương trình GDTX cấp THPT hoặc chương trình giáo dục THPT cho học sinh theo hướng dẫn của sở GD-ĐT địa phương.

Trường nghề muốn được dạy chương trình văn hóa 7 môn Trường nghề muốn được dạy chương trình văn hóa 7 môn

TTO - Sáng 8-9, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động, thương binh và xã hội tổ chức hội nghị góp ý dự thảo thông tư quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, do Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành.

TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên